Hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ trong hoạt động xuất khẩu

Đầu tư - Ngày đăng : 14:22, 20/12/2019

(BKTO)- Hội nghị đối thoại “Hạn chế rủi ro về gian lận xuất xứ và phòng vệ thương mại trong hoạt động xuất khẩu” vừa được Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 19/12, tại Hà Nội, thu hút hơn 200 đại biểu đến từ các Bộ, ban, ngành trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng…


Tại Hội nghị, các chuyên gia nhận định, trong thời gian tới, các vụ điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ toàn cầu và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có ảnh hưởng đến Việt Nam từ các nước có thể tiếp tục gia tăng.
                
   

Quang cảnh Hội nghị- Ảnh: H.THOAN

   

Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Lê Triệu Dũng cho biết, các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia. Đây là những công cụ chính sách được Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cho phép để bảo vệ các ngành sản xuất trong nước tranh bị thiệt hại từ hàng hóa nhập khẩu.

Bối cảnh này đặt ra yêu cầu các doanh nghiệp Việt cần nhận thức đầy đủ về nguy cơ xảy ra các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại, điều tra gian lận xuất xứ hàng hóa. Đặc biệt, doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị để tránh ảnh hưởng bất lợi đối với hoạt động sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp cũng như của cả ngành hàng.

Do đó, Hội nghị được tổ chức nhằm giúp các doanh nghiệp Việt Nam có thêm thông tin, hiểu biết về các cam kết phòng vệ thương mại và những tác động của các biện pháp phòng vệ thương mại đối với hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
         
Ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương): “Hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp chỉ đem lại lợi ích nhất thời cho một vài doanh nghiệp có hành vi bất chính; làm tăng chi phí và nguồn lực của các doanh nghiệp chân chính để chứng minh sự tuân thủ; có nguy cơ cản trở xuất khẩu của Việt Nam; ảnh hưởng đến uy tín hàng xuất khẩu và giảm lợi ích mà Việt Nam có được từ các nỗ lực hội nhập kinh tế”.

Không dừng lại ở việc thảo luận về tác động, thách thức và những vấn đề đặt ra của các biện pháp phòng vệ thương mại và chống gian lận xuất xứ, tại Hội nghị, các chuyên gia, nhà quản lý và các đại biểu đã tập trung chia sẻ những kinh nghiệm ứng phó, tư vấn cho doanh nghiệp giải pháp chủ động phòng ngừa rủi ro, cũng như những kỹ năng phối hợp, hợp tác với cơ quan điều tra nếu có vụ việc xảy ra.
                
   

Hình: Bộ Công Thương- Nguồn số liệu: WTO

   

Ngoài những giải pháp từ phía doanh nghiệp, bà Trịnh Thị Thu Hiền (Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương) đề xuất, cần tăng cường công tác quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Một số biện pháp mà Cục Xuất nhập khẩu đã triển khai trong thời gian qua là chủ động kiểm tra, xác minh xuất xứ hàng hóa; phối hợp với cơ quan thẩm quyền của nước nhập khẩu; thường xuyên báo cáo cơ quan quản lý cấp trên và tích cực phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan.

Theo bà Nguyễn Phạm Như Hà (Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính), các cơ quan chức năng cũng cần thực hiện trao đổi, kết nối thông tin cấp Chứng nhận xuất xứ (C/O), cụ thể là giữa Bộ Công Thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam với cơ quan hải quan để thực hiện kiểm tra, đối chiếu nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo xuất xứ theo từng lô hàng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cần phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu của từng ngành hàng, xác định các mặt hàng xuất nhập khẩu có hiện tượng tăng đột biến, cũng như xác định doanh nghiệp có rủi ro cao gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp.

Cùng với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, bà Nguyễn Phạm Như Hà cho rằng, Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác quốc tế trong công tác đấu tranh, ngăn chặn gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp thông qua việc chủ động, sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với cơ quan hải quan, cơ quan điều tra các nước. Điều này cũng giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của các doanh nghiệp làm ăn chân chính./.

H.THOAN