Cải thiện năng lực cạnh tranh quốc gia

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 12:00, 11/08/2016

(BKTO) - Thời gian qua, vấn đề được nhiều lãnh đạo cao cấp cũng như các chuyêngia, nhà nghiên cứu nhấn mạnh là phải không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranhquốc gia để phục vụ cho mục tiêu phát triển bền vững. Trong các yếu tố cấuthành nên năng lực cạnh tranh quốc gia thì việc xây dựng và hoàn thiện chínhsách cạnh tranh là một yếu tố nền tảng đảm bảo cho nền kinh tế phát triển hiệuquả.



Việc cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông đã đem lại nhiều lợi ích cho cộng đồng.Ảnh: TL

Cần nền kinh tế thực sự thị trường

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ khi giữ vai trò Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đã từng khẳng định: “Nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp cũng như mức độ thuận lợi hay kém thuận lợi của môi trường kinh doanh”.

Đồng tình với quan điểm này, các chuyên gia kinh tế khi tổng kết 30 năm đổi mới hay nghiên cứu xây dựng Báo cáo Việt Nam 2035 đều cho rằng cải cách, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN chính là mấu chốt để thúc đẩy năng lực cạnh tranh quốc gia.

Vừa qua, vấn đề này lại tiếp tục “nóng” lên tại Hội thảo “Xây dựng chính sách cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học đối với Việt Nam” do Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) chủ trì trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ tái cơ cấu nâng cao năng lực cạnh tranh Việt Nam.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM, cho biết Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2020 đã giao nhiệm vụ cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu các giải pháp nâng cao chất lượng thể chế cạnh tranh của Việt Nam.

Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Đình Cung: Đang có lực cản rất lớn đối với quá trình cải cách, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế. Chúng ta vừa thích cạnh tranh, thích thị trường nhưng lại sợ thị trường nên những cải cách vừa qua không dứt khoát để chuyển sang nền kinh tế thị trường thực sự.

Trong khi đó, theo kết quả khảo sát của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) công bố gần đây, Việt Nam xếp thứ 71/140 nền kinh tế về cạnh tranh, đứng khá xa một số nước trong khu vực như Malaysia (xếp thứ 9) và Thái Lan (xếp thứ 52). Xét về mức độ cạnh tranh trên thị trường nội địa, Việt Nam xếp thứ 71/140 nền kinh tế, về mức độ chi phối thị trường của một số tập đoàn xếp thứ 64/140…

Trên thực tế, 10 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm dần, nếu như mức tăng trưởng trung bình giai đoạn 1990-2007 là 7,8% thì đến giai đoạn 2007-2012 đã giảm xuống còn 6,7%. Từ năm 2012 đến nay, tăng trưởng trung bình chỉ vào khoảng 5,8%. TS. Nguyễn Đình Cung nhận định: tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm dần, nền tảng kinh tế vĩ mô kém vững chắc, nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô dần rõ nét. Để thoát khỏi hiện trạng đó, Việt Nam cần phải cải cách kinh tế bằng cách tập trung xây dựng chính sách cạnh tranh.

Tất yếu phải xây dựng chính sách cạnh tranh

Tại Hội thảo, các chuyên gia đã dẫn ra hàng loạt ví dụ minh chứng cho sự lệch pha của chính sách dẫn đến môi trường cạnh tranh không bình đẳng, thiếu minh bạch, làm méo mó thị trường, thậm chí có chính sách triệt tiêu tinh thần khởi nghiệp (như quy định về kinh doanh vận tải hành khách, DN vận tải phải có ít nhất 20 xe ô tô…).

Tái khẳng định cạnh tranh là một trong những yếu tố nền tảng của thể chế kinh tế thị trường, các chuyên gia nêu rõ: khi đã xác định hội nhập thì phải chấp nhận cạnh tranh. Cạnh tranh sẽ bảo đảm cho nền kinh tế hoạt động hiệu quả, thúc đẩy đầu tư và góp phần nâng cao năng suất lao động. Đây cũng là nội dung quan trọng trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà các thành viên cam kết bảo đảm thiết lập và duy trì thể chế cạnh tranh minh bạch, công bằng và tương đồng với các thành viên khác.

Chia sẻ kinh nghiệm của Chính phủ Australia, bà Rosalie Mc Lachlan - Ủy ban Năng suất Australia, cho biết: để ứng phó với nền kinh tế suy thoái giai đoạn 1970-1980, Chính phủ Australia đã phải cải cách, xây dựng chính sách cạnh tranh theo nguyên tắc hạn chế các hành vi phản cạnh tranh, xóa bỏ sự méo mó trong phân bổ nguồn lực, DNNN không được hưởng bất kỳ một lợi thế nào so với các DN khác. Chính sách này đã mang lại lợi ích lớn, giúp cải thiện năng suất, giảm giá tiêu dùng, dịch vụ và giúp GDP của Australia tăng thêm 2,5% vào thập niên 90.
Tất nhiên, trong quá trình thực hiện cải cách, Australia đã gặp phải những phản ứng, chống đối gay gắt. Để xây dựng được chính sách cạnh tranh tốt nhất, Chính phủ Úc đã tiến hành rà soát 1.800 văn bản quy phạm pháp luật trong vòng 5 năm, những quy định nào hạn chế cạnh tranh đều phải được kiểm tra vì lợi ích của cộng đồng. Những người ủng hộ giữ lại quy định hạn chế cạnh tranh này phải chứng minh được việc giữ lại quy định này là vì lợi ích cộng đồng chứ không phải vì lợi ích nhóm.

Đồng thời, Australia đã đưa ra những hướng giải quyết hiệu quả làm cho người dân thấy rõ những lợi ích cũng như hệ quả từ cải cách chính sách, nhất là những cải cách để hạn chế cạnh tranh trong thị trường điện, viễn thông… Với kinh nghiệm 20 năm rà soát thị trường cạnh tranh, bà Rosalie Mc Lachlan cho rằng, xây dựng chính sách cạnh tranh toàn diện là yêu cầu tất yếu của mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Chính phủ Việt Nam cần lưu ý khi xây dựng chính sách phải tập trung vào lợi ích của người dân, chính sách cần bảo vệ cạnh tranh chứ không phải lợi ích của một nhóm nhà sản xuất và hơn hết chính sách phải đảm bảo tính công bằng.

HỒNG THOAN