Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai: Kỳ cuối - Dự án đầu tư đạt hiệu quả kinh tế thấp
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:20, 16/12/2019
(BKTO) - Cùng với tình trạng đội vốn, chậm tiến độ, đầu tư khai thác không đạt mục tiêu, kết quả kiểm toán cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong công tác quản lý thực hiện Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai thuộc hành lang giao thông Côn Minh - Hải Phòng (Dự án) và những bất cập về cơ chế, chính sách. Qua đó, Đoàn kiểm toán đánh giá Dự án đầu tư đạt hiệu quả kinh tế thấp.
Dự án Cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Yên Viên - Lào Cai đầu tư đạt hiệu quả kinh tế thấp.Ảnh: TTXVN
Thương thảo, ký kết và quản lý các gói thầu thiếu chặt chẽ
Theo Báo cáo kiểm toán, kế hoạch đấu thầu Dự án phải điều chỉnh 5 lần (điều chỉnh từ quý II/2009 thành quý II/2012) do chậm trễ trong khâu thiết kế kỹ thuật và thực tế thời gian lựa chọn nhà thầu từ quý II/2012 đến quý II/2013. Như vậy, công tác đấu thầu gói thầu CP1 chậm 48 tháng; gói CP2 chậm so với kế hoạch ban đầu 24 tháng và chậm so với kế hoạch điều chỉnh cuối cùng 12 tháng; gói thầu CP3 chậm 40 tháng so với kế hoạch được duyệt ban đầu và chậm 4 tháng so với kế hoạch điều chỉnh. Công tác chấm xét các gói thầu chậm so với quy định của Luật Đấu thầu.
Đoàn kiểm toán cũng chỉ ra, các khoản chi phí điều hành thi công của chuyên gia nước ngoài, chi phí di chuyển thiết bị thi công và lực lượng lao động đến công trường của các gói thầu CP1, CP2, CP3 đều được mời thầu và ký hợp đồng trọn gói, không tuân thủ quy định của chủ đầu tư khi phê duyệt dự toán. Việc ký hợp đồng xây lắp với các nhà thầu của các gói thầu không đúng thẩm quyền theo quy định của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Công tác quản lý hợp đồng thầu phụ chưa chặt chẽ và chưa đảm bảo quy định của Hồ sơ mời thầu. Cụ thể là số lượng thầu phụ thực tế tại hiện trường nhiều hơn số lượng thầu phụ cam kết tại Hồ sơ dự thầu. Các gói thầu xây lắp được nhà thầu chính chuyển cho các nhà thầu phụ trong nước vượt quá 50% khối lượng hợp đồng (thậm chí có gói là 100%), do đó, không phát huy được tính kinh tế khi bổ sung chi phí chung 6,4% cho các chuyên gia nước ngoài.
Trong thương thảo và ký kết hợp đồng gói thầu RP đã không cắt giảm chi phí kiểm tra (7 đợt) không cần thiết tại nhà máy sản xuất tại Pháp (vì chỉ là công tác chứng kiến quy trình kiểm tra, thử nghiệm chất lượng vật tư ray, ghi tại nhà máy), gây lãng phí hơn 3,1 tỷ đồng. Cùng với đó, trong quá trình triển khai thực hiện hợp đồng gói thầu RP, cho đến trước thời điểm nhập lô ray cuối cùng 5 tháng đã có thể xác định số lượng ray thừa so với nhu cầu sử dụng của Dự án là 5.153 tấn. Tuy nhiên, Ban Quản lý Dự án không xem xét điều chỉnh khối lượng hợp đồng gói thầu, dẫn đến lãng phí giá trị vật tư, Thuế Giá trị gia tăng hàng nhập khẩu, tiền vận chuyển với giá trị 135 tỷ đồng và lãi vay phải trả trong 23 năm khoảng 36 tỷ đồng.
Về quản lý chất lượng thi công xây dựng của nhà thầu, theo kết quả kiểm toán, bản vẽ hoàn công của các gói thầu xây lắp CP1, CP2, CP3 không thực hiện đầy đủ theo yêu cầu của Chỉ dẫn kỹ thuật; không tiến hành thí nghiệm kiểm tra chất lượng đá ba lát tận dụng lại khi thi công nền đường, không tuân thủ Chỉ dẫn kỹ thuật tại các gói thầu xây lắp nhưng vẫn được Tư vấn giám sát và chủ đầu tư (Bộ Giao thông vận tải) chấp nhận nghiệm thu, thanh toán. Qua kiểm tra thực tế hiện trường và kết quả thí nghiệm cấp phối thành phần hạt đá ba lát gói thầu CP1 và CP3, có 3/4 mẫu không đạt phần trăm lọt sàng theo quy định của Chỉ dẫn kỹ thuật. Tại gói thầu CP2, bệ phản áp từ và bảo vệ mái dốc tại một số đoạn thi công sai thiết kế nhưng vẫn hoàn công theo thiết kế.
Nhiều sai sót, bất cập trong trong quản lý chi phí đầu tư
Kết quả kiểm toán cũng chỉ ra, trong quá trình thực hiện Dự án còn một số sai sót trong quản lý chi phí đầu tư với giá trị hơn 584,3 tỷ đồng, chiếm 18,97% (trong đó, sai khối lượng gần 25,4 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 7,9 tỷ đồng và sai khác hơn 550,9 tỷ đồng).
Trong quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư, qua kiểm toán cho thấy, một số thông báo ghi thu, ghi chi áp sai tỷ giá hạch toán, dẫn đến số liệu nguồn vốn được hạch toán tại Ban Quản lý Dự án giảm 351 triệu đồng. Trong bố trí vốn đối với phần điều chỉnh tăng quy mô, tăng tổng mức đầu tư, Bộ Giao thông vận tải đã không tính Thuế Giá trị gia tăng cho dự án điều chỉnh, trong khi đó lại sử dụng hơn 138,3 tỷ đồng và hơn 8.674,5 USD tiền Thuế Giá trị gia tăng chi vào các nội dung tăng thêm của giải phóng mặt bằng, Ban Quản lý Dự án, mà không báo cáo cấp có thẩm quyền.
Về nguồn vốn vay, theo quy định của Hiệp định vay vốn được ký kết, việc giải ngân thanh toán cho nhà thầu được nhà tài trợ thanh toán trực tiếp, không thông qua ngân hàng phục vụ của Việt Nam. Đối với các khoản thanh toán bằng VNĐ, nhà tài trợ quy đổi sang đồng tiền nhận nợ theo tỷ giá của nhà tài trợ, do đó, phía Việt Nam không kiểm soát được tỷ giá. Qua so sánh tỷ giá do nhà tài trợ quy đổi với tỷ giá mua vào do Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (VCB) niêm yết trên website tại thời điểm 2 ngày trước giải ngân cho thấy, tỷ giá nhà tài trợ thường thấp hơn tỷ giá của VCB. Qua tính toán, nếu áp dụng tỷ giá do VCB công bố thì giá trị nhận nợ của khoản vay Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) giảm hơn 20,9 tỷ đồng; khoản vay Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) giảm trên 4,9 tỷ đồng.
Đặc biệt, qua kiểm toán Dự án, KTNN chỉ ra những bất cập về cơ chế, chính sách quản lý dự án. Theo đó, đối với vật tư do chủ đầu tư cấp và vật tư tận dụng (ray và phụ kiện), các chi phí thu nhập chịu thuế tính trước được tính theo là phù hợp với quy định. Tuy nhiên, vật tư do chủ đầu tư cấp chiếm giá trị lớn, trong khi nhà thầu không phải bỏ chi phí này nhưng vẫn được hưởng thu nhập chịu thuế tính trước 6% với giá trị hơn 34,3 tỷ đồng là bất cập trong công tác quản lý chi phí đầu tư.
Bên cạnh đó, dự toán các gói thầu tư vấn (CS - Tư vấn thiết kế kỹ thuật và CS2 - Tư vấn giám sát) nếu áp dụng theo định mức ban hành theo Quyết định số 957/QĐ-BXD thì giá trị dự toán là hơn 30,3 tỷ đồng, thấp hơn 129,8 tỷ đồng (tương đương 81%) so với chi phí quyết toán gần 160,2 tỷ đồng. Chi phí thực tế 3 gói thầu xây lắp (CP1, CP2, CP3), gói tư vấn khảo sát thiết kế kỹ thuật và giám sát do nhà thầu nước ngoài thực hiện, so với quy định về quản lý chi phí trong nước (dự toán tính đúng) thì giá trị sẽ giảm 345,8 tỷ đồng/2.033,3 tỷ đồng, tương đương giảm giá trị đầu tư 17%.
Từ kết quả kiểm toán, đối với Ban Quản lý Dự án, KTNN kiến nghị xử lý tài chính 584,3 tỷ đồng; đồng thời kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình, công tác quản lý tài chính, kế toán; kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với tập thể, cá nhân về một số sai sót đã được KTNN chỉ ra. KTNN cũng kiến nghị Bộ Xây dựng rà soát, sửa đổi nội dung Thông tư số 06/2016/TT-BXD do dự toán các gói thầu xây lắp áp dụng theo Thông tư số 04/2010/TT-BXD đã hết hiệu lực, được thay thế bằng Thông tư 06, nhưng nội dung Thông tư này vẫn chưa khắc phục được các hạn chế nêu trên. KTNN kiến nghị Bộ Tài chính có cơ chế kiểm soát đối với ngân hàng phục vụ trong việc xác định tỷ giá để rút vốn, giải ngân vốn vay ODA của các dự án nhằm đảm bảo lợi ích của Nhà nước và quyền lợi của các ngân hàng phục vụ.
Đ.KHOA