Doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực cải cách của ngành hải quan
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:45, 16/12/2019
(BKTO) - Kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện năm 2018 cho thấy, khoảng 80% DN đánh giá sự hỗ trợ của ngành hải quan là kịp thời và hiệu quả. Đánh giá tích cực này cũng đã được minh chứng qua những nỗ lực cải cách hành chính của ngành hải quan.
Cải cách thủ tục hành chính làm thay đổi toàn diện công tác quản lý hải quan
Thời gian qua, ngành hải quan đã nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế và tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại.
Công tác cải cách thủ tục hành chính đã làm thay đổi căn bản, toàn diện phương thức quản lý hải quan. Sau 5 năm hoạt động, Hệ thống Thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã được triển khai ở 100% đơn vị thuộc Tổng cục Hải quan với hơn 99,65% DN tham gia. Việc khai báo, xử lý hồ sơ trên Hệ thống này đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.
Mới đây, Tổng cục Hải quan đã chính thức triển khai Chương trình Nộp thuế điện tử DN nhờ thu qua 5 ngân hàng. Với việc tham gia Chương trình này, DN phát sinh tờ khai, thông tin số tiền thuế, các sắc thuế đều được cập nhật, xử lý và thanh toán hoàn toàn tự động.
Nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển và cảng hàng không, Tổng cục đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống Quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 cục hải quan tỉnh, thành phố. Hệ thống này đã tăng tính tự động trong việc kết nối giữa cơ quan hải quan và các DN kinh doanh cảng, kho, bãi, tạo thuận lợi cho các DN này hoạt động; giảm thời gian, chi phí cho DN xuất nhập khẩu và tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan. Theo kết quả khảo sát ban đầu tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng, việc không phải xuất trình chứng từ giấy đã giảm thời gian thực hiện thủ tục giám sát khoảng 2 phút cho 1 tờ khai.
Bên cạnh đó, ngành hải quan đã triển khai dịch vụ công trực tuyến, cho phép người dân, DN nộp hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến thông qua mạng internet, cho phép tra cứu và xác định mã số hàng hóa, thuế suất; đăng ký sử dụng chữ ký số, tài khoản tham gia thủ tục hải quan điện tử; tra cứu thông tin nộp thuế, nợ thuế; in danh sách mã vạch phục vụ hệ thống giám sát hải quan. Việc này góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hải quan, giảm thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho DN.
Tổng cục cũng đã tham mưu cho Bộ Tài chính và Chính phủ sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới còn 70 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 90 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu. Các đề xuất bãi bỏ thủ tục không cần thiết; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; cắt giảm điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hải quan đã tiết kiệm cho cộng đồng DN hàng chục tỷ đồng/năm…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết: Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã ban hành mới và sửa đổi 7 thông tư; tham mưu ban hành nghị định quy định thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa quốc gia và kiểm tra chuyên ngành, làm cơ sở pháp lý quan trọng trong đột phá về cải cách hiện đại hóa hải quan. Thực hiện việc sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, Tổng cục Hải quan đã giảm từ 174 chi cục xuống còn 162 chi cục. Đặc biệt, cơ quan hải quan đã tăng cường giáo dục, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ và thái độ, tinh thần phục vụ của đội ngũ cán bộ, công chức; cải thiện chất lượng, kết quả công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo thực thi công vụ, qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của DN nói riêng và người nộp thuế nói chung.
Hải quan và doanh nghiệpsẽ tiếp tục kết nối - chia sẻ - đồng hành
Những nỗ lực cải cách hành chính của ngành hải quan đã được cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao. Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch VCCI, ngành hải quan đã áp dụng bộ công cụ hiện đại vào công tác quản lý, hỗ trợ hoạt động của DN. Việc 100% hoạt động thông quan áp dụng Hệ thống VNACCS/VCIS, Chương trình VASSCM và các nguyên tắc quản lý rủi ro, phân luồng hàng hóa đã giúp rút ngắn thời gian nộp thuế cũng như thời gian thông quan hàng hóa của người dân, DN. Các cục, chi cục đã trao đổi, hướng dẫn DN thực hiện các quy định mới, từ đó phát hiện ra các vấn đề còn vướng mắc... Vì thế, kết quả đánh giá mức độ hài lòng của DN do VCCI khảo sát năm 2018 cho thấy, khoảng 80% DN đánh giá sự hỗ trợ của ngành hải quan là kịp thời và hiệu quả. Báo cáo năm 2019 đang được VCCI hoàn thiện nhưng về cơ bản, các DN vẫn đánh giá cao nỗ lực cải cách, chia sẻ, đồng hành của ngành hải quan.
Tuy nhiên, cũng theo ông Phòng, việc ban hành các văn bản hướng dẫn của ngành hải quan còn chậm, thiếu tính cụ thể, thống nhất, dẫn đến tình trạng cùng một văn bản nhưng có những cách hiểu khác nhau, áp dụng khác nhau, ví dụ như mã HS trong hải quan, cũng như cách tính thuế, mã thuế của các mặt hàng cụ thể… Để hạn chế tình trạng này, DN cần chủ động hợp tác với cơ quan hải quan, đồng thời, cơ quan hải quan cần tăng cường tổ chức tập huấn, đối thoại với DN.
Nhằm khắc phục những bất cập trên, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cam kết, Bộ Tài chính sẽ khẩn trương xây dựng các nghị định, văn bản hướng dẫn Luật Hải quan và tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bộ luôn lắng nghe, chia sẻ ý kiến từ DN để tiếp tục hoàn thiện chính sách, đồng thời giải đáp các vướng mắc của DN, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, chính sách hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN.
MINH ANH