Sửa Luật để khắc phục những vướng mắc trong quản lý chi phí đầu tư xây dựng
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:35, 09/12/2019
(BKTO) - Dự án Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng vừa được thảo luận tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV. Theo đó, nhiều quy định của Dự thảo Luật, trong đó có quy định liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, định mức kinh tế - kỹ thuật đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu Quốc hội.
Định mức, đơn giá không còn phù hợp, thiếu chặt chẽ
Luật Xây dựng năm 2014 cùng với các luật về đầu tư công, đầu tư, đấu thầu... đã góp phần nâng cao vai trò quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng. Tuy nhiên, trong thực tiễn triển khai, nhiều quy định của Luật đã bộc lộ những bất cập.
Theo đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh), một số quy định về việc điều chỉnh tổng mức đầu tư chưa chặt chẽ, dễ gây thất thoát, lãng phí. Cơ sở xác định giá dự thầu của nhà thầu và dự toán dùng để làm giá gói thầu còn thiếu sự đồng nhất. Luật hiện hành cũng chưa có chế tài về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc xác định giá vật liệu được sử dụng cho công trình. Đặc biệt, trong công tác thiết kế, việc áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn về: độ an toàn, công năng, giải pháp mỹ thuật, kỹ thuật còn mang tính chủ quan.
Liên quan đến quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: Hiện nay, lĩnh vực xây dựng có khoảng trên 20.000 định mức và đơn giá về kinh tế - kỹ thuật. Mặc dù những quy định này rất chi tiết nhưng lại chưa chặt chẽ, thậm chí còn mâu thuẫn, cứng nhắc, dẫn đến không thích ứng với sự biến động của tiến bộ khoa học kỹ thuật vật liệu mới cũng như sự biến động của thị trường. Chính vì vậy, có trường hợp chủ đầu tư năng động, ứng dụng công nghệ mới lại gặp khó khăn khi thẩm duyệt hoặc quyết toán. Hoặc, chủ đầu tư có thể lợi dụng vào các quy định về định mức kinh tế kỹ thuật này để đội giá thành lên rất cao so với giá trị thực.
Về vấn đề này, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng cho rằng, quy định về định mức, đơn giá không còn phù hợp, đặc biệt đối với những công trình có quy mô lớn, hiện đại, không huy động được nguồn lực xã hội.
Ngoài ra, một số đại biểu còn chỉ rõ: Luật Xây dựng năm 2014 chưa quy định việc báo cáo, đề xuất chủ trương đầu tư đối với các dự án thực hiện theo Luật Đầu tư công cũng như các dự án sử dụng nguồn vốn khác. Hiện nay, hầu hết các dự án sử dụng nguồn vốn khác đều không có báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thậm chí không có báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư, DN chỉ cần có tờ trình là ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư.
Kiến nghị xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật theo nguyên tắc thị trường
Góp ý cho Dự thảo Luật, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) đề xuất Luật Xây dựng năm 2014 cần sửa đổi khoản 41, Điều 3 theo hướng: Thiết kế cơ sở là thiết kế kỹ thuật tổng hợp, được lập trong báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng trên cơ sở phương án thiết kế được lựa chọn, thể hiện các thông số kỹ thuật phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng, là căn cứ để triển khai đấu thầu. Theo đại biểu, quy định như vậy nhằm đảm bảo đơn vị dự thầu phải chịu trách nhiệm từ khâu thiết kế kỹ thuật cho đến khâu lập dự toán và mọi vấn đề về vốn, thời gian thi công cũng như các vấn đề liên quan tới công trình.
Đồng thời, đại biểu Phương đề nghị sửa đổi bổ sung khoản 1 và khoản 2, Điều 52 về lập dự án đầu tư xây dựng. Theo đó, khi bắt đầu đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng. Nội dung báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải phù hợp với yêu cầu từng loại dự án. Việc lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng phải tuân theo quy định của luật này và các luật khác của pháp luật có liên quan. Đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, trước khi lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng, những dự án khác trong trường hợp cần phải lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng do người quyết định đầu tư xem xét và quyết định…
Đối với định mức kinh tế - kỹ thuật, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng: Dự thảo Luật không nên quy định cứng về định mức này mà chỉ quy định nguyên tắc xác định chi phí cho công trình xây dựng, giá thành để áp dụng cho các công đoạn, nên dựa vào nguyên tắc thị trường có tính đến các thành tựu mới về công nghệ xây dựng và vật liệu mới. Đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cũng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước không nên ban hành định mức, giá công trình xây dựng mà nên quy định theo nguyên tắc thị trường, kể cả đối với vốn ngân sách.
Thẩm tra Dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội nhận thấy, những khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về quản lý chi phí đầu tư xây dựng có nguyên nhân từ việc áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật và chi phí chưa thực sự phù hợp với các loại dự án đầu tư xây dựng, đặc biệt là các dự án có quy mô xây lắp và nguồn vốn khác nhau. Do đó, cơ quan thẩm tra đề nghị Ban Soạn thảo nghiên cứu, bổ sung đánh giá tác động đối với sự thay đổi trong quy định về áp dụng định mức chi phí; từ cơ chế chủ đầu tư sử dụng, tham khảo, tự nguyện đến cơ chế bắt buộc áp dụng định mức do cơ quan nhà nước ban hành. Đồng thời, Dự thảo Luật cần quy định cơ chế bắt buộc áp dụng hệ thống định mức đối với các dự án đầu tư công và quy định cơ chế vận dụng đối với các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP); quy định chi phí quản lý dự án, đặc biệt là đối với dự án có cấu phần xây dựng không lớn, triển khai trong thời gian dài chưa thực sự hợp lý…
THÙY ANH