Phát triển tín dụng xanh
Góc nhìn - Ngày đăng : 09:30, 03/12/2019
(BKTO) - Ngày 25/9/2012, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1393/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050. Từ đó, hàng loạt khái niệm gắn với phát triển bền vững và bảo vệ môi trường đã ra đời như: kinh tế xanh, tài chính xanh, thuế xanh, tín dụng xanh, trái phiếu xanh... Tín dụng xanh đóng vai trò đặc biệt quan trọng và có tốc độ phát triển ấn tượng.
Với tư cách là một kênh dẫn vốn quan trọng nhất cho nền kinh tế, hệ thống ngân hàng Việt Nam đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi nền kinh tế quốc gia sang mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, giảm phát thải carbon và bền vững. Theo đó, hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tích cực tham gia xây dựng hệ thống tài chính xanh gồm 5 thành tố: (i) tín dụng xanh; (ii) trái phiếu xanh; (iii) cổ phiếu xanh; (iv) quỹ tài chính xanh; (v) bảo hiểm xanh nhằm huy động và khuyến khích nguồn lực xã hội để đầu tư vào các ngành sản xuất xanh đồng thời giảm bớt các khoản đầu tư gây ô nhiễm môi trường. Tài chính xanh có hai chức năng chủ yếu là thúc đẩy sự phát triển của kinh tế xanh, các ngành sản xuất xanh và bảo vệ môi trường tự nhiên.
Theo Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020 nhằm triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chủ trì thực hiện: “Rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về tài chính và tín dụng cho phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh; tổ chức đào tạo, tập huấn nhằm tăng cường năng lực cho các ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính trong hoạt động tài chính - tín dụng xanh; xây dựng và phát triển các dịch vụ tài chính - ngân hàng hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh”. Theo một số chuyên gia trong nước, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện được mục tiêu chiến lược tăng trưởng xanh vào năm 2020, trong đó 70% là từ khu vực ngoài nhà nước.
Từ đầu năm 2015, NHNN Việt Nam đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-NHNN yêu cầu các ngân hàng thương mại thúc đẩy cấp tín dụng xanh cho những dự án có mục tiêu rõ ràng về việc bảo vệ môi trường, khuyến khích hoạt động kinh doanh thân thiện với môi trường, gắn tăng trưởng tín dụng xanh với quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Các tổ chức tín dụng cần tập trung ưu tiên cấp tín dụng xanh cho các ngành kinh tế thực hiện: (i) bảo tồn, phát triển và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên; (ii) sử dụng các thành tựu khoa học và công nghệ tiên tiến; (iii) sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; (iv) phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; (v) sử dụng công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường và sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường.
Mặc dù còn có những lo ngại và hạn chế nêu trên song chỉ trong một thời gian ngắn tín dụng xanh đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến hết quý IV/2016, dư nợ tín dụng đạt khoảng 84.781 tỷ đồng (tăng 19,7% so với thời điểm cuối năm 2015 và tăng 4,4% so với 30/9/2016), chiếm 1,5% so với tổng dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế, với khoảng 3,2 triệu hợp đồng tín dụng. Dư nợ tín dụng đã qua khâu đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt khoảng 187.953 tỷ đồng với 129.083 hợp đồng.
Đến đầu năm 2017, NHNN ban hành tiếp Chỉ thị số 01/2017 tiếp tục nhấn mạnh việc triển khai kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2020 và thị trường bắt đầu có những tín hiệu khởi sắc hơn nữa. Theo NHNN, trong quý IV/2017, dư nợ tín dụng xanh đã đạt 180.121 tỷ đồng và đến quý I/2018 lên mức 188.270 tỷ đồng rồi quý III/2018 đã đạt tới 235.717 tỷ đồng và cuối quý I/2019 lên mức 242.355 tỷ đồng (trong đó cho vay trung dài hạn xấp xỉ 188.000 tỷ đồng, chiếm 77%, cho vay ngắn hạn 54.000 tỷ đồng), tăng 2% so với cuối năm 2018 với 20 TCTD cho vay tín dụng xanh. Đến cuối tháng 5/2019, riêng chương trình tín dụng cho vay hỗ trợ các DN, dự án sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp sạch đã đạt dư nợ khoảng 38.000 tỷ đồng với hơn 17.000 khách hàng có dư nợ. Rõ ràng, tuy tỷ trọng còn khá nhỏ trong trong tổng dư nợ tín dụng nhưng tín dụng xanh có xu hướng tăng ngày càng nhanh và phát huy hiệu quả rõ rệt góp phần tăng trưởng bền vững và bảo vệ môi trường.
TS. VŨ ĐÌNH ÁNH
Chuyên gia Kinh tế