Cần làm gì để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư?

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:20, 03/12/2019

(BKTO) - Chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) thường chiếm tỷ trọng đáng kể trong tổng chi NSNN. Tại 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hà Nam, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc và Hòa Bình, chi đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) chiếm khoảng 9,6 - 36% tổng chi. Qua kiểm toán ngân sách và một số dự án đầu tư tại 5 địa phương trên, KTNN khu vực I đã phát hiện không ít hạn chế trong lĩnh vực này.



Còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư. Ảnh: H.Thành

Còn nhiều hạn chế trong quá trình thực hiện dự án đầu tư

Thứ nhất, việc bố trí vốn đầu năm chưa phù hợp với khả năng thực hiện, dẫn tới phải điều chỉnh, điều hòa kế hoạch vốn trong năm, việc điều chỉnh kế hoạch vốn giữa các dự án chưa có tiêu chí và cơ sở ưu tiên rõ ràng, dễ xảy ra tiêu cực trong quá trình thực hiện. Đó là chưa kể một số nguồn vốn được T.Ư giao mục tiêu từ đầu năm, nhưng đến cuối năm địa phương mới phân bổ; dự án nhu cầu vốn lớn nhưng được bố trí ít vốn, thậm chí không được bố trí vốn...

Thứ hai, nhu cầu vốn của chủ đầu tư và khả năng triển khai dự án chưa được xem xét kỹ, dẫn đến việc bố trí số vốn lớn song không thể giải ngân hoặc tỷ lệ giải ngân thấp nên phải điều chỉnh kế hoạch vốn. Trong khi đó, các dự án khác có khối lượng hoàn thành nhưng chưa được bố trí vốn thanh toán trong năm, thậm chí nhiều dự án còn nợ XDCB lớn nhưng không được bố trí vốn để trả nợ (có ban quản lý dự án còn nợ hàng nghìn tỷ đồng).

Thứ ba, địa phương phân bổ kế hoạch vốn nguồn vay tín dụng ưu đãi không đúng đối tượng.

Thứ tư, ứng trước kế hoạch vốn năm sau để thực hiện trong năm ngân sách nhưng tỷ lệ giải ngân thấp, trong khi năm sau lại không bố trí kế hoạch vốn để thu hồi vốn ứng. Còn tình trạng số dư vốn ứng trước kéo dài qua nhiều năm.

Thứ năm, số tạm ứng vốn đầu tư XDCB quá hạn nhưng không thu hồi nộp ngân sách để phân bổ cho các dự án thiếu vốn.

Thứ sáu, thời hạn chuyển nguồn vốn đầu tư và việc xét chuyển nguồn đối với từng dự án chưa tuân thủ nghiêm quy định, một số dự án cùng tiêu chí nhưng có dự án được chuyển nguồn, có dự án lại không (tạo cơ chế xin cho). Bên cạnh đó, vẫn còn hiện tượng chuyển nguồn vốn ngân sách T.Ư hỗ trợ qua nhiều năm, các địa phương không chủ động nộp trả ngân sách T.Ư, thông thường khi kiểm toán phát hiện và kiến nghị thì địa phương mới nộp.

Qua kiểm toán, KTNN khu vực I còn phát hiện nhiều dự án được ưu tiên bố trí vốn cho việc khởi công mới với lý do cấp bách song lại không chứng minh được tính cấp bách và quan trọng hơn các dự án không được ưu tiên. Một số địa phương báo cáo không có nợ XDCB nhưng kết quả kiểm toán vẫn cho thấy có ban quản lý dự án nợ hàng nghìn tỷ đồng. Hầu hết các dự án được kiểm toán đều có sai sót về đơn giá, định mức và khối lượng trong các khâu dự toán, nghiệm thu và thanh toán. KTNN khu vực I đã kiến nghị giảm trừ trên 3% giá trị được kiểm toán (chưa tính số giảm trừ về kiến nghị xử lý khác).

Để nâng cao chất lượng kiểm toán dự án đầu tư

Một là, tập trung kiểm toán để đánh giá và kiến nghị về việc các sở, ban, ngành rà soát, dừng việc phê duyệt khởi công mới các dự án chưa thực sự cấp bách, khi chưa hoàn thành xử lý nợ XDCB theo Chỉ thị số 27/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về những giải pháp chủ yếu khắc phục tình trạng nợ đọng XDCB tại các địa phương; Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục tổ chức rà soát, thống kê các dự án hoàn thành hoặc dự kiến hoàn thành, không bố trí được kế hoạch vốn, hoặc bố trí vốn chưa đầy đủ để có biện pháp điều chuyển, tập trung vốn cho các công trình đã hoàn thành theo Luật Đầu tư công và các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư công và xử lý nợ XDCB; đảm bảo số liệu nợ XDCB đầy đủ, chính xác để có phương án và lộ trình xử lý dứt điểm theo quy định; phải xác định cụ thể, rõ ràng chi tiết giá trị từng nguồn vốn và kế hoạch bố trí vốn, đảm bảo việc bố trí vốn hằng năm và tổng thời gian hoàn thành dự án theo kế hoạch; đảm bảo tỷ lệ bố trí vốn theo quy định cho các ngành giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ...

Hai là, kiểm toán viên cần nghiên cứu kỹ hồ sơ pháp lý và hồ sơ chất lượng của các dự án; thực hiện kiểm tra, đối chiếu, so sánh thông tin giữa các tài liệu trong các khâu của quá trình thực hiện dự án nhằm phát hiện các bất cập, mâu thuẫn, thiếu tính logic từ đó phát hiện các sai phạm trong việc quản lý, thực hiện dự án.

Ba là, cần yêu cầu chủ đầu tư cung cấp file mềm thiết kế và dự toán để hỗ trợ việc kiểm tra, tính toán của kiểm toán viên được thuận tiện và đẩy nhanh tiến độ kiểm toán. Tập trung kiểm tra xác định giá dự toán (giá trần của gói thầu) đảm bảo tính chính xác, phù hợp với thực tế, thời điểm lập dự toán phù hợp với các chế độ, chính sách hiện hành...

Bốn là, cần nghiên cứu, tổ chức kiểm tra hiện trường, đối chiếu bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công, thực tế thi công và hồ sơ nghiệm thu thanh toán để từ đó có thể phát hiện được sai phạm (nếu có) trong việc xác định khối lượng thi công nghiệm thu, biện pháp thi công, nhất là các thay đổi, điều chỉnh và xử lý vướng mắc trong thực tế thi công...

Năm là, thu thập các văn bản về chế độ chính sách qua các thời kỳ liên quan đến dự án được kiểm toán, đối chiếu với việc áp dụng của chủ đầu tư trong từng giai đoạn, từng khâu thực hiện dự án như: việc lập dự toán, phê duyệt giá gói thầu, tổ chức đầu thầu, nghiệm thu thanh toán...

Sáu là, kiểm tra các điều khoản của hợp đồng giữa chủ đầu tư với đơn vị thực hiện và các hồ sơ pháp lý khác có liên quan. Lưu ý kiểm toán công tác điều chỉnh tại các phụ lục hợp đồng, nhất là các nội dung thực hiện điều chỉnh giá.

Bảy là, nếu tổ kiểm toán có thể bố trí được nhân lực và thời gian phù hợp với tính chất của loại công trình thì tiến hành kiểm tra các yếu tố chính về đảm bảo chất lượng công trình trong giai đoạn thiết kế dự án, cụ thể là: kiểm tra bản tính kết cấu chịu lực, kiểm toán ổn định... của các hạng mục, xem xét sự tuân thủ theo yêu cầu của quy trình, quy chuẩn, tiêu chuẩn nhà nước, tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành..., từ đó đánh giá mức độ an toàn của hạng mục, công trình. Lưu ý các thay đổi, xử lý hiện trường có ảnh hưởng đến chất lượng của công trình. Đây cũng là một trong các yếu tố có thể sử dụng để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả của dự án. Trường hợp không kiểm toán các nội dung này thì nên giới hạn trong Biên bản kiểm toán để tránh rủi ro cho KTNN.

NGUYỄN TRỌNG LỢI - KTNN khu vực I