Xếp hạng doanh nghiệp ngành vận tải và logistics: Lộ diện nhiều thách thức trong cạnh tranh
Đầu tư - Ngày đăng : 22:10, 23/12/2019
(BKTO) - Trong Bảng xếp hạng Top 10 Công ty uy tín ngành vận tải và logistics uy tín năm 2019 được công bố ngày 23/12, Tổng Công ty cổ phần Bưu chính Viettel, Tổng Công ty cổ phần Vận tải Dầu khí và Tổng Công ty Hàng không Việt Nam là 3 tên tuổi lần lượt dẫn đầu các danh sách Top 10 Công ty uy tín nhóm ngành giao nhận, kho bãi và chuyển phát; Top 10 Công ty uy tín nhóm ngành vận tải hàng hóa và Top 5 Công ty uy tín nhóm ngành vận tải hành khách.
Kết quả Bảng xếp hạng cụ thể như sau:
Nguồn: Vietnam Report |
Cùng với việc công bố Bảng xếp hạng trên, Vietnam Report đã đưa ra nhiều kết quả khảo sát đáng chú ý.
Thị trường hấp dẫn với tiềm năng tăng trưởng cao
Hiện tại ở Việt Nam có khoảng trên 4.000 công ty vận tải và logistics cung cấp dịch vụ đa dạng và toàn diện từ khâu làm thủ tục vận chuyển hàng hóa cho đến khâu đóng thuế hay thanh toán…; trong đó 88% là doanh nghiệp trong nước, 10% doanh nghiệp liên doanh và 2% là doanh nghiệp nước ngoài, tập trung chủ yếu ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Vận tải và Logistics nội địa còn thấp so với doanh nghiệp FDI. Mặc dù số lượng doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực này ít hơn nhưng chiếm tới 70-80% thị phần. Dịch vụ mà các doanh nghiệp kinh doanh logistics Việt Nam cung ứng chủ yếu là các dịch vụ cơ bản, hoặc cung cấp từng dịch vụ đơn lẻ, cạnh tranh về giá là chủ yếu, ít giá trị gia tăng, thường chỉ đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty nước ngoài như dịch vụ kho bãi, vận tải hàng hóa, giao nhận hàng hóa, bốc xếp, dịch vụ phân loại, đóng gói bao bì, lưu kho...
Theo WB, Chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) của Việt Nam đang xếp ở vị trí 39/160, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016, với điểm số LPI được cải thiện đáng kể ở tất cả các chỉ số, đặc biệt là nhóm năng lực và chất lượng dịch vụ từ 2,88 điểm lên 3,4 điểm. Kết quả này đạt được nhờ những nỗ lực trong việc đơn giản hóa thủ tục hải quan, ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống hạ tầng. |
Tuy nhiên, với tiềm năng tăng trưởng cao, trong khi khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước hạn chế, các chuyên gia cho rằng, đây là cơ hội lớn cho nhiều doanh nghiệp nước ngoài tham gia vào thị trường logistics Việt Nam thông qua hình thức M&A để tận dụng mạng lưới sẵn có, cùng nguồn khách hàng và kinh nghiệm vận hành nội địa. Trong năm 2019, đã có nhiều thương vụ M&A trị giá hàng triệu USD, như Tập đoàn Symphony International Holdings (Singapore) mua cổ phần của Công ty Giao nhận và Vận chuyển Indo Trần (ITL Corp) từ Singapore Post với giá 42,6 triệu USD; SSJ Consulting đã chi gần 40 triệu USD để mua 10% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết đang lưu hành của Gemadept.
Hoạt động M&A là cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước học tập kinh nghiệm quản lý, chuyển giao công nghệ, tối ưu hóa chi phí logistics từ các doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trên thế giới, nhưng cũng tạo ra nhiều thách thức đòi hỏi doanh nghiệp phải cải tiến và đổi mới để tối ưu hóa hoạt động.
Doanh nghiệp phải ứng phó với nhiều thách thức
Để tồn tại và trụ vững trong cạnh tranh, 72,73% doanh nghiệp cho rằng cần ưu tiên nâng cao chất lượng dịch vụ logistics, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kinh doanh, xây dựng chính sách giá cả cạnh tranh. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần nâng cao độ tin cậy (chiếm 63,63%), sự đúng hạn của các lo hàng khi tới điểm đích (45,45%), độ đáp ứng (45,45%), chính sách hỗ trợ khách hàng và xây dựng thương hiệu (36,36%) và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (18,18%).
Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp ngành Vận tải và Logistics phát triển, gồm: khắc phục những yếu kém của cơ sở hạ tầng; cung ứng nguồn lao động được đào tạo chuyên sâu; tiếp tục cải cách thể chế, chính sách; đơn giản hóa thủ tục hành chính và giảm chi phí logistics.
Nguồn: Vietnam Report |
Nguồn nhân lực logistics của Việt Nam hiện nay không những thiếu về số lượng mà còn yếu về chất lượng, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao ở cấp độ nhà quản lý, các chuyên viên logistics giỏi, hiểu biết luật pháp quốc tế, có năng lực ứng dụng và triển khai tại các doanh nghiệp. Trong số các doanh nghiệp trong nước, có tới 93-95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành logistics, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn... Điều này làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng dịch vụ cũng như tăng lợi nhuận của các doanh nghiệp, theo đó có 63,64% doanh nghiệp khảo sát lựa chọn thiết hụt nguồn nhân lực chất lượng là thách thức phát triển với ngành Vận tải và Logistics.
Mặc dù Chính phủ đã có nhiều chính sách đột phá để hỗ trợ, tạo điều kiện cho ngành vận tải và logistics phát triển, tuy nhiên vẫn có tới 54,55% doanh nghiệp đánh giá còn nhiều bất cập, chẳng hạn như chính sách về xuất nhập khẩu, thông quan hàng hóa còn khá chặt chẽ, gây nhiều khó khăn, Nghị định hướng dẫn chưa rõ ràng khiến cho các doanh nghiệp mới để làm quen được gặp nhiều lúng túng, điều đó làm chậm đi nhịp phát triển của ngành logistics.
PHÚC KHANG