Cộng đồng DN kỳ vọng môi trường kinh doanh thuận lợi hơn
Đầu tư - Ngày đăng : 09:10, 14/05/2015
(BKTO) - Dự thảo Nghịđịnh của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đangthu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia cũng như của cộng đồng DN. Với việc quy định chitiết một số điểm mới, các DN kỳ vọng Nghị định này cùng với Luật DN (sửađổi) có hiệu lực thi hành từngày 01/7/2015 sẽ thực sự tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơncho DN.
Đại diện VCCI và CIEM chủ trì cuộc Hội thảo. Ảnh: T.K
DN vẫn gặp nhiều “rào cản” trong hoạt động kinh doanh
Tại Hội thảo lấy ý kiến DN góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN (sửa đổi) và hoàn thiện pháp luật về điều kiện đầu tư kinh doanh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức ngày 13/5, TS. Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) đã chỉ ra nhiều hạn chế về điều kiện kinh doanh của các DN hiện nay.
Cụ thể, việc có quá nhiều điều kiện kinh doanh đã tạo thành “rào cản” đối với DN khi gia nhập thị trường, gia tăng bất bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh, gây thiệt thòi cho các DN nhất là DN nhỏ và vừa. Nhiều quy định về điều kiện kinh doanh không khuyến khích, thậm chí thui chột sáng tạo, loại bỏ những cách làm mới, cách làm khác của DN, làm cho quan hệ cung cầu thị trường bị méo mó mà thị trường không thể điều chỉnh về điểm cân bằng được, làm hạn chế hiệu quả kinh doanh cũng như năng lực cạnh tranh của DN, từ đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của nền kinh tế. Do vậy, cần phải phá bỏ những rào cản này để cải tiến điều kiện kinh doanh cho các DN.
Theo nhận định của ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng Ban Pháp chế của VCCI: thách thức lớn trong hoạt động của các DN hiện nay là nhiều điều kiện kinh doanh, giấy phép kinh doanh chưa đảm bảo tinh thần tự do kinh doanh của Luật DN (sửa đổi). Trên thực tế, DN vẫn phải kê khai, áp mã ngành nghề kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
Do vậy, Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN phải “hóa giải” được những tồn tại, thách thức này. Theo đó, những quy định về điều kiện kinh doanh, cách thức quản lý kinh doanh trong Dự thảo Nghị định cần phải đảm bảo tinh thần tự do kinh doanh của Luật DN (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/7 tới.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật DN (sửa đổi) được đưa ra lấy ý kiến lần này tập trung xoay quanh 4 vấn đề nổi cộm nhất, gồm: vấn đề phát triển DN xã hội; quản lý và sử dụng con dấu của DN; quản lý Nhà nước đối với DN; hạn chế sở hữu chéo giữa các công ty. Được bổ sung thêm nhiều quy định cụ thể, chi tiết, Dự thảo Nghị định đã thu hút sự quan tâm, đóng góp ý kiến của nhiều chuyên gia và DN.
Gỡ “nút thắt” về điều kiện kinh doanh của DN
Nhằm tháo gỡ những “nút thắt” về điều kiện kinh doanh, đồng thời hướng tới xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho DN, ông Phan Đức Hiếu - Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh (CIEM) nêu rõ: Dự thảo Nghị định sẽ cụ thể hóa về điều kiện thành lập, hoạt động, hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký chuyển đổi DN thành DN xã hội, trình tự chia tách, hợp nhất, sáp nhập, giải thể và chính sách phát triển đối với DN xã hội.
Liên quan đến những quy định này, ông Trần Đăng - Trưởng Phòng Thủ tục pháp lý của Tập đoàn Vingroup đề nghị bổ sung thêm quy định đối với các quỹ xã hội, quỹ từ thiện, cơ sở bảo trợ xã hội được chuyển đổi thành DN xã hội. “Với những điểm ưu việt của chế định DN xã hội trong Luật DN (sửa đổi), các quỹ này và cơ sở bảo trợ xã hội chắc chắn sẽ có nhu cầu chuyển đổi mô hình hoạt động thành DN xã hội để được hưởng các ưu đãi của Nhà nước” - ông Đăng nhận định.
Tương tự như vậy, nhiều quy định có tính chất cởi mở hơn, thông thoáng hơn đối với DN xã hội được đề cập trong Dự thảo Nghị định Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật DN (sửa đổi) đã nhận được sự đồng tình, hưởng ứng của các chuyên gia. Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho loại hình DN này hoạt động, Luật sư Nguyễn Tiến Lập - Văn phòng Luật sư NHQuang và cộng sự cho rằng, Dự thảo Nghị định chỉ nên quy định việc thắt chặt kiểm soát trong trường hợp DN xã hội tiếp nhận viện trợ.
Với vấn đề sở hữu chéo, do e ngại tình trạng sở hữu chéo giữa các công ty dẫn đến hiện tượng thao túng, lũng đoạn thị trường, làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, nhiều chuyên gia nêu ý kiến rằng, Dự thảo Nghị định cần phải bổ sung thêm một số quy định, nhất là các quy định liên quan đến sở hữu chéo gián tiếp.
Đối với vấn đề quản lý con dấu của các DN, trong khi Luật sư Nguyễn Tiến Lập tỏ ra quan ngại về việc DN có thể không cần có con dấu thì Luật sư Trần Vũ Hải - Văn phòng Luật sư Trần Vũ Hải lại cho rằng, trong tương lai, chúng ta nên hướng tới tiếp nhận xu hướng này theo tinh thần tự do kinh doanh của Luật DN (sửa đổi).
Kể từ ngày 01/7/2015, khi Luật DN (sửa đổi) có hiệu lực thi hành, nhiều điều kiện kinh doanh sẽ được bãi bỏ nhằm tạo cơ chế thông thoáng, cởi mở hơn cho hoạt động của DN. TS. Nguyễn Đình Cung đặt ra giả thiết, trong trường hợp quy định này không được thực hiện một cách nghiêm túc thì vấn đề đặt ra là cần phải phát huy vai trò giám sát của hệ thống tư pháp để đảm tính bền vững của những quy định cải cách, cũng như quyền lợi của người dân và DN.
NGỌC MAI