Hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Đối nội - Ngày đăng : 08:10, 23/12/2019
(BKTO) - Theo mục tiêu Chính phủ đặt ra trong Đề án Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt đến năm 2020 phải chiếm hơn 30% trên tổng phương tiện thanh toán. Đến thời điểm này, chỉ còn một năm để thực hiện mục tiêu trên nhưng các chuyên gia cho rằng, Việt Nam vẫn đang là một trong những quốc gia có tỷ lệ thanh toán không tiền mặt thấp trong khu vực.
Xu hướng phát triển tất yếu
Thanh toán không dùng tiền mặt là một xu hướng ngày càng phát triển, đem lại sự thuận tiện trong hoạt động của DN, đời sống của người dân và góp phần thay đổi cách thức quản trị theo hướng minh bạch, hiện đại. Để hoàn thiện hành lang pháp lý, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn xã hội, Dự thảo Nghị định về thanh toán không dùng tiền mặt nhằm thay thế cho Nghị định số 101/2012/NĐ-CP (Nghị định 101) của Chính phủ đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi.
Sau nhiều nỗ lực đưa chủ trương, chính sách thanh toán không dùng tiền mặt dần đi vào cuộc sống, ông Lê Anh Dũng - Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước - cho biết, Nghị định 101 qua 6 năm triển khai đã ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống xã hội. Đây cũng là nền tảng pháp lý cho các hoạt động thanh toán và trung gian thanh toán để tạo điều kiện phát triển cho các loại hình mới như thanh toán điện tử, thanh toán di động... Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Nghị định 101 đã bộc lộ nhiều hạn chế, cần được bổ sung, chỉnh sửa để nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, ngăn chặn các rủi ro tiềm ẩn trong thanh toán, bảo vệ quyền của người tiêu dùng, bảo vệ dữ liệu khách hàng…
Thống kê cho thấy, trong 8 tháng năm 2019, giao dịch tài chính qua internet tại Việt Nam đạt trên 265 triệu món với tổng giá trị hơn 13 triệu tỷ đồng, tăng so với cùng kỳ năm 2018 lần lượt là 53,18% và 23,33%; giao dịch tài chính qua điện thoại di động đạt 246 triệu món với giá trị trên 2,4 triệu tỷ đồng, tăng lần lượt 110,92% và 147,31% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, theo Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương), mặc dù thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian qua đã có sự chuyển biến tích cực khi mà các giao dịch qua internet, di động tăng tới 238% về giá trị nhưng thực tế giao dịch tiền mặt vẫn chiếm ưu thế hơn (90% giao dịch vẫn là tiền mặt). Như vậy, có một sự phát triển chưa đồng bộ khi mà nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng phương tiện thanh toán số lại chậm.
Do đó, ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - nhận định, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương, chính sách quan trọng của Chính phủ. Khi Nghị định thay thế được ban hành sẽ tác động, ảnh hưởng lớn đến các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán, các DN thụ hưởng dịch vụ và đông đảo người dân. Đó cũng chính là lý do khi Dự thảo Nghị định được đưa ra lấy ý kiến đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm chú ý của cộng đồng DN và xã hội.
Quy định mới cần đảm bảo tính hiệu lực và đồng bộ
Dự thảo Nghị định gồm 7 chương, 44 điều, thể hiện các chính sách mới về đồng bộ pháp lý về tiền điện tử, quản lý các hoạt động thanh toán xuyên biên giới, cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản, hoạt động đại lý thanh toán, hoàn thiện quy định về dịch vụ trung gian thanh toán, đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực trung gian thanh toán.
Góp ý vào Dự thảo, ông Nguyễn Thanh Hưng - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử - cho rằng, để phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, cần thiết phải có vốn đầu tư nước ngoài, vì đây là lĩnh vực có nhiều rủi ro, trong khi nguồn vốn trong nước chưa sẵn sàng. Tuy nhiên, Dự thảo đề xuất quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực trung gian thanh toán không quá 49% có thể vi phạm các cam kết quốc tế của Việt Nam tại WTO, Hiệp định CPTPP.
Đồng quan điểm, ông Phùng Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính - cho biết, hiện nay, trung gian thanh toán ước tính chiếm đến 90% hoạt động và giá trị của công nghệ tài chính (fintech), nên hạn chế đầu tư sẽ có ảnh hưởng đến toàn bộ lĩnh vực fintech. Cơ quan soạn thảo cho rằng, bản chất của hoạt động “trung gian thanh toán” đã được bao gồm trong lĩnh vực được cam kết là dịch vụ thanh toán.
Một số chuyên gia luật cũng chỉ ra rằng, quy định về Hiệu lực hồi tố tại Điều 42 của Dự thảo cũng trái với Điều 74 Luật Đầu tư, đồng thời trái với các cam kết bảo hộ đầu tư trong các hiệp định thương mại.
Nếu Chính phủ hoặc nhà đầu tư nước ngoài khởi kiện, quyền diễn giải điều ước và áp dụng quy định sẽ thuộc về cơ quan tài phán hoặc trọng tài đầu tư, chứ không thuộc về phía Việt Nam. Nếu thua kiện, chúng ta có thể đối mặt với hậu quả tốn kém và dư luận tiêu cực - ông Phùng Anh Tuấn nhận định.
Đề cập đến một số nội dung của Dự thảo Nghị định liên quan đến điều kiện kinh doanh, có ý kiến cho rằng, nhiều điều kiện kinh doanh còn chưa cụ thể, rõ ràng và không dễ tiên liệu. Điều này sẽ dẫn đến những khó khăn cho DN khi áp dụng trong thực tiễn. Bà Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư) góp ý: Dự thảo cần hoàn thiện thêm để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động của DN, nhất là những quy định đối với DN cung cấp dịch vụ thanh toán không qua tài khoản hay đại lý thanh toán.
Đại diện của một số DN cung ứng dịch vụ thanh toán điện tử (Zalo Pay, MoMo, Payoo…) cùng đề xuất, cần có các quy định thống nhất về điều kiện kinh doanh cho các loại hình tiền điện tử khác nhau, giảm thiểu tối đa những khúc mắc, hạn chế gây khó cho DN, cũng như ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các DN.
PHÚC KHANG