Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn của DN châu Âu

Đầu tư - Ngày đăng : 14:16, 03/05/2017

(BKTO) - Lần thứ 9 sau 8 năm liên tiếp, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại ViệtNam (EuroCham) vừa công bố Sách trắng về thương mại và đầu tư (Sách trắng 2017).Đây là cuốn sách tổng hợp các ý kiến của các DN thành viên EuroCham, hoạt độngtrong nhiều lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh tại Việt Nam.



Sách trắng 2017 nhấn mạnh những kiến nghị để cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam​. Ảnh: PHÚC KHANG

Đánh giá cao môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam

Ấn phẩm này phản ánh mong muốn của cộng đồng DN châu Âu (EU) trong việc hỗ trợ Chính phủ Việt Nam xây dựng khuôn khổ pháp lý và phát triển môi trường kinh doanh tại Việt Nam, mang lại lợi ích cho các DN, các nhà đầu tư nói riêng cũng như xã hội nói chung.

Theo thông tin công bố trong Sách trắng 2017, Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn cho hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài. Bên cạnh hàng loạt những thay đổi về pháp lý, Chính phủ Việt Nam rất hoan nghênh vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chảy vào các hoạt động sản xuất. Do đó, Việt Nam đưa ra nhiều ưu đãi cho đầu tư bao gồm cả ưu đãi về thuế đối với một số lĩnh vực mà các DN châu Âu đang dẫn đầu thế giới như công nghệ cao, công nghệ môi trường và nông nghiệp.

Trong số các nhà đầu tư nước ngoài, các DN đến từ EU ngày càng trở thành một nguồn cung FDI quan trọng của Việt Nam. 25 năm qua, EU đã đầu tư 23,2 tỷ USD vốn FDI cam kết vào 1.730 dự án. Với các hoạt động đầu tư mạnh mẽ, tính riêng trong năm 2015, EU đã đầu tư vào Việt Nam 1.545 tỷ USD, đưa EU từ vị trí nhà đầu tư lớn thứ 5 của Việt Nam trong năm 2014 lên vị trí thứ 3.

Bên cạnh việc thu hút vốn đầu tư từ các DN châu Âu, Việt Nam và EU cũng ngày càng phát triển thêm mối quan hệ thương mại bền vững. Hàng hóa xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang EU gồm dệt may, giày dép, cà phê, hải sản, hàng điện tử. Hàng hóa xuất khẩu từ EU sang Việt Nam chủ yếu là dược phẩm, máy móc thiết bị và phương tiện vận tải. Quan hệ giao thương hàng hóa giữa hai bên luôn bổ sung cho nhau, không cạnh tranh trực tiếp đem lại giá trị thương mại hơn 28,3 tỷ USD (năm 2014).

Một minh chứng điển hình cho việc phát triển mối quan hệ thương mại song phương là các chương trình như: Dự án Hỗ trợ thương mại đa biên (MUTRAP) đã được EU hỗ trợ Việt Nam thực hiện liên tục từ năm 1998 với ngân sách lên đến hơn 35,37 tỷ Euro. Cam kết mạnh mẽ của EU về hỗ trợ Việt Nam trong quá trình hiện đại hóa và hội nhập vào nền kinh tế thế giới cũng được thể hiện rõ qua các chương trình viện trợ. Để hỗ trợ Việt Nam thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020, EU đã thông qua chương trình Định hướng hỗ trợ đa niên cho Việt Nam giai đoạn 2014-2020 với kinh phí tăng thêm 30% và đạt mốc 400 triệu Euro, trong đó mục tiêu trọng tâm là phát triển năng lượng sạch tại Việt Nam.

Thách thức Việt Nam cần vượt qua

Điểm nhấn nổi bật trong Sách trắng 2017 là dành riêng một chương đề cập đến Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), trong đó đưa ra những nhận định về việc thực thi và tác động của Hiệp định này đến hoạt động kinh doanh ở Việt Nam. Cả EU và Việt Nam đều kỳ vọng thu được lợi ích từ EVFTA với 99% hàng rào thuế quan đối với hàng hóa và dịch vụ bị dỡ bỏ, cũng như gia tăng cơ hội cho Việt Nam thu hút FDI lớn hơn từ EU. Hiện nay, cả hai bên đang nỗ lực hoàn tất thủ tục phê chuẩn để EVFTA bắt đầu có hiệu lực vào năm 2018.
Tại lễ công bố Sách trắng 2017, ông Michael Behrens - Chủ tịch EuroCham khẳng định, Sách trắng đóng vai trò là tài liệu tham khảo cho hoạt động hỗ trợ chính sách với mục đích cải thiện môi trường kinh doanh tại Việt Nam. EuroCham xem đây là công cụ hữu hiệu hỗ trợ Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của châu Âu ở châu Á, và giúp Việt Nam trở thành trung tâm kinh tế của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC).

Tuy nhiên, theo lãnh đạo EuroCham, các quy định hướng dẫn cho nhiều văn bản luật mới vẫn chưa được ban hành. Nhiều nhà đầu tư EU vẫn gặp khó khăn khi làm việc với hệ thống hành chính của Việt Nam. Việc khai báo thuế, thủ tục thông quan, thủ tục đăng ký kinh doanh, cấp giấy phép và các thủ tục hành chính khác thường bị chậm trễ, kết quả xử lý hồ sơ không thể lường trước được… Điều này khiến các DN tốn nhiều nguồn lực cho các thủ tục hành chính mà đáng ra có thể sử dụng để phát triển các hoạt động kinh doanh trọng tâm của mình. Do đó, song song với việc chỉ ra những vướng mắc, bất cập mà các DN của EU đang hoạt động tại Việt Nam gặp phải, trong Sách trắng đồng thời nhấn mạnh một số kiến nghị mà Việt Nam cần phải vượt qua để cải thiện năng lực cạnh tranh, đặc biệt ở thời điểm các nước láng giềng đang thách thức lợi thế cạnh tranh của Việt Nam trong khu vực.

Ngay sau ngày Sách trắng 2017 được công bố, trong buổi tiếp Chủ tịch Eurocham, Đại sứ Bruno Angelet - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam và một số DN hàng đầu của châu Âu tại Việt Nam ngày 3/3, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh đã khẳng định: Sách Trắng 2017 là tài liệu tham khảo hữu ích cho các Bộ, ngành của Việt Nam. Nhân dịp này, Phó Thủ tướng đề nghị EuroCham và Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam tiếp tục đồng hành để các DN châu Âu ngày càng gắn kết với nền kinh tế Việt Nam và tăng cường các mạng lưới sản xuất kinh doanh liên kết chặt chẽ với cộng đồng DN Việt Nam.
Bài và ảnh: PHÚC KHANG