Dự án xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận - Kỳ I: Thuận lợi và khó khăn trong bước khởi đầu

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:10, 21/05/2015

(BKTO) - Thực hiện chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận - công trình tiêu chuẩn cấp đặc biệt - được đầu tư nhằm đáp ứng nhịp độ phát triển kinh tế của đất nước ở mức cao khoảng 7-8%/năm từ nay đến năm 2025, cũng như đáp ứng các yêu cầu về phát triển và đa dạng nguồn năng lượng nhằm đảm bảo cung cấp năng lượng an toàn và bền vững.



Tháng 12/2014, EVN đã khởi công công trình cấp điện phục vụ thi công Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1. Ảnh: T.S

Hiệp định tín dụng là phù hợp, tạo thuận lợi cho thực hiện Dự án

Theo báo cáo đầu tư xây dựng Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận lập năm 2008 đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 41/NQ-QH12 ngày 25/11/2009, Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là công trình cấp đặc biệt được xây dựng tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận trên tổng diện tích 540 ha (bao gồm cả vùng cách ly), trong đó diện tích nhà máy chính trong hàng rào là 161 ha. Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 gồm 2 tổ máy có công suất 1.000MW/tổ máy giai đoạn 1, sang giai đoạn 2 sẽ mở rộng xây dựng thêm 2 tổ máy. Số giờ vận hành Nhà máy là 7.000 giờ/năm, sản lượng điện 14 tỷ KWh/năm. Nguyên liệu của Nhà máy là Uranium làm giàu tới 2-4%. Dự kiến tổ máy đầu tiên sẽ được đưa vào vận hành năm 2020.

Để chuẩn bị cho giai đoạn triển khai Dự án, Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận đã được thành lập ngày 04/5/2010 với chức năng giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quá trình thực hiện Dự án. Trong vai trò của chủ đầu tư, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng đã thành lập Ban Quản lý Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận vào tháng 3/2011, đại diện cho EVN quản lý Dự án.

Với tổng mức đầu tư 122.525 tỷ đồng, nguồn vốn đầu tư của Dự án được huy động từ vốn tín dụng xuất khẩu của Chính phủ Liên bang Nga (không quá 8 tỷ USD), còn lại là vốn đối ứng trong nước. Tính đến ngày 31/12/2012, Dự án đã được giải ngân 151,678 tỷ đồng, trong đó vốn NSNN là 16,251 tỷ đồng và vốn tín dụng viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Nga cho công tác lập báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án là 135,426 tỷ đồng (cấp phát cho EVN theo hình thức ghi thu, ghi chi NSNN). Nguồn vốn này được Liên bang Nga thực hiện theo Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Liên bang Nga về việc cung cấp cho Chính phủ Việt Nam khoản tín dụng xuất khẩu Nhà nước để tài trợ xây dựng nhà máy điện hạt nhân trên lãnh thổ Việt Nam (Hiệp định tín dụng) đã được ký ngày 21/11/2011.

Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, các điều khoản trong Hiệp định tín dụng đã tuân thủ luật pháp của Việt Nam, phù hợp với các quy định về tài chính, tín dụng ngân hàng hiện hành của Nhà nước và thuận lợi cho phía Việt Nam trong việc thực hiện, hoàn thành Dự án trên một số nội dung chính. Chẳng hạn như các tổ chức của Việt Nam được tham gia cung cấp nguyên vật liệu và dịch vụ cho Dự án. Bên cạnh đó, khoản đặt cọc 10% cho các hợp đồng mua sắm và cung cấp thiết bị cũng như cung cấp nhiên liệu hạt nhân mà chủ đầu tư phải chuyển cho các tổ chức Nga không quá 100 triệu USD/năm là phù hợp với năng lực tài chính của chủ đầu tư. Đồng thời, với lãi suất vay thấp 3%/năm, thời gian trả nợ dài 21 năm và có thể đến 15/3/2022 mới phải trả kỳ đầu tiên nên nếu thực hiện Dự án đúng tiến độ theo chủ trương đầu tư của Quốc hội đến năm 2020 đưa tổ máy đầu tiên của Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 phát điện thương mại thì chủ đầu tư có nguồn thu từ Dự án để có thể chủ động được nguồn vốn trả nợ.

Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, ảnh hưởng đến tiến độ Dự án

Về công tác quản lý tiến độ thực hiện các gói thầu, KTNN nhấn mạnh: Chủ đầu tư, Ban quản lý Dự án đã quản lý tiến độ theo các hợp đồng đã được ký kết. Tuy nhiên, do nguồn tài chính để lập Dự án đầu tư cuối năm 2011 mới được xác định nên việc khảo sát lập Dự án đầu tư và Hồ sơ phê duyệt của Dự án đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 mới chỉ được bắt đầu thực hiện vào cuối tháng 12/2011.

Bên cạnh đó, các văn bản pháp lý hướng dẫn công tác lập quy hoạch, báo cáo đầu tư, đặc biệt là yêu cầu về đánh giá địa chất lựa chọn địa điểm Dự án chưa đầy đủ cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các gói thầu. Đơn cử như công tác lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi được bắt đầu thực hiện từ năm 2002 nhưng đến năm 2008 mới có Luật Năng lượng nguyên tử; đến 2010 mới có Nghị định 70/2010/NĐ-CP quy định rõ nội dung, trách nhiệm của các Bộ, ngành; thời gian phê duyệt Dự án đầu tư, các báo cáo chuyên ngành đối với việc thực hiện Dự án đầu tư Nhà máy Điện hạt nhân, cấp phép xây dựng. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời tiết đã làm một số gói thầu bị chậm tiến độ so với quy định trong hợp đồng như gói thầu lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường chậm tiến độ 90 ngày; công tác điều tra, khảo sát, đánh giá bổ sung về địa chất khu vực dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 chậm tiến độ 130 ngày.

Thế nhưng lý do chậm tiến độ phần nào cũng có thể dễ cảm thông bởi Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 là dự án quan trọng quốc gia, có quy mô đầu tư lớn, lần đầu tiên được triển khai ở Việt Nam, có kỹ thuật phức tạp nên yêu cầu an toàn luôn được quan tâm hàng đầu. Liên quan đến vấn đề này, tại phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng Ban Chỉ đạo đã có ý kiến yêu cầu EVN chuẩn bị tài liệu, đàm phán với các đối tác có liên quan của Nga về nội dung, nguồn vốn lập thiết kế kỹ thuật, tổng dự toán và Hồ sơ mời thầu các gói thầu của Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

Tiếp theo, tại Văn bản số 226/TTg-KTN ngày 07/02/2013 về việc phương án lập thiết kế kỹ thuật Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1, Thủ tướng Chính phủ đã “đồng ý tách và thực hiện trước thiết kế kỹ thuật Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1 để làm cơ sở lập Hồ sơ mời thầu EPC như đề nghị của Bộ Công thương”. Việc lập và trình duyệt thiết kế kỹ thuật trước khi ký hợp đồng EPC sẽ xác định rõ đặc tính kỹ thuật của các hệ thống, cấu trúc và thiết bị, xác định khối lượng xây lắp, thiết bị chính và giá trị tổng dự toán xây dựng công trình làm cơ sở lập Hồ sơ mời thầu EPC và thương thảo với nhà thầu. Từ đây cũng xác định ra những nguyên nhân cơ bản dẫn tới sự cần thiết phải điều chỉnh tiến độ tổng thể của Dự án Nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận 1.

(Kỳ sau đăng tiếp)
PHÚC KHANG