Quy định giới hạn lưu huỳnh: Thách thức lớn của doanh nghiệp hàng hải

Đầu tư - Ngày đăng : 08:50, 03/12/2019

(BKTO) - Ngành vận tải biển Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển và đang trên đà tăng trưởng ổn định. Tuy nhiên, Việt Nam cần phải vượt qua các thách thức về hiện đại hóa và các quy định hàng hải ngày càng khắt khe, nhất là quy định giới hạn lưu huỳnh 2020 (2020 Global Sulphur Cap) - một yêu cầu kỹ thuật cao trong vận chuyển tàu biển của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO) sẽ có hiệu lực từ tháng 01/2020.



Gánh thêm nhiều chi phí

Theo Công ước Marpol 73/78 của IMO, tất cả các hãng vận tải biển phải tuân thủ quy định giới hạn tối đa của lưu huỳnh trên hàm lượng nhiên liệu là 0,5% thay vì mức 3,5% như hiện tại chậm nhất vào ngày 01/01/2020. Đây là sáng kiến của IMO nhằm giảm phát thải oxit lưu huỳnh (SOx) từ tàu biển trước thực trạng hầu hết các tàu chở hàng sử dụng dầu nhiên liệu nặng có nguồn gốc từ dầu thô và chứa SOx. Các loại khí có thể gây ra mưa axit và là nguyên nhân của các bệnh về đường hô hấp. Theo thống kê, sẽ có khoảng 70.000 tàu biển bị tác động bởi quy định này, gây tốn kém thêm khoảng 50 tỷ USD mỗi năm.

Nói về quy định trên, ông Simon Neo - Giám đốc cao cấp Công ty Tư vấn về nhiên liệu hàng hải cho rằng, đây là thách thức rất lớn đối với các hãng tàu vận chuyển quốc tế. Điều này cũng phù hợp với tình trạng đội tàu Việt Nam hiện nay. Bởi lẽ, nếu chuyển sang sử dụng dầu nhiên liệu có hàm lượng lưu huỳnh xuống còn 0,5% thì chi phí cho vận hành của DN hàng hải đối với đội tàu sẽ bị đội lên thêm đến 50% so với loại dầu đang sử dụng hiện nay. Trong bối cảnh Việt Nam là một quốc gia thiên về xuất khẩu, những quy định này sẽ ảnh hưởng tới các DN hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, cũng như các DN xuất - nhập khẩu.

Tổng Thư ký Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam Bùi Văn Trung cho biết, các hãng tàu container trên thế giới bắt đầu áp dụng nhiều giải pháp như lắp đặt hệ thống lọc lưu huỳnh. Tuy nhiên, dù lựa chọn giải pháp nào thì ngành hàng hải cũng sẽ gánh thêm chi phí hoạt động không nhỏ vì các loại nhiên liệu sạch sẽ đắt tiền hơn. Cụ thể, loại nhiên liệu mới sẽ có giá đắt hơn dầu FO (dầu Mazut) mà các tàu đang sử dụng trung bình khoảng 100 USD/tấn. Trường hợp không dùng nhiên liệu thay thế mà lắp thiết bị lọc, giá thành lắp đặt cũng đắt ngang giá trị một con tàu. Đây là thách thức rất lớn đối với các hãng tàu vận chuyển quốc tế, nhất là các hãng tàu có quy mô hoạt động còn nhỏ, tiềm lực tài chính yếu.

Đẩy nhanh việc áp dụng Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực hàng hải

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, việc giới hạn lưu huỳnh 2020 sẽ mang đến nhiều thay đổi lớn trong ngành vận tải biển, làm tăng chi phí vận hành và quản lý do chi phí nhiên liệu tăng. Chính vì vậy, các quốc gia có truyền thống đóng tàu lớn như: Nhật Bản, EU và Hoa Kỳ đang tìm cách sử dụng nhiên liệu hóa lỏng để giảm chi phí. Đây cũng là thời cơ thích hợp để Việt Nam học hỏi từ những cường quốc hàng hải toàn cầu.

Ông Chris Chatterton - Giám đốc Điều hành của Tổ chức Thương mại toàn cầu về Methanol - cho biết, không giống như các loại nhiên liệu thay thế khác, Methanol thực sự có thể đáp ứng quy định IMO 2020 cũng như mục tiêu giảm lượng khí thải carbon do IMO đặt ra nhằm hướng đến lộ trình khí thải carbon ở mức bằng 0 hoặc tái tạo. Methanol tái tạo có thể hoạt động như một loại nhiên liệu chuyển tiếp dài hạn, trong khi với vai trò là chất dẫn hydro hiệu quả, nó còn có thể cung cấp năng lượng cho pin nhiên liệu, một loại nhiên liệu được coi là một trong những phương pháp khả thi nhất để giảm thiểu lượng khí thải carbon trong vận chuyển đường thủy trong tương lai.

Đưa ra giải pháp cho các chủ tàu, ông Simon Neo cho rằng, các DN chủ tàu Việt Nam cần phải cẩn trọng khi mua nhiên liệu. Theo đó, cần mua đúng loại nhiên liệu đáp ứng quy định giới hạn lưu huỳnh IMO 2020 và mua từ nhà cung cấp phù hợp để tự bảo vệ chính mình. Khi làm hợp đồng, các DN Việt Nam cần làm chặt và thật chi tiết. Ví dụ, DN có thể ghi rõ trong hợp đồng là loại nhiên liệu cung cấp cần có chất lượng đạt chuẩn ISO 8217:2017 hoặc PAS 23739, là các chuẩn tương thích với giới hạn lưu huỳnh IMO 2020. Ngoài ra, khi giao nhận nhiên liệu thì các DN cũng cần lấy mẫu nhiên liệu để tránh trường hợp bị đánh tráo nhiên liệu, hoặc bị thay thế bằng loại nhiên liệu kém chất lượng.

Trước những thách thức về quy định giới hạn lưu huỳnh 2020, Cục Hàng hải Việt Nam đã chính thức kêu gọi các chủ tàu và các bên liên quan đẩy nhanh việc áp dụng những thành tự của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) trong lĩnh vực hàng hải. Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, Phó Giáo sư Okan Duru - Giám đốc Nghiên cứu hàng hải, Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) - cho biết, đầu tư cho số hóa là một khoản đầu tư cần thiết để sinh tồn. Nếu các chủ tàu và nhà khai thác không thích ứng với việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ 4.0 thì rất có thể sẽ nhanh chóng bị xóa sổ bởi CMCN 5.0. Trong nhiều giải pháp số hóa khác nhau, tự động hóa nơi làm việc và tự động hóa vận hành tàu (Ship 5.0) sẽ thay đổi đáng kể hệ sinh thái hàng hải. Những thay đổi này chưa ở mức độ cấp bách, nhưng chúng cũng không còn quá xa để chúng ta có thể lơ là.
LÊ HÒA