Phát hiện nhiều bất cập, hạn chế qua Kiểm toán tái cơ cấu DNNN

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 10:00, 09/03/2017

(BKTO) - Trích tham luận tại Hội nghị triển khai công tácnăm 2017 của KTNNNăm 2016, thực hiện Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước về việc kiểmtoán chuyên đề việc thực hiện Đề án “Tái cơ cấu DNNN, trọng tâm là tập đoànkinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015”, KTNN chuyên ngành VI đã phốihợp với các đơn vị trong ngành thực hiện triển khai và hoàn thành nhiệm vụ kiểmtoán được giao.


Qua kiểm toán cho thấy, việc thực hiện các Đề án tái cơ cấu DNNN đã đạt được những kết quả nhất định. Số lượng DNNN đã giảm mạnh, tập trung hơn vào những ngành, lĩnh vực then chốt và cơ bản đã thực hiện được vai trò, nhiệm vụ được giao. Hiệu quả hoạt động của DNNN và các DN sau cổ phần hóa được nâng lên. Cơ chế chính sách để quản lý DNNN, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn… liên tục được bổ sung, hoàn thiện khá đầy đủ, đồng bộ nhằm tạo môi trường pháp lý thuận lợi cho các DN, cơ chế quản lý, giám sát DNNN ngày càng chặt chẽ. Hơn nữa, công tác quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN tiếp tục được hoàn thiện. Công tác tái cơ cấu các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT) nhà nước được tiến hành một cách toàn diện trên các mặt ngành nghề kinh doanh và đầu tư, tài chính, tổ chức sản xuất kinh doanh, mô hình tổ chức quản lý, quản trị DN, nguồn nhân lực, chiến lược phát triển và thị trường sản phẩm. Việc xử lý đất đai trong quá trình cổ phần hóa DNNN được chú ý. TCT Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) và Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã đóng góp tích cực vào quá trình sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu DNNN.


Đoàn kiểm toán Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC.Ảnh: ĐÔNG SƠN

Bên cạnh đó, qua kiểm toán cũng chỉ ra một số bất cập, hạn chế trong quá trình tái cơ cấu các TĐ, TCT nhà nước.

Một là, cơ chế, chính sách về quản lý DN, sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước… ban hành chậm so với kế hoạch đề ra, có những cơ chế, chính sách quan trọng đối với cổ phần hóa, thoái vốn nhưng đến giai đoạn cuối của Đề án tái cơ cấu mới được ban hành (thoái vốn nhà nước dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách, bán cổ phần theo lô…). Một số chính sách ban hành chưa phù hợp với thực tiễn, còn bất cập nhưng chậm được bổ sung, sửa đổi. Đặc biệt, có một số cơ chế, chính sách liên quan đến cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước đang có sơ hở, cần phải bổ sung, sửa đổi kịp thời nhằm ngăn ngừa thất thoát vốn, tài sản nhà nước. Chẳng hạn, không có quy định xác định giá bán tối thiểu đối với trường hợp thoái vốn DN đã niêm yết; phương thức chuyển nhượng vốn/cổ phiếu DN niêm yết quy định phải nằm trong biên độ giá giao dịch của mã chứng khoán tại ngày chuyển nhượng đã bó hẹp phương thức giao dịch khác có giá cao hơn; chưa có quy định về quy trình giao dịch, đặt lệnh bán vốn nhà nước; chưa có biện pháp kiểm soát chặt chẽ cam kết của nhà đầu tư chiến lược; giá trị lợi thế quyền thuê đất Nhà nước không được tính vào giá trị DN khi cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước dẫn đến không phản ánh đầy đủ giá trị lợi thế của DN; quản lý việc sử dụng đất đai của DNNN, DN cổ phần hóa chưa chặt chẽ, còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, công tác triển khai các nhiệm vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực quản lý liên quan đến tái cơ cấu của các Bộ, ngành chưa tốt; công tác xây dựng Đề án của các TĐ, TCT nhà nước chưa sát với tình hình thực tế, phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần làm chậm tiến độ thực hiện; một số Đề án tái cơ cấu có chất lượng chưa cao, còn hình thức, các giải pháp đề ra chủ yếu vẫn mang tính định hướng, thiếu tính cụ thể… gây khó khăn khi triển khai thực hiện.

Hai là, trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu, một số TĐ, TCT chưa đạt kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn đã đề ra, kết quả thoái vốn đầu tư ngoài ngành và tại các DN mà Nhà nước không cần nắm giữ còn thấp so với yêu cầu (các TĐ, TCT mới thoái được 42% tổng số vốn phải thoái ra khỏi 5 lĩnh vực: chứng khoán, ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, bất động sản). Nhiều DN cổ phần hóa không bán được hết cổ phần theo phương án được phê duyệt, tỷ lệ bán ra ngoài thành công rất nhỏ (Nhà nước vẫn giữ 98%-99% vốn điều lệ) dẫn đến chưa đạt mục tiêu của cổ phần hóa là đổi mới quản trị và thu hút nguồn vốn từ xã hội. Còn nhiều trường hợp thực hiện thoái vốn chưa theo nguyên tắc thị trường, một số trường hợp DN thua lỗ, thậm chí mất hết vốn nhưng vẫn được bàn giao nguyên trạng hoặc chuyển nhượng cổ phiếu giá ghi sổ sách theo mệnh giá, dẫn đến tiềm ẩn rủi ro cho đơn vị nhận DN thua lỗ.

Ba là, sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, UBND các tỉnh/thành phố với SCIC để chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại DN về SCIC chưa tốt và chưa có sự đồng thuận dẫn đến việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn về SCIC diễn ra chậm, có hiện tượng bán bớt phần vốn nhà nước trước khi bàn giao, phần lớn các DN chưa được bàn giao là các DN có chuyên ngành cao về kinh tế - kỹ thuật, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế tại địa phương, phục vụ chiến lược phát triển ngành của các Bộ hoặc các DN quản lý nhiều đất đai. Hơn nữa, công tác hướng dẫn, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền chưa đồng bộ, nhất quán dẫn đến lúng túng trong thực hiện. Việc thí điểm thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại DN đã cổ phần hóa trực thuộc địa phương chưa được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm để nhân rộng cho các tỉnh/thành phố khác.

Từ các đánh giá, phát hiện, KTNN đã kiến nghị các TĐ, TCT nhà nước, các Bộ, ngành UBND các tỉnh/thành phố, đặc biệt là có công văn thông báo kết quả kiểm toán, đồng thời kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách thuộc chức năng, nhiệm vụ; tháo gỡ vướng mắc, xử lý tồn tại, hạn chế như ý kiến KTNN đã nêu và tiếp tục chỉ đạo tổ chức thực hiện tái cơ cấu đạt mục tiêu và có hiệu quả.
HỒNG THOAN (lược trích)