Nghiệm thu Đề tài “Tổ chức đánh giá, cho ý kiến chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia”
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:41, 10/12/2019
(BKTO) - Chiều 09/12, tại Hà Nội, Hội đồng khoa học của KTNN đã tổ chức nghiệm thu Đề tài nghiên cứu cấp Bộ “Tổ chức đánh giá, cho ý kiến chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia” do TS. Lưu Trường Kháng và ThS. Trần Minh đồng chủ nhiệm. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu.
Toàn cảnh buổi nghiệm thu đề tài |
Theo Ban Chủ nhiệm Đề tài, trong những năm gần đây, nền kinh tế của Việt Nam đang phát triển một cách mạnh mẽ. Đầu tư xây dựng đã góp phần trong việc xây dựng cơ sở vật chất xã hội, tạo nên sự chuyển biến quan trọng về hạ tầng kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, ngoài mặt tích cực, hiện tượng thất thoát, lãng phí vẫn còn xảy ra trong quá trình đầu tư như các sai sót về thiết kế, khối lượng, định mức, đơn giá, đặc biệt trong vấn đề xác định chủ trương đầu tư.
KTNN đã đánh giá về công tác xác định chủ trương đầu tư thông qua kết quả kiểm toán ở mức độ nhất định. Một trong những nhiệm vụ của KTNN quy định tại điểm 4, Điều 10, Luật KTNN năm 2015 là “... Trình ý kiến để Quốc hội xem xét, quyết định dự toán NSNN, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán NSNN...”. Xuất phát từ thực tế và những nguyên nhân đó, tập thể tác giả đã chọn Đề tài “Tổ chức đánh giá, cho ý kiến chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia” nhằm xây dựng các bước và nội dung công việc, phương thức thực hiện trong việc đánh giá, thẩm định và đưa ra ý kiến của KTNN trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia.
Ban Đề tài trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu |
Đề tài gồm 3 chương: Chương I - Tổng quan về tổ chức đánh giá chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; Chương II - Thực trạng công tác đánh giá chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia; Chương III - Giải pháp tổ chức đánh giá, cho ý kiến chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia. Mục tiêu của Để tài là nhằm hệ thống hoá và phân tích những vấn đề trong quản lý đầu tư xây dựng công trình theo quy định của Nhà nước nói chung và dự án quan trọng quốc gia nói riêng. Đề tài cũng phân tích cơ sở lý luận và thực tiễn hoạt động đánh giá chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia trong những năm qua, qua đó đề xuất những phương thức, giải pháp tổ chức đánh giá chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia của KTNN.
Tại buổi nghiệm thu, các thành viên trong Hội đồng khoa học đã đánh giá: Đề tài nghiên cứu có ý nghĩa thiết thực trong việc xây dựng các bước thực hiện đánh giá, thẩm định và đưa ra ý kiến của KTNN trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia.
Về lý luận, Đề tài đã khái quát được những vấn đề chung về dự án quan trọng quốc gia; trình tự, thủ tục thực hiện dự án quan trọng quốc gia; các quy định hiện hành trong công tác quản lý đầu tư. Đề tài cũng đã nghiên cứu lý luận cơ bản về kiểm toán nói chung và kiểm toán dự án đầu tư nói riêng.
Về thực tiễn, Đề tài đã nghiên cứu, nêu bật được thực trạng, công tác đánh giá chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia trong hoạt động kiểm toán của KTNN giai đoạn 2011-2015, từ đó phân tích ưu điểm, nhược điểm và chỉ ra nguyên nhân. Đề tài cũng đề xuất các nhóm giải pháp đối với KTNN và Quốc hội, Chính phủ.
Bên cạnh đó, Hội đồng khoa học cũng đóng góp một số ý kiến cho Ban Đề tài như: các nội dung trích dẫn Luật KTNN và Chuẩn mực KTNN cần được chú thích rõ ràng; mở rộng phạm vi nghiên cứu đến giai đoạn hiện nay; phần thực trạng cần nêu rõ và đi vào trọng tâm ưu điểm, hạn chế; nguyên nhân cần bám sát các hạn chế; khảo sát thêm kinh nghiệm nước ngoài và tham khảo ý kiến của các bộ, tổ chức bên ngoài về đánh giá chủ trương đầu tư…
Kết luận buổi nghiệm thu, Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên đánh giá: Đây là đề tài rất cần thiết cho KTNN, vì vậy, Ban Đề tài cần tiếp thu tối đa ý kiến của các thành viên trong Hội đồng nhằm nâng cao chất lượng của Đề tài và đưa vào ứng dụng trong thực tiễn kiểm toán, trong đó, tập trung vào một số nội dung: thống kê số dự án trọng điểm quốc gia và số dự án có ý kiến thẩm định của KTNN; kết quả của việc cho ý kiến, Chính phủ tiếp thu bao nhiêu ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Đặc biệt, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu yêu cầu Ban Đề tài cần tập trung nêu rõ thực trạng việc cho ý kiến của KTNN, nguyên nhân của việc KTNN cho và không cho ý kiến về các dự án này. Đối với các giải pháp, Ban Đề tài cần bám sát vào cơ sở pháp lý, năng lực, kinh nghiệm của KTNN trong việc đánh giá, cho ý kiến chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia; giải pháp về tổ chức chức công việc chuyên môn cần nêu rõ quy trình, mục tiêu, nội dung, đối tượng, phạm vi, phương pháp, hồ sơ mẫu biểu, bộ máy đoàn kiểm toán.
Đề tài được Hội đồng nghiệm thu thông qua và xếp loại Xuất sắc.
Tin và ảnh: THÙY LÊ