Hàng loạt "thủ phạm" gây ô nhiễm không khí tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh

Đối nội - Ngày đăng : 15:32, 20/12/2019

(BKTO)- Tại cuộc họp với đại diện các Bộ, ngành, địa phương vào chiều 19/12, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà đã chỉ ra hàng loạt "thủ phạm" gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội và TP. HCM.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn: internet

   

Khí thải từ phương tiện giao thông, cơ sở sản xuất công nghiệp... là nguyên nhân gây ô nhiễm

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chất lượng không khí tại TP. Hà Nội được đánh giá từ số liệu tổng hợp tại 14 trạm quan trắc của Hà Nội, các trạm của Bộ TN&MT và tham khảo kết quả quan trắc từ các trạm tự động đặt tại Đại sứ quán Mỹ, Pháp. Tại TP. HCM, dù chưa có trạm quan trắc nhưng thời gian qua, cơ quan chức năng đã tiến hành quan trắc 10 lần với tần suất 2 ngày/lần để có căn cứ đánh giá hiện tượng ô nhiễm không khí. Trên cơ sở thống kê các trạm quan trắc, Tổng cục Môi trường đã đưa ra kết quả so sánh và đánh giá chất lượng không khí từ năm 2017 cho đến nay.

Theo đó, các chỉ số khác như SO2, CO2, NO gần như không tăng, có thời điểm chạm ngưỡng quy chuẩn cho phép, tuy nhiên, chỉ số bụi mịn PM2.5 ở cả 2 thành phố đều tăng và dao động trong các thời điểm từ 5-8 giờ sáng và từ 18-21 giờ tối, đặc biệt là thời điểm mùa khô, nghịch nhiệt. Thậm chí, có nơi, có thời điểm, nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp 3-4 lần quy chuẩn.

Từ số liệu tổng hợp tại các địa phương, ông Trần Hồng Hà cho biết, Bộ đã tổng kết, nhận diện các nguồn chung dẫn tới ô nhiễm không khí tại Hà Nội và TP. HCM như sau:

Trước hết, tình trạng ô nhiễm không khí là do khí thải từ số lượng lớn các phương tiện cơ giới tham gia giao thông tại 2 thành phố này (Hà Nội có hơn 770 xe ô tô và gần 5,8 triệu xe máy; TP. HCM có 700.000 ô tô và 7,5 triệu xe máy lưu thông hằng ngày, chưa tính các phương tiện giao thông từ các địa phương khác đi qua), trong đó, nhiều phương tiện cũ không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải.

Bên cạnh đó, cả 2 thành phố đều nằm trong đại công trường xây dựng, trong đó, riêng Hà Nội hiện có trên 1.000 công trình. Các công trường đang trong quá trình xây dựng, sửa chữa, xe chở vật liệu ra vào che chắn không kỹ, không rửa xe trước khi ra khỏi công trường. Đây cũng là nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.

Cùng với đó, nguồn gây ô nhiễm còn đến từ hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp có đốt nhiên liệu hóa thạch như: nhiệt điện, xi măng… đang hoạt động trên địa bàn. Theo thống kê, TP. HCM có hơn 900 cơ sở công nghiệp, sản xuất kinh doanh phát sinh bụi, khí thải.

Ngoài ra, ô nhiễm không khí tại Hà Nội còn do sự tác động sáp nhập địa giới hành chính trước đây. Thói quen đốt rơm rạ, phế thải nông nghiệp sau thu hoạch của nông dân vùng ngoại thành, tình trạng người dân Hà Nội sử dụng bếp than tổ ông để đun nấu hằng ngày cũng là nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí tại Thủ đô.

Cấp bách giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm không khí như hiện nay, trước mắt, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, không chỉ Hà Nội, TP. HCM mà các thành phố lớn trên cả nước phải có trách nhiệm tập trung nguồn lực và bằng mọi phương pháp huy động ngân sách, huy động lực lượng để duy trì các hệ thống quan trắc tự động, từ đó xác định chính xác về môi trường không khí, cung cấp ngày 2 lần cho người dân. Nếu tình trạng chất lượng không khí vượt quá quy chuẩn cho phép, các đơn vị liên quan phải khuyến cáo người dân những biện pháp bảo vệ thích hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Song song với đó, UBND các thành phố cần có các biện pháp cụ thể như: phun đường, điều tiết luồng giao thông, cảnh báo và nếu cần thiết thì phân luồng để giảm nguồn ô nhiễm đột biến; phân luồng các xe ngoại tỉnh, chia làn để không đi vào Hà Nội và TP. HCM, các xe đi vào 2 thành phố này phải có biện pháp che chắn, rửa xe để loại bỏ bụi bẩn…

Về vấn đề xây dựng tại khu vực nội đô, người đứng đầu Bộ TN&MT cho biết, sau cuộc họp, Bộ sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng đưa ra những văn bản quy định về bảo vệ môi trường để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm không khí do xây dựng gây ra.

Đặc biệt, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề nghị, UBND các thành phố cần có những chính sách hỗ trợ để người dân hạn chế sử dụng bếp than tổ ong với mục tiêu đến năm 2021, Hà Nội không sử dụng loại bếp này trong sinh hoạt hằng ngày; đồng thời, hỗ trợ bà con sau thu hoạch để không đốt rơm rạ; kiểm tra và giám sát những khu vực đốt rác thải, chất thải…

Về các giải pháp lâu dài, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho hay, thứ nhất, tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường và các luật có liên quan; chú trọng phòng ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; thiết lập các hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật môi trường, tiệm cận với tiêu chuẩn của các nước tiên tiến trên thế giới.

Thứ hai, đẩy mạnh lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với các phương tiện giao thông, áp dụng công cụ kinh tế để hạn chế việc sử dụng các phương tiện cũ, lạc hậu tại các khu vực đô thị. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM, lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải cần đẩy nhanh tiến độ hơn và mức cao hơn nhiều so với các tỉnh, thành phố khác, đồng thời, đầu tư cho các phương tiện giao thông công cộng chạy bằng năng lượng tái tạo; có lộ trình để tái cấu trúc lại một số ngành sử dụng năng lượng hoá thạch; quy hoạch lại điện năng để đưa năng lượng tái tạo, điện khí thay thế các nguồn năng lượng cũ theo đúng với xu hướng thế giới hiện nay.

Thứ ba, rà soát, đánh giá lại công tác quy hoạch tại các đô thị bảo đảm tính hợp lý, chú trọng quy hoạch cây xanh, mặt nước trong đô thị; trồng nhiều cây xanh tạo thành các vành đai xanh, khu phố xanh, thành phố xanh...

Người đứng đầu Bộ TN&MT còn cho biết, Bộ thường xuyên tổng hợp các kết quả quan trắc, đánh giá chất lượng không khí, đưa ra cảnh báo, khuyến nghị và đăng tải chính thức trên website của Tổng cục Môi trường tại địa chỉ vea.gov.vn. Bên cạnh đó, chỉ số chất lượng không khí tại các trạm quan trắc quốc gia cũng được Bộ cập nhật và công khai 24/24h tại địa chỉ cem.gov.vn. Cùng với đó, UBND TP. Hà Nội cũng thực hiện công bố và cảnh báo về chất lượng không khí tại địa chỉ moitruongthudo.vn. Đây là các nguồn thông tin chính thức từ các cơ quan có thẩm quyền về chất lượng không khí mà người dân có thể tham khảo./.

HỒNG NHUNG