Đưa chính sách tín dụng ưu đãi đến gần hơn với học sinh, sinh viên

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:10, 03/12/2019

(BKTO) - Từ ngày 01/12 tới, mức cho vay tối đa đối với học sinh, sinh viên (HSSV) theo Chính sách Tín dụng HSSV (Chính sách) sẽ tăng từ 1,5 triệu đồng lên 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Đây thực sự là tin vui đối với các gia đình HSSV có hoàn cảnh khó khăn đang theo đuổi ước mơ được học tập.


Nâng đỡ ước mơ học tập cho học trò nghèo

Trong bối cảnh các trường công lập đang hướng đến mục tiêu tự chủ, sự hỗ trợ từ ngân sách dành cho các trường ngày càng giảm, dẫn đến việc các trường phải từng bước tính đúng, tính đủ giá dịch vụ, việc này sẽ đẩy chi phí học tập của người học lên mức cao hơn. Để hỗ trợ người học, Chính phủ đã triển khai chương trình tín dụng với lãi suất ưu đãi lần đầu tiên được áp dụng theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với HSSV.

Sau hơn 10 năm thực hiện, chương trình góp phần thực hiện công bằng xã hội, hỗ trợ và tạo cơ hội cho HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, trang trải cho việc học tập, sinh hoạt. Chính sách này cũng đã giúp một bộ phận nhân dân có thu nhập thấp nhận được sự bình đẳng về đào tạo, được hỗ trợ kinh phí để học tập, kể cả đào tạo nghề, giúp họ có thể tìm được việc làm ổn định, phát triển kinh tế cho bản thân và gia đình. Cũng nhờ kênh tín dụng, các trường đã không còn tình trạng HSSV trúng tuyển mà không nhập học và tình trạng HSSV phải bỏ học giữa chừng vì khó khăn kinh tế, đảm bảo chất lượng và số lượng đào tạo đầu ra.

Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1656/QĐ-TTg điều chỉnh mức cho vay quy định tại Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg. Theo đó, mức cho vay tối đa là 2,5 triệu đồng/tháng/HSSV. Như vậy, so với mức cũ đã áp dụng từ ngày 15/6/2017 thì mức cho vay tối đa đối với HSSV tăng thêm 1 triệu đồng/tháng/HSSV.

Sau khi được công bố, thông tin này đã nhận được sự phản hồi tích cực của các trường cũng như phía gia đình HSSV. ThS. Nguyễn Bá (Trường Đại học Nguyễn Tất Thành) cho rằng, việc áp dụng Chính sách này là một trong những chủ trương đúng đắn và nhân văn của Chính phủ từ nhiều năm trước. Chính sách không những giúp HSSV có hoàn cảnh khó khăn tiếp tục thực hiện ước mơ được học tập mà còn gián tiếp thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, trình độ văn hóa, giáo dục của người dân. Theo ThS. Nguyễn Bá, từ thời điểm 2007, mức cho vay bình quân 800.000 đồng/tháng cơ bản giúp HSSV chi phí được mức sống tối thiểu. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế - xã hội, mức lạm phát và những đòi hỏi ngày càng cao từ chất lượng các dịch vụ xã hội, chi phí này đã không còn phù hợp và cần điều chỉnh. Do đó, việc tăng mức vay vốn lúc này là cần thiết và nhận được sự đồng tình của xã hội.

Từng bước khắc phục bất cập của Chính sách

Không thể phủ nhận những lợi ích to lớn của Chính sách tín dụng này. Tuy nhiên, khi triển khai Chính sách vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Điển hình như mức vay vốn quá thấp và chậm được điều chỉnh, dẫn đến nhiều HSSV không mặn mà vay vốn. Vấn đề này đã được khắc phục thông qua quyết định điều chỉnh mới đây của Chính phủ.

Theo ThS. Nguyễn Mai Hương (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định, việc thực hiện Chính sách thời gian qua xuất hiện tình trạng thừa vốn, thiếu người vay; HSSV ra trường gặp nhiều khó khăn trong quá trình trả nợ. Mặt khác, về đối tượng vay, Chính sách không áp dụng hình thức đánh giá năng lực tài chính của HSSV làm cơ sở cho việc cho vay khi ngân hàng xét hồ sơ pháp lý. Điều này dẫn đến hệ quả là người cần vay thì chỉ được vay ít, còn người không có nhu cầu vẫn vay và sử dụng tiền vay vào mục đích khác...

Theo ThS. Nguyễn Mai Hương, để giải quyết những hạn chế nêu trên, tạo điều kiện cho Chính sách không những thực hiện tốt vai trò xã hội mà còn là giải pháp cho cải cách tài chính giáo dục, Nhà nước cần tiếp tục đổi mới Chính sách. Theo đó, Chính phủ cần định hướng chương trình trở thành tín dụng thương mại trong tương lai, giảm dần vai trò tín dụng chính sách. Cầnrà soát, sửa đổi một số nội dung khoản vay cho phù hợp hơn như: điều chỉnh tăng mức cho vay; cho phép xây dựng lịch trả nợ linh hoạt căn cứ trên thu nhập của HSSV sau khi ra trường...

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguồn lực của Nhà nước có hạn, trong khi phải thực hiện đồng thời nhiều mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, dẫn đến tình trạng bố trí vốn của ngân hàng đối với Chính sách có lúc bị động và chưa kịp thời; công tác thu hồi nợ quá hạn còn nhiều lúng túng.

Mặt khác, sự phối hợp giữa ngân hàng, chính quyền địa phương và tổ chức chính trị - xã hội trong việc triển khai cho vay theo cơ chế ủy thác còn thiếu đồng bộ, dẫn đến hiệu quả chưa cao. Do đó, để khắc phục những bất cập trên nhằm phát huy hơn nữa hiệu quả của Chính sách, các cơ quan chức năng cần thường xuyên đánh giá để tìm giải pháp tháo gỡ kịp thời; linh hoạt hơn trong việc xác định đối tượng vay. Bên cạnh đó, cần nâng cao công tác tuyên truyền đối với người dân trong việc sử dụng hiệu quả, đúng mục đích nguồn vốn vay; kịp thời nắm bắt tình hình để đảm bảo việc trả nợ được đúng hạn, từ đó nâng cao hiệu quả của Chính sách.

NGUYỄN LỘC