Dân số Việt Nam tăng 10,4 triệu người trong 10 năm

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 16:09, 21/12/2019

(BKTO) –Sáng 19/12, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương tổ chức Hội nghị công bố kết quả chính thức và tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ - Trưởng ban chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương chủ trì hội nghị.


                
   

Hội nghị tổng kết tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019- Ảnh: dangcongsan.vn

   

Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 được tiến hành từ 0 giờ ngày 1/4/2019 theo Quyết định số 772/QĐ-TTg ngày 26/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Đây là cuộc Tổng điều tra dân số và nhà ở lần thứ 5 ở Việt Nam kể từ khi đất nước thống nhất vào năm 1975.

Theo kết quả chính thức Tổng điều tra dân số và nhà công bố, đến 0h ngày 1/4/2019, tổng số dân của Việt Nam là 96.208.984 người. Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 15 trên thế giới. Sau 10 năm, dân số Việt Nam tăng thêm 10,4 triệu người.

Tỷ trọng dân số từ 15-64 vẫn chiếm đa số, khoảng 68% tổng dân số, nhưng tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên đang tăng với tốc độ nhanh nhất, chiếm 7,7%. Tỷ lệ tăng dân số bình quân giai đoạn 2009-2019 là 1,14%/năm, giảm nhẹ so với giai đoạn 1999-2009 (1,18%/năm). Mật độ dân số là 290 người/km2, tăng 31 người/km2 so với năm 2009 và là quốc gia có mật độ dân số đứng thứ ba trong khu vực Đông Nam Á (sau Philippines và Singapore).

Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung dân cư lớn nhất của nước với 22,5 triệu người, chiếm 23,4%. Tây Nguyên là nơi có ít dân cư sinh sống nhất với 5,8 triệu người, chiếm 6,1%.

Dân số thuộc dân tộc Kinh là hơn 82 triệu người, chiếm 85,3%. Trong 53 dân tộc thiểu số, 6 dân tộc có dân số trên 1 triệu người là: Tày, Thái, Mường, Mông, Khmer, Nùng (trong đó dân tộc Tày có dân số đông nhất với 1,85 triệu người); 11 dân tộc có dân số dưới 5.000 người, trong đó Ơ Đu là dân tộc có dân số thấp nhất (428 người). Địa bàn sinh sống chủ yếu của người dân tộc thiểu số là vùng Trung du và miền núi phía Bắc và Tây Nguyên...

Qua kết quả điều tra cho thấy, quy mô dân số nước ta tăng với tốc độ chậm hơn so với giai đoạn 10 năm trước. Trình độ dân trí được cải thiện; sức khoẻ của người dân đặc biệt là sức khoẻ của bà mẹ và trẻ em được tăng cường; tỷ lệ người khuyết tật giảm; vấn đề giải quyết việc làm và nâng cao năng lực cạnh tranh cho người lao động được chú trọng...

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, với quy mô dân số trên 96,2 triệu người, tăng 10,4 triệu người trong vòng một thập kỷ qua, tỷ trọng dân số từ 65 tuổi trở lên tăng nhanh nhất (chiếm 7,7%), điều này phản ánh tốc độ già hóa dân số của Việt Nam tăng mạnh.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ "cơ cấu dân số vàng" với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi chiếm đa số, dân số có khả năng lao động đang chiếm tỷ trọng cao trong tổng dân số, dự báo Việt Nam sẽ kết thúc giai đoạn “cơ cấu dân số vàng” vào khoảng năm 2040.

“Điều này thôi thúc Chính phủ, các Bộ ngành về chủ trương vừa phải đồng thời thực hiện các chính sách thích ứng với già hóa dân số vừa cần tranh thủ tận dụng nguồn nhân lực "vàng" cho phát triển kinh tế tạo bứt phá để vượt bẫy thu nhập trung bình”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Đánh giá cao cố gắng, nỗ lực của các thành viên Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương; các bộ, ngành, địa phương; cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ nhiệt tình của Quỹ Dân số Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, việc ứng dụng thành công công nghệ thông tin trong một cuộc tổng điều tra quy mô lớn đã tạo được tiếng vang trên phạm vi quốc tế. Việt Nam là nước đầu tiên và duy nhất cho đến thời điểm hiện nay sử dụng thiết bị di động của điều tra viên thống kê cho công tác thu thập thông tin với nhiều chủng loại thiết bị khác nhau mà vẫn đem lại thành công với chi phí rẻ. Thành công này đã được các nước trên thế giới thừa nhận; đã có những nước đến Việt Nam để học tập kinh nghiệm (Sri Lanka, Nepal).
                
   

hó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương phát biểu tại hội nghị- Ảnh: dangcongsan.vn

   

Thành công của Tổng điều tra cũng được chia sẻ trên các diễn đàn trên thế giới như Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Ban Chỉ đạo vùng về thống kê dân số và xã hội, Hội nghị khu vực về chuẩn bị Tổng điều tra dân số chu kỳ 2020, Hội nghị khu vực về nâng cao năng lực sử dụng thiết bị di động trong điều tra quốc gia phục vụ các Mục tiêu phát triển bền vững…

Cho rằng Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 đã hoàn thành nhưng cái đích cuối cùng chưa kết thúc, còn phải biên soạn các báo cáo chuyên đề, phân tích đánh giá làm cho số thống kê “biết nói”, có giá trị gia tăng không chỉ cho đội ngũ cán bộ quản lý, lãnh đạo các cấp mà chính cho người dân, Phó Thủ tướng lưu ý, các cơ quan liên quan bảo quản, gìn giữ an toàn cơ sở dữ liệu này.

“Rủi ro của hệ thống thông tin là rủi ro có tính hệ thống, phải quản lý thật chặt, bảo vệ an toàn dữ liệu, để trên cơ sở dữ liệu đó, có phân tích, đánh giá các báo cáo chuyên đề, báo cáo với Đảng, Chính phủ, các cơ quan nhà nước, phục vụ các địa phương trong hoạch định chính sách, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng yêu cầu, trên cơ sở dữ liệu thống kê có được, Ban Chỉ đạo cần tiếp tục nghiên cứu điều chỉnh nhằm đảm bảo phát triển bền vững, tạo công bằng cho người dân. Để cung cấp chi tiết hơn thông tin phục vụ hoạch định chính sách, Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) cần tiếp tục khai thác số liệu Tổng điều tra dân số và nhà ở để biên soạn các báo cáo chuyên đề chuyên sâu của từng lĩnh vực như già hóa dân số, di cư và đô thị hóa, lao động việc làm, giáo dục và đào tạo, tận dụng thời kỳ “cơ cấu dân số vàng” để phát triển bứt phá, vượt bẫy thu nhập trung bình.

Dẫn các con số về số người ở độ tuổi từ 15-64 tuổi chiếm 68%, cứ có 1 người phụ thuộc thì có 2 người đi làm, nhưng tốc độ già hóa dân số rất nhanh, chỉ số già hóa 48,8%, tăng 13,3 điểm phần trăm so với 10 năm trước và tăng 2 lần so với 20 năm trước, là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trong khu vực, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, yếu tố dân số là rất quan trọng để phát triển đất nước, do đó, cần phân tích các vấn đề trên để vượt được ngưỡng thu nhập trung bình lên mức trung bình cao và thu nhập cao, khắc phục cho được tình trạng chưa giàu đã già.

Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) chủ trì tổng hợp dữ liệu tổng điều tra để cung cấp cho các tiểu ban chuẩn bị Văn kiện Đại hội Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XIII và 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để phục vụ đánh giá, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, 5 năm, 10 năm tại các địa phương.

Tổng cục Thống kê tính lại tỷ lệ GRDP cho các tỉnh; đồng thời, nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào áp dụng cách thức cập nhật số liệu dân số hàng năm từ cơ sở dữ liệu của Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, đảm bảo cung cấp dữ liệu về dân số hàng năm, tiết kiệm kinh phí và để 10 năm tới không cần thực hiện tổng điều tra dân số và nhà ở như hiện nay.

Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho 14 tập thể và 30 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019.

AN CHI (Tổng hợp)