Nam Phi: Nhiều cơ quan nhà nước quản lý tài chính lỏng lẻo

Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 09:45, 03/12/2019

(BKTO) - Vừa qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Nam Phi Kimi Makwetu đã công bố Báo cáo kiểm toán năm tài chính 2018-2019 của Chính phủ. Báo cáo nhấn mạnh tình trạng chi tiêu bất thường tăng cao đáng báo động trong Chính phủ và các tổ chức nhà nước của Nam Phi.


Chi tiêu bất thường lên tới hơn 4 tỷ USD

Theo kết quả Báo cáo năm tài chính 2018-2019 (từ ngày 01/4/2018 đến 31/3/2019), Tổng Kiểm toán Kimi Makwetu ghi nhận chi tiêu bất thường của Chính phủ và các cơ quan, tổ chức công đã tăng lên 61,35 tỷ Rand Nam Phi (Zar), tương đương 4,2 tỷ USD. Năm tài chính 2017-2018, con số này là 50,1 tỷ Zar.

Các khoản chi tiêu lãng phí, bất thường là do nhiều cơ quan cố tình vi phạm các quy định quản lý, sử dụng ngân sách công, sử dụng ngân sách thanh toán công tác phí cho cán bộ sau đó lại đột ngột hủy các chuyến công tác. Bên cạnh đó, tại nhiều nơi, tình trạng sử dụng tài sản công vô trách nhiệm khiến cơ sở vật chất, tải sản công xuống cấp, mất, hỏng cũng là nguyên nhân dẫn đến những khoản chi tiêu lãng phí. Đáng chú ý, nhiều khoản chi bất thường còn là do cán bộ cơ quan biển thủ, tham nhũng.

Cuộc kiểm toán ngân sách của Chính phủ năm 2018-2019 cũng cảnh báo về khoản chi 13 tỷ Zar cho các dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) nhưng không mang lại hiệu quả tương xứng với số tiền đầu tư. Trong số 201 cơ quan được kiểm tra, các kiểm toán viên phát hiện 88% đơn vị để xảy ra các giao dịch trái phép và gian lận, 63% cơ quan sử dụng các công nghệ không phù hợp với hình thức hoạt động của đơn vị gây lãng phí lớn. Báo cáo kiểm toán cho biết thêm, 41% các dự án CNTT tại các cơ quan nhà nước có nguy cơ bị ngừng hoạt động, 13/54 dự án CNTT đã được triển khai nhưng không được tiếp tục sử dụng, trong đó, 9 dự án đã chính thức bị dừng hoàn toàn.

Báo cáo kiểm toán cho biết, gần 3/4 các cơ quan và tổ chức công bị phát hiện không tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng các báo cáo tài chính liên tục giảm sút, công tác quản lý, mua sắm công cũng để xảy ra sai phạm tràn lan tại nhiều cơ quan. Phần lớn số tiền chi tiêu bất thường phát sinh tại Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường quốc gia, Sở Y tế, Sở Giao thông thuộc 2 tỉnh KwaZulu-Natal và Gauteng.

Ông Kimi Makwetu khẳng định: “Các khoản chi tiêu không thường xuyên lên đến 61,35 tỷ Rand phản ánh tình trạng nhiều cơ quan nhà nước, đặc biệt là cơ quan hành chính nhà nước không tuân thủ các quy định quản lý, sử dụng ngân sách, các cán bộ có thẩm quyền đã không tuân theo các quy định về mua sắm công khi duyệt chi nhiều khoản thanh toán trái phép nhằm trục lợi cá nhân”.

Cần thắt chặt công tác kiểm soát nội bộ

Tình trạng chi tiêu ngân sách lãng phí, không hiệu quả thực sự là mối lo ngại lớn đối với Chính phủ và các cơ quan nhà nước tại Nam Phi. Đây không phải là năm đầu tiên Tổng Kiểm toán nước này báo động về tình trạng các cơ quan, tổ chức của Chính phủ không tuân thủ các quy định của pháp luật, tắc trách trong việc quản lý, sử dụng ngân sách công, gây thất thoát những khoản tiền khổng lồ.

Trước đó, trong Báo cáo kiểm toán năm tài chính 2017-2018 được công bố vào tháng 10/2018, ông Kimi Makwetu từng chỉ ra rằng, trong số 10 cơ quan nhà nước, chỉ có 3 cơ quan tuân thủ luật pháp. Đây là tình trạng đáng báo động mà cả Tổng Kiểm toán đương nhiệm và Tổng Kiểm toán tiền nhiệm Terence Nombembe đã lên án trong suốt 11 năm qua. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn chưa có biện pháp hiệu quả để có thể thay đổi được tình hình.

Việc không thanh toán các khoản chi thường xuyên đúng hạn cũng được nêu ra trong Báo cáo mới nhất của Tổng Kiểm toán. Đây là một dấu hiệu cho thấy các biện pháp kiểm soát nội bộ của Chính phủ chưa hiệu quả và cũng không được tuân thủ nghiêm ngặt. Tổng Kiểm toán cho rằng, những bất thường như vậy cần phải được phát hiện sớm hơn. Hằng quý, các cơ quan, DNNN phải nộp báo cáo lên các ủy ban của Nghị viện. Nhân viên kế toán cần đối chiếu số liệu của quý trước đó để xem xét nhằm sớm phát hiện các khoản phát sinh. Ông nhấn mạnh: “Các cơ quan, tổ chức công cần củng cố và thắt chặt công tác kiểm soát, giám sát nội bộ của đơn vị mình. Những biện pháp kiểm soát, phòng ngừa luôn hiệu quả, tốn ít chi phí hơn so với việc khắc phục, sửa chữa những sự cố, hậu quả sau đó”.

Hiện, Cơ quan Giám sát chi tiêu công, Ủy ban Thường vụ về tài khoản công và Ủy ban Quản lý ngân sách của Nam Phi đang tích cực họp bàn cùng nhau để tìm ra hướng giải quyết cho tình trạng thâm hụt ngân sách nghiêm trọng trên.

THANH XUYÊN