Làm rõ trách nhiệm của các Bộ, địa phương trong việc chậm phân bổ vốn đầu tư công

Đối nội - Ngày đăng : 22:35, 17/12/2019

(BKTO) - Chiều 17/11, tiếp tục Phiên họp thứ 40, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 và giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng phát triển Việt Nam. Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đặng Thế Vinh tham dự Phiên họp.


                
   

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Tờ trình tại phiên họp - Ảnh:quochoi.vn

   
Điều chỉnh giảm kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài của 3 Bộ, 7 địa phương

Báo cáo tại Phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, về điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các Bộ, ngành và địa phương, tổng số kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 Quốc hội quyết định là 60.000 tỷ đồng.

Đến nay, Thủ tướng đã giao kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho các Bộ, ngành và địa phương 47.313,632 tỷ đồng, đạt 78,85% kế hoạch. Trong đó một số Bộ, ngành và địa phương giải ngân vốn nước ngoài cao như Bộ Công an, Bộ Quốc Phòng, Ngân hàng Chính sách xã hội, Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, Bình Định.

Tuy nhiên, cũng có một số Bộ, ngành và địa phương giải ngân thấp như Bộ Y tế , Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình…

Việc giải ngân vốn chậm nguyên nhân chủ yếu là do có sự khác biệt trong công tác đấu thầu giữa thủ tục trong nước và nhà tài trợ. Đồng thời, việc giải phóng mặt bằng còn chậm, năng lực ban quản lý một số dự án còn hạn chế, vốn đối ứng không đáp ứng đủ nhu cầu. Bên cạnh đó, công tác xây dựng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài chưa được các bộ, ngành và địa phương quan tâm, xây dựng kế hoạch không sát với khả năng thực hiện.

Tuy nhiên, đối với các dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, việc thiếu kế hoạch vốn đang ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công, làm tăng chi phí, giảm hiệu quả đầu tư và ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam đối với các nhà tài trợ nước ngoài trong việc thực hiện các Hiệp định đã ký kết.
                
   

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra - Ảnh:quochoi.vn

   
Vì vậy, nhằm tạo điều kiện cho các Bộ, ngành, địa phương có nhu cầu tăng kế hoạch vốn nước ngoài năm 2019, giải quyết các khó khăn về vốn, việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các Bộ, ngành và địa phương là cần thiết. Trên cơ sở đề nghị của các Bộ, ngành và địa phương và căn cứ Luật Đầu tư công, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép:

Điều chỉnh giảm 4.812,524 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 của 03 bộ và 07 địa phương do không phân bổ chi tiết cho các dự án.

Điều chỉnh tăng 4.812,524 tỷ đồng kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 cho 03 bộ: Công an, Quốc Phòng, Lao động Thương binh và Xã hội và 27 địa phương để bố trí cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt và các dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư trung hạn vốn nước ngoài giai đoạn 2016-2020. Các dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 được kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân đến ngày 31/12/2020 theo quy định của Luật NSNN, Luật Đầu tư công.

Phân bổ hơn 9 nghìn tỷ đồng cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Về giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB), Tờ trình của Chính phủ cho biết, cho đến nay, Thủ tướng đã phê duyệt “Đề án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của VDB giai đoạn 2019-2021”.

Theo đó, NSNN sẽ không cấp vốn điều lệ cho VDB, nhưng phải bố trí để thanh toán phần NSNN còn bố trí thiếu cho nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB đến ngày 31/12/2018.

Để thực hiện các nhiệm vụ, mục tiêu của Đề án cơ cấu lại VDB, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép phân bổ 9.015 tỷ đồng, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho VDB. Từ đó, làm cơ sở bố trí kế hoạch vốn hàng năm để thanh toán phần NSNN còn bố trí thiếu, cho nhiệm vụ cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý của VDB.

Điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn quá chậm gây lãng phí nguồn lực

Thẩm tra Tờ trình của Chính phủ, Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, Chính phủ đề xuất điều chỉnh kế hoạch vốn nước ngoài là cần thiết và đúng quy định.

Tuy nhiên, việc giao kế hoạch chậm, việc Chính phủ trình điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn nước ngoài là quá chậm, vượt quá thời hạn điều chỉnh dự toán hàng năm (trước 15/11) theo quy định của Luật NSNN. Từ đó, làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thực hiện Nghị quyết được Quốc hội quyết định và gây lãng phí nguồn lực.

Tuy nhiên, trước yêu cầu thực tế vốn vay đã ký kết hiệp định, nếu không điều chỉnh kế hoạch sẽ không giải ngân được và phải trả phí cam kết, gây lãng phí. Do vậy, Ủy ban thống nhất với đề nghị của Chính phủ về việc điều chỉnh kế hoạch nguồn vốn nước ngoài để thúc đầy tiến độ giải ngân vốn vay.
                
   

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển kết luận phiên thảo luận- Ảnh:quochoi.vn

   
Đồng thời, Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp cụ thể, để chấn chỉnh và thúc đẩy tiến độ giải ngân, tránh gây lãng phí nguồn lực. Đồng thời làm rõ trách nhiệm của các Bộ, địa phương có liên quan trong việc chậm trễ phân bổ vốn đầu tư công.

Trên cơ sở các ý kiến thảo luận, kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị, Chính phủ rút kinh nghiệm việc phân, giao, điều chỉnh chậm sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả thực hiện tại các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời, đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục hoàn thiện chính sách các nội dung để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến theo đa số.

Đối với nội dung giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách trung ương giai đoạn 2016-2020 cho VDB, do không thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ rà soát lại chính xác các số liệu chi, bổ sung dự toán để trình ra Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ 9 tới đây.

         
Cũng tại phiên họp chiều 17/12, UBTVQH đã nhất trí với đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung kinh phí mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/4/2019. Theo đó, bổ sung 196 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2019 cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để mua bù các mặt hàng thuốc thú y đã xuất cấp từ ngày 1/1/2018 đến ngày 30/4/2019 đưa vào dự trữ quốc gia.
Đ. KHOA