Sửa đổi Bộ luật Lao động: Tháo gỡ bất cập, vướng mắc trong thực thi

Xã hội - Ngày đăng : 14:16, 03/05/2017

(BKTO) - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội(Bộ LĐ-TB&XH) đang tiếp thu ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, DN vànhân dân để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo Bộ luật Lao động sửa đổi trình Quốc hộicho ý kiến vào Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Một trong những mục tiêu quantrọng của việc sửa đổi Bộ luật lần này là chỉnh lý, bổ sung các điều khoản nhằmtháo gỡ vướng mắc, bất cập trong thực thi pháp luật.


Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, qua theo dõi quá trình tổng kết thi hành 3 năm Bộ luật Lao động và tiếp thu ý kiến từ nhiều phía, Ban soạn thảo đã đưa ra 9 nhóm vấn đề cần được sửa đổi, cân nhắc, trong đó có vấn đề về tiền lương, thời giờ làm thêm, tuổi nghỉ hưu.

Khoản 1 Điều 91 của Bộ luật Lao động hiện hành quy định: Mức lương tối thiểu phải đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc xác định nhu cầu sống tối thiểu là rất khó định lượng. Trong khi đó, nhiều ý kiến đánh giá rằng mức lương tối thiểu vùng hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Một số ý kiến đề xuất sửa đổi quy định này theo hướng “đảm bảo mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ” và đề nghị bổ sung thêm các yếu tố xác định mức lương tối thiểu vùng để làm căn cứ cho Hội đồng Tiền lương quốc gia nghiên cứu, đề xuất. Do vậy, ngoài việc giữ nguyên các quy định vừa nêu, Dự thảo Luật bổ sung quy định về các yếu tố xác định mức lương tối thiểu vùng.

Mức lương tối thiểu vùng hiện nay chưa đáp ứng được đầy đủ mức sống tối thiểucủa người lao động. Ảnh: TK

Liên quan đến việc tăng giờ làm thêm, đại diện Bộ LĐ-TB&XH cho biết, Bộ luật Lao động hiện hành quy định số giờ làm thêm tối đa của người lao động là không quá 30 giờ/tháng và không quá 200 giờ/năm, trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ/năm. Trên thực tế, nhiều DN, Hiệp hội DN và bộ phận nhỏ người lao động đề nghị cần tăng giờ làm thêm tối đa để đáp ứng nhu cầu của đa số DN, tăng thu nhập cho người lao động cũng như tính cạnh tranh của thị trường lao động Việt Nam. So với các quốc gia trong khu vực, số giờ làm thêm tối đa của người lao động Việt Nam hiện ở mức thấp. Mặt khác, theo quy định của một số quốc gia trên thế giới và ý kiến của các chuyên gia lao động quốc tế, việc quy định người lao động làm việc bình thường và làm thêm giờ tối đa không quá 12 giờ/1 ngày cho mỗi đợt làm thêm giờ là phù hợp. Ngoài ra, các chuyên gia còn khuyến nghị, nếu tăng thời giờ làm thêm thì cân nhắc khả năng tăng lương làm thêm giờ cho người lao động. Do đó, Dự thảo Luật xây dựng 2 phương án tăng giờ làm thêm để xin ý kiến. Phương án 1 tăng số giờ làm thêm đảm bảo số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ/1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ; tuy nhiên, tổng số giờ làm thêm của người lao động không được vượt quá 400 giờ /1 năm. Phương án 2 tăng số giờ làm thêm bảo đảm số giờ làm thêm và số giờ làm việc bình thường của người lao động không quá 12 giờ/1 ngày và không quá 5 ngày liên tục cho mỗi đợt làm thêm giờ.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục tăng tuổi nghỉ hưu với lý do tuổi bình quân của người Việt Nam những năm gần đây đã tăng nhiều so với giai đoạn trước đây, nhiều người nghỉ hưu vẫn tiếp tục tham gia lao động, có nhu cầu làm việc thêm và họ vẫn có đủ sức khỏe tham gia lao động tiếp. Mặt khác, dân số nước ta đang chuyển từ thời kỳ dân số vàng sang giai đoạn già hóa dân số, trong tương lai lực lượng lao động trẻ sẽ thiếu hụt. Hơn nữa, nếu giữ tuổi nghỉ hưu như hiện tại thì Quỹ hưu trí, tử tuất không đảm bảo trong dài hạn…Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên tăng tuổi nghỉ hưu bởi người lao động không muốn kéo dài thời giờ làm việc mà mong muốn được nghỉ ngơi với độ tuổi hiện hành để hưởng lương hưu hàng tháng. Bên cạnh đó, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên nước ta trong những năm qua luôn cao hơn khoảng 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung toàn quốc. Việc kéo dài tuổi nghỉ hưu làm giảm quyền lợi của người lao động và không phù hợp với người lao động làm việc trong các ngành nghề lao động chân tay. Thêm nữa, kéo dài tuổi nghỉ hưu ảnh hưởng đến chính sách cán bộ hành chính nhà nước, công tác quy hoạch. Do còn nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này nên Dự thảo Bộ luật thể hiện 2 phương án để xin ý kiến. Phương án 1 giữ như hiện hành nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Phương án 2, tuổi nghỉ hưu của người lao động làm việc trong điều kiện lao động bình thường là 60 tuổi với nam và 55 tuổi với nữ. Từ ngày 01/01/2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Ngoài 3 vấn đề trên, nhiều nội dung khác cũng được đề xuất sửa đổi, bổ sung như: Hợp đồng lao động, trợ cấp thôi việc, quyền và trình tự thủ tục khiếu nại về lao động, tổ chức đại diện của người lao động tại cơ sở, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, tranh chấp lao động và đình công.

Để góp phần hoàn thiện Dự thảo Bộ luật trên trước khi trình Chính phủ vào tháng 5 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội vào tháng 7/2017, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tổ chức các hội thảo nhằm tiếp thu ý kiến đóng góp quý báu từ các chuyên gia, các đại biểu Quốc hội. Sau khi Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, Dự thảo Bộ luật sẽ lại được chỉnh sửa, hoàn thiện để trình Quốc hội cho ý kiến vào tháng 10/2017.

MAI NGỌC