Rào cản phát triển nhà ở xã hội

Đầu tư - Ngày đăng : 14:17, 03/05/2017

(BKTO) - Pháttriển nhà ở xã hội (NƠXH) được đánh giá là chủ trương đúng đắn, phù hợp với nhucầu của đại đa số người dân, nhất là người dân tại khu vực đô thị và công nhâncác khu công nghiệp. Tuy nhiên, hiện nay việc phát triển loại hình nhà ở này vẫnđang vướng phải không ít rào cản.


Nhu cầu lớn nhưng phát triển chậm

Theo Bộ Xây dựng, tính đến hết năm 2016, cả nước mới hoàn thành đầu tư xây dựng 179 dự án NƠXH tại khu vực đô thị và khu công nghiệp (tương đương 71.150 căn hộ), đạt 28% so với chỉ tiêu 250.000 căn hộ đến năm 2020 đặt ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Cũng tính đến năm 2020, cả nước cần khoảng 1 triệu căn hộ, tương đương khoảng 50 triệu m2. Một số địa phương có nhu cầu NƠXH lớn như Hà Nội (110.000 căn), TP. HCM (134.000 căn), Đà Nẵng (11.500 căn), Đồng Nai (36.700 căn), Bình Dương (41.250 căn)…


Cần cải cách thủ tục hành chính cho các DN xây dựng NƠXH.Ảnh: TS

Nhìn nhận về vấn đề phát triển NƠXH, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về chính sách nhà ở và thị trường bất động sản đặt vấn đề: Nhu cầu NƠXH rất lớn, Nhà nước có chính sách để dành đất đai cho phát triển nhà ở. Hiện rất nhiều khu đất giao cho các dự án nhưng không dùng đến còn để hoang. Đất đai có, nhu cầu có, chính sách có, tiền trong dân cũng có một phần tiết kiệm, vậy tại sao phát triển NƠXH lại chậm, đặc biệt là nhà ở cho công nhân, nhà cho người dân đô thị?

Trong thực tế, việc xây dựng nhà ở xã hội gặp rất nhiều khó khăn. Mặc dù chính sách đã có, nhưng việc vận hành các thủ tục hành chính đối với việc triển khai, thực hiện dự án NƠXH ở nhiều địa phương thời gian qua còn phức tạp, tạo “điểm nghẽn” trong phát triển nhà ở. Trong đó phải kể đến thời gian chuẩn bị đầu tư, bồi thường giải phóng mặt bằng, giao đất, thời gian thẩm định, phê duyệt quy hoạch, dự án kéo dài. Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM - nhận xét: Nhu cầu NƠXH hiện rất nhiều nhưng các DN hầu như không mặn mà với phân khúc này vì lợi nhuận thấp. Hiện chỉ có những DN khởi nghiệp hoặc những DN làm bằng chính cái tâm của mình thì mới có sự đầu tư lâu dài cho phân khúc này.

Tháo gỡ “điểm nghẽn” NƠXH

Nhiều chuyên gia nhận định, khâu yếu nhất và đang cản trở sự phát triển NƠXH chính là việc vận hành thủ tục hành chính ở các cơ sở, địa phương. Thủ tục hành chính vẫn “đè nặng” lên DN, muốn thực hiện dự án nhà ở xã hội vẫn phải qua quá nhiều cửa và ẩn chứa tiêu cực. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM nhận định: Các thủ tục làm nhà ở xã hội nhiều gấp 1,5 lần so với làm nhà ở thương mại, phải được duyệt qua nhiều cấp, duyệt đơn giá thi công xây dựng, đơn giá bán, phải cam kết lợi nhuận không quá 10%. Do đó, càng kéo dài thời gian chờ đợi thủ tục, đồng nghĩa với rủi ro về lợi nhuận càng cao. Chính quyền là người quyết định sự thành bại của chương trình nhà ở này. Chính quyền cần hỗ trợ cho DN giải quyết hết các khâu khó khăn đó, kể cả hỗ trợ pháp lý, hỗ trợ tất cả những điều kiện mà DN gặp khó khăn như khi làm thủ tục ở các quận, các Sở… Ông Đực khẳng định: Dự án muốn thành công thì 70% thuộc về chính quyền kiến tạo, DN chỉ quyết định 30%.

Đồng quan điểm, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết: Thủ tục hành chính đè lên các DN làm về NƠXH quá nặng nề. DN rất khó chịu khi xin được cơ chế đất rồi lại đến cơ chế vốn... Vấn đề này, Quốc hội, Hội đồng nhân dân và các Bộ, ngành cùng phải kiểm tra, giám sát.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác dẫn đến việc phát triển NƠXH đang ách tắc hiện nay là thiếu nguồn vốn hỗ trợ. Sau khi gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã kết thúc, việc xây dựng NƠXH cũng chậm lại, DN và người dân không còn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Chương trình cho vay mua nhà theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ tại Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất 4,8% có thời hạn đến 31/12/2016, nhưng đến nay vẫn chưa bố trí được vốn để triển khai.

Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân diễn ra cuối năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhấn mạnh: Muốn thành công, UBND các tỉnh, thành phố cần tập trung nguồn lực, giải quyết các vấn đề đang làm ách tắc việc phát triển NƠXH, có thể cho phép xây dựng nhà cao tầng hơn ở các khu vực ngoại thành, xa trung tâm, chọn nhà đầu tư có tâm, có năng lực. Bên cạnh việc nghiên cứu, sắp xếp, bố trí nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước, thì yếu tố lãnh đạo của chính quyền địa phương, trong đó có việc cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh gọn cho nhà đầu tư có ý nghĩa quyết định cho thành công của NƠXH.
LONG HOÀNG