Đà Nẵng: Còn nhiều khó khăn trong xử lý nợ đọng bảo hiểm xã hội
Xã hội - Ngày đăng : 07:05, 16/12/2019
(BKTO) - Theo Báo cáo kết quả thi hành Luật Bảo hiểm xã hội giai đoạn 2016-2019 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, bên cạnh những kết quả tích cực trong công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), công tác thu hồi nợ đọng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thời gian qua tuy có nhiều chuyển biến song tình hình nợ trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp.
Thanh tra BHXH thành phố Đà Nẵng công bố quyết định thanh tra đơn vị nợ BHXH, BHYT, BHTN- Ảnh: Bảo hiểm xã hội Đà Nẵng. |
Nợ kéo dài chiếm tỷ lệ lớn
Theo báo cáo, Sau thời gian triển khai thực Luật BHXH, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn Thành phố đều tăng qua các năm. Năm 2016 trên toàn Thành phố có 224.461 người tham gia BHXH bắt buộc thì ước đến cuối năm 2019 có 254.605 người tham gia BHXH bắt buộc (tăng 30.144 người).
Bên cạnh đó, đối với nhóm đối tượng được mới bổ sung theo quy định Luật BHXH 2014, tính đến 30/9/2019 có 938 cán bộ xã không chuyên trách, 589 người nước ngoài tham gia BHXH, hầu hết các DN sử dụng lao động là người nước ngoài thực hiện tham gia đầy đủ cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia.
Tuy nhiên, một trong những khó khăn đặt ra đối với việc thực hiện chính sách BHXH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng là tình trạng trốn đóng BHXH vẫn xảy ra tại một số DN, việc chủ sử dụng lao động tìm cách né tránh hoặc lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người lao động để trốn đóng hoặc thỏa thuận với người lao động để không tham gia BHXH vẫn còn diễn ra.
Mặt khác, DN trên địa bàn thành phố đa số là DN nhỏ và vừa, tình hình sản xuất, kinh doanh của một số DN còn gặp nhiều khó khăn, làm ăn thua lỗ, hoạt động cầm chừng, phải tạm thời thu hẹp quy mô sản xuất, chưa đóng BHXH đúng hạn hoặc để xảy ra tình trạng nợ BHXH. Nhiều đơn vị mất tích, đơn vị không còn hoạt động, đơn vị không có người quản lý, điều hành; đơn vị chấm dứt hoạt động; đơn vị bị phá sản, giải thể; đơn vị có chủ bỏ trốn... ngày càng tăng nhưng chưa có cơ chế xử lý.
Đặc biệt, mặc dù cơ quan BHXH Thành phố đã phối hợp, áp dụng nhiều biện pháp để đốc thu, hạn chế nợ đọng song số nợ BHXH vẫn cao. Tính đến ngày 30/9/2019, toàn thành phố để nợ BHXH, BHYT, BHTN với số tiền 269.473 triệu đồng chiếm 4,9% kế hoạch của BHXH Việt Nam giao. Trong đó, tổng số tiền nợ BHXH bắt buộc là 177.053 triệu đồng, giảm 94.609 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước (giảm 34,8%). Về cơ bản, tình hình nợ đã được BHXH thành phố kiểm soát, giảm mạnh so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là số nợ kéo dài còn chiếm tỷ lệ lớn.
Cụ thể, nợ dưới 01 tháng là 9.810 triệu đồng, chiếm 5,5% tổng số tiền nợ. Nợ từ 01 tháng đến dưới 06 tháng là 79.385 triệu đồng, chiếm 44,8% trên tổng số tiền nợ. Nợ từ 06 tháng trở lên là 87.858 triệu đồng, chiếm 49,7% trên tổng số tiền nợ.
Khó khăn, vướng mắc trong xử lý nợ
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng, Luật BHXH 2014 đã nâng lãi suất chậm đóng gấp hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề, lãi suất liên ngân hàng vì vậy các đơn vị có sự cân nhắc khi chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH. Tuy nhiên, một số DN vẫn cố tình chậm đóng, chiếm dụng tiền BHXH bất chấp lãi suất chậm đóng hai lần hiện nay gây nợ tiền đóng BHXH kéo dài.
Bên cạnh đó, một số đơn vị lợi dụng kẻ hỡ của Luật trong việc nộp BHXH, không đóng kịp thời BHXH hằng tháng mà cố tình chậm đóng, chiếm dụng Quỹ BHXH (trong vòng 30 ngày) để phục vụ cho mục đích kinh doanh. Những đơn vị này vẫn không bị phạt chậm đóng, chiếm dụng Quỹ BHXH vì Luật BHXH quy định đơn vị chậm đóng từ 30 ngày trở lên mới phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ BHXH bình quân của năm trước liền kề và bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Trong khi tính tuân thủ pháp luật về BHXH của nhiều đơn vị sử dụng lao động chưa nghiêm thì công tác khởi kiện các đơn vị nợ BHXH cũng còn nhiều vướng mắc về thẩm quyền, quy trình, thủ tục hồ sơ khởi kiện.Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng Nguyễn Văn An: “Trên thực tế, cán bộ công đoàn trực thuộc hưởng lương tại DN nên khó có thể đứng đơn khởi kiện chủ DN. Trong khi đó, chưa có văn bản pháp luật hướng dẫn cụ thể về quy trình, điều kiện pháp lý để Công đoàn cấp trên cơ sở có thể đại diện khởi kiện người sử dụng lao động ra tòa án”.
Bên cạnh đó, một số DN khi có quyết định thanh tra, kiểm tra thì đóng đầy đủ BHXH, tuy nhiên, sau khi thanh tra, các DN này lại tiếp tục tái diễn nợ BHXH. Các DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, giao thông, thủy điện thường phụ thuộc rất nhiều vào nguồn tiền của chủ đầu tư trả nợ khi hoàn thành công trình, hạng mục công trình. Vì vậy, việc trả nợ của các DN này phụ thuộc vào nguồn tiền chủ đầu tư thanh toán, trong khi lĩnh vực này thường bị chủ đầu tư nợ rất nhiều. Đối với những DN nợ lớn, theo quy định hiện hành, cơ quan BHXH không được phép khoanh nợ và không có phương án để xử lý nợ đối với các DN này. Trong khi đó, số nợ của những đơn vị này được tính vào số nợ do BHXH thành phố quản lý.
Để giảm tỷ lệ nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN, thời gian tới Sở lao động - Thương binh và Xã hội, BHXH thành phố xác định sẽ tiếp tục nỗ lực quyết tâm, tích cực trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời các đơn vị vi phạm; thực hiện việc chuyển hồ sơ sang cơ quan công an để truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội thành phố Đà Nẵng cũng đề xuất cần ban hành quy định về xử lý tiền nợ BHXH, BHTN, BHYT tồn đọng kéo dài (không còn khả năng trả nợ) của các DN đã ngừng hoạt động, giải thể, phá sản hoặc chủ bỏ trốn làm căn cứ giải quyết chế độ BHXH, BHTN đối với người lao động.
THU NGUYỆT