Doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn khó tiếp cận vốn tín dụng
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 09:50, 09/12/2019
(BKTO) - Trong điều kiện vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ vốn chủ yếu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh, đại diện DN, các hiệp hội ngành nghề kiến nghị, cùng với việc giảm lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cần tiếp tục có các giải pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục vay vốn nhằm nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng cho DN.
Giảm lãi suất,tăng dư nợ cho vay
Tại Tọa đàm về các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng do NHNN phối hợp tổ chức mới đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, thời gian qua, NHNN luôn quán triệt, chỉ đạo toàn ngành tập trung nguồn lực, đáp ứng kịp thời nhu cầu về vốn, trong đó, tập trung nâng cao khả năng tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi cho DN.
Đặc biệt, NHNN điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phấn đấu giảm lãi suất cho vay. Gần đây nhất, ngày 18/11/2019, NHNN đã ban hành Quyết định giảm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của tổ chức tín dụng (TCTD) đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, DNNVV, DN ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5%/năm xuống 6%/năm. Các TCTD cũng chủ động tiếp cận đối tượng khách hàng là nhóm DNNVV, đưa ra nhiều chương trình, sản phẩm ưu tiên, hỗ trợ cho các khách hàng DNNVV với mức lãi suất thấp hơn quy định của NHNN.
NHNN cũng đã chỉ đạo các TCTD cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay để tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho DN; hướng dẫn các TCTD cho vay DNNVV có bảo lãnh của Quỹ Bảo lãnh tín dụng theo quy định tại Nghị định số 34/2018/NĐ-CP của Chính phủ với mức lãi suất cho vay không cao hơn lãi suất cho vay cùng kỳ hạn, cùng ngành, lĩnh vực của bên cho vay. Cùng với đó, các hội nghị kết nối ngân hàng - DN được tổ chức trên phạm vi toàn quốc, giúp nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng của DN, người dân sản xuất - kinh doanh.
Với sự vào cuộc của NHNN và hỗ trợ của các ngân hàng thương mại (NHTM), hoạt động cấp tín dụng đối với DNNVV, DN trẻ, DN công nghiệp hỗ trợ đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) thông tin, tính đến ngày 30/9/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV đạt 1,47 triệu tỷ đồng, tăng 12,9% so với cuối năm 2018 (cùng kỳ tháng 9/2018 tăng 12,34%), với 196.689 khách hàng còn dư nợ. Trong đó, dư nợ đối với DNNVV ngành công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 41%; DNNVV ngành thương mại và dịch vụ 54%; DNNVV ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản chỉ chiếm 5% trên tổng dư nợ.
Tính đến cuối tháng 9/2019, dư nợ tín dụng đối với DNNVV tăng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế (9,4% so với cuối năm 2018) và cao hơn cùng kỳ năm 2018. “Trong điều kiện DNNVV ít có khả năng huy động vốn thông qua thị trường chứng khoán, các nguồn vốn hỗ trợ có nguồn từ NSNN, vốn hỗ trợ quốc tế còn hạn chế, vốn tín dụng ngân hàng vẫn là kênh tài trợ vốn chủ yếu cho DNNVV” - ông Hùng khẳng định.
Cần giảm điều kiện cho vay
Bên cạnh những kết quả tích cực, đại diện NHNN cũng nhìn nhận, thực tế vẫn còn nhiều DN phản ánh chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng. Nguyên nhân xuất phát từ cả phía DN, ngân hàng và cơ chế, chính sách như: nguồn lực về vốn của các NHTM còn hạn chế, chi phí hoạt động còn ở mức cao; các kênh cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế còn nhỏ, chưa đáp ứng được nhu cầu... Trong khi đó, các DN chủ yếu có quy mô vốn nhỏ, năng lực tài chính hạn chế, ảnh hưởng tới việc đánh giá tính khả thi của phương án kinh doanh; việc hạch toán thiếu chuyên nghiệp, thông tin tài chính thiếu minh bạch trong khi lại thiếu tài sản đảm bảo cũng ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng…
Từ thực tế đó, tại Tọa đàm, nhiều ý kiến đã tập trung đề xuất các giải pháp nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho DN tiếp cận được chính sách tín dụng ưu đãi. Theo đó, cần rà soát quy trình, điều kiện, thủ tục vay theo hướng đơn giản hơn; tháo gỡ vướng mắc trong việc tiếp cận tín dụng từ các TCTD. TCTD cần xây dựng hệ thống quy trình thu thập, khai thác thông tin dữ liệu tín dụng, phân tích đánh giá tín nhiệm hoạt động tín dụng khách hàng đầy đủ, chính xác để tăng khả năng cho vay không có tài sản bảo đảm, hỗ trợ DN xây dựng phương án vay vốn có tính khả thi cao…
Mặt khác, bản thân các DNNVV cũng phải tự hoàn thiện, tuân thủ quy định của pháp luật và chủ động cung cấp thông tin đầy đủ, trung thực để nâng cao uy tín đối với các TCTD; tạo điều kiện cho các TCTD kiểm soát dòng tiền và tình hình tài chính của DN trong quá trình vay vốn.
Đề cập đến vấn đề này, tại nghị trường Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân nhấn mạnh, vốn quyết định 45 - 50% sự thành công của kinh tế, của toàn xã hội và đặc biệt là đối với DNNVV. Thực tế hiện nay, tất cả các ngân hàng đều có những gói tín dụng cho DNNVV vay, nhưng DN chưa vay được. Ông Thân đề nghị, NHNN và Chính phủ cần có một cơ chế trên cơ sở tình hình của DNNVV để giảm điều kiện cho vay xuống thì DNNVV mới tiếp cận được vốn. Còn với cơ chế hiện nay, bên cho vay rất muốn cho vay và bên vay cũng rất muốn vay, nhưng không giải quyết được vấn đề.
Đ. KHOA