Kinh nghiệm đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lập kế hoạch kiểm toán

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:10, 02/03/2017

Việc vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong thực tiễn hoạtđộng kiểm toán luôn được KTNN khu vực XI quan tâm, trăn trở bởi đây là mộttrong những yếu tố then chốt để đạt được các mục tiêu của cuộc kiểm toán. Muốnvậy, bên cạnh việc phải nắm chắc các quy trình, công cụ hỗ trợ, việc đánh giá rủiro và xác định trọng yếu còn đòi hỏi kiểm toán viên phải có khả năng xét đoánchuyên môn trên cơ sở kinh nghiệm với từng đối tượng, từng đơn vị kiểm toán cụthể.



Việc xác định rủi ro là một trong những yếu tố then chốt để đạt được mục tiêu kiểm toán. Ảnh: Đ.S
Từ những kết quả đạt được của công tác vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lập kế hoạch kiểm toán thời gian qua, một số kinh nghiệm đã được KTNN khu vực XI đúc rút như sau:

Đối với giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, việc bố trí nhân sự Tổ khảo sát và thu thập thông tin cần tiến hành một cách hợp lý, phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ, am hiểu về đối tượng và đơn vị được kiểm toán. Việc thu thập thông tin phải đảm bảo đầy đủ, đáng tin cậy, đa chiều. Trên cơ sở các thông tin, tài liệu thu thập được, Kiểm toán trưởng chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm toán phân công các kiểm toán viên có kinh nghiệm tiến hành phân tích, đánh giá thông tin, đánh giá rủi ro, xác định các vấn đề, lĩnh vực trọng yếu của cuộc kiểm toán để xây dựng kế hoạch kiểm toán phù hợp với định hướng của ngành và nhân sự hiện có.

Trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán chi tiết, từ rủi ro và trọng yếu đã được xác định trong kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán, Kiểm toán trưởng chỉ đạo Trưởng đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán tiếp tục thu thập thông tin để làm rõ các nội dung kiểm toán đã chọn; đánh giá cụ thể, chi tiết rủi ro, xác định trọng yếu theo các vấn đề cụ thể và bổ sung thông tin để làm rõ các nhận định ban đầu để lập kế hoạch kiểm toán chi tiết của Tổ kiểm toán phù hợp, đảm bảo chất lượng.

Việc đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu được Kiểm toán trưởng chỉ đạo xuyên suốt trong quá trình kiểm toán để thay đổi, bổ sung vào kế hoạch kiểm toán nhằm làm rõ các vấn đề tiềm ẩn rủi ro trên cơ sở phân tích, xét đoán các thông tin thu thập được.

Với cách thức và phương châm chỉ đạo như trên, KTNN khu vực XI đã đạt được những kết quả nhất định trong thực hiện nhiệm vụ kiểm toán. Trong đó, về lĩnh vực thu ngân sách, KTNN khu vực XI đánh giá đây là lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, khả năng thất thu NSNN cao nên luôn chú trọng đối chiếu việc thực hiện nghĩa vụ với NSNN của các DN. Theo đó, Kiểm toán trưởng đã chỉ đạo thu thập thông tin về tình hình hoạt động, nghiệm thu, thanh toán của các DN qua nhiều nguồn như Cục Thuế, Kho bạc Nhà nước, Sở KH&ĐT và thực hiện quan sát một số dự án đã đưa vào sử dụng để đối chiếu, kiểm tra xem dự án đã được kê khai thuế hay chưa… làm căn cứ để phê duyệt kế hoạch kiểm toán, đối chiếu thuế. Qua công tác đối chiếu thuế, hầu hết các DN được kiểm tra, đối chiếu đều có sai sót trong việc kê khai, quyết toán thuế với số tăng thu NSNN bình quân 380 triệu đồng/DN. Cá biệt tại tỉnh Ninh Bình, KTNN đã xác định có DN phải tăng thu 7.238 triệu đồng, bằng 18,4 lần số thuế mà DN tự kê khai; tại tỉnh Thanh Hóa, qua kiểm tra 5 hồ sơ khai thuế tại Cục Thuế, KTNN kiến nghị xử lý về thuế tăng thêm 17.915 triệu đồng, trong đó có DN có sai sót 13.731 triệu đồng…

Về chi đầu tư xây dựng cơ bản, đối với việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu khi lựa chọn kiểm toán tại các Ban quản lý dự án, KTNN khu vực XI đánh giá và xét đoán một số Ban quản lý dự án kiêm nhiệm và kiểm soát yếu hơn các Ban quản lý dự án chuyên trách nên dễ tiềm ẩn các rủi ro. Do đó, Kiểm toán trưởng đã chỉ đạo lập kế hoạch kiểm toán tập trung vào kiểm toán các Ban quản lý dự án kiêm nhiệm. Qua kiểm toán, KTNN khu vực XI đã phát hiện những sai sót trọng yếu như: tất cả các công trình, dự án được kiểm toán chi tiết đều có sai sót về giá trị; một số hạng mục công việc sai sót với tỷ lệ cao đến 93,4%, cá biệt có hạng mục tỷ lệ sai sót lên đến 97,5%; có dự án đã được UBND tỉnh phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành nhưng vẫn có tỷ lệ sai sót 4,85%...

Từ thực tiễn, một số giải pháp nhằm vận dụng tốt việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong lập kế hoạch kiểm toán đã được KTNN khu vực XI đúc rút. Một là, chú trọng công tác khảo sát, thu thập và phân tích thông tin. Hai là, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu là kỹ năng chuyên môn và kinh nghiệm của kiểm toán viên. Do đó, phải bố trí các kiểm toán viên có kinh nghiệm, chuyên môn phù hợp, có khả năng xét đoán để thu thập, phân tích, đánh giá những thông tin tiềm ẩn rủi ro kiểm toán cao, mang tính trọng yếu. Ba là, việc đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu không chỉ dừng lại ở giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán mà phải được thực hiện trong suốt quá trình kiểm toán. Bốn là, trong quá trình kiểm toán, khi đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu phải luôn bám sát nội dung, mục tiêu, trọng tâm và đề cương kiểm toán của Ngành. Việc xác định trọng yếu cần tập trung vào các vấn đề, lĩnh vực cụ thể, nhạy cảm, xã hội quan tâm, tránh tình trạng nội dung kiểm toán chung chung, lồng ghép nhiều nội dung trong một cuộc kiểm toán.
HỒNG THOAN