“Hút” DN đầu tư vào Tây Nguyên

Đầu tư - Ngày đăng : 10:25, 21/05/2015

(BKTO) - Tiếp nối thành công hai Hội nghị trước, Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3 năm2015 do Ban Chỉ đạo Tây Nguyên phối hợp với Ngân hàng Nhà nước (NHNN),Uỷ ban nhân dân (UBND) tỉnh Lâm Đồng tổ chức ngày 17/5 vừa qua là dịp để các tỉnh, thành mời gọi, khuyến khích DNđẩy mạnh đầu tư vào khu vực, khai thác triệt để các tiềm năng, thế mạnh trongvùng, góp phần tạo ra diện mạo phát triển mới cho vùng đất Tây Nguyên.



Các ngân hàng ký kết hỗ trợ tín dụng đầu tư vào Tây nguyên tại Hội nghị.Ảnh: T.S
Đầu tư vào Tây Nguyên chưa tương xứng với tiềm năng của khu vực

Tây Nguyên là một trong sáu vùng kinh tế lớn của nước ta, trong đó kinh tế nông nghiệp đóng vai trò mũi nhọn. Mặc dù có nhiều lợi thế song việc thu hút các DN, các nhà đầu tư vào Tây Nguyên vẫn chưa xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của khu vực.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT), cơ cấu nguồn vốn đầu tư vào Tây Nguyên chưa hợp lý. Dòng vốn chảy vào Tây Nguyên vẫn chủ yếu là vốn NSNN, trái phiếu Chính phủ, vốn BT (xây dựng - chuyển giao), BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong khi đó vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức), FDI (đầu tư trực tiếp nước ngoài) và đầu tư của DN trong nước chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với cả nước xét trên 2 tiêu chí: số dự án và số vốn đầu tư. Cụ thể, tính lũy kế đến 31/12/2014đã có tổng số 148dự án FDIđầu tưvào các tỉnhkhu vực Tây Nguyênvới tổng vốn đăng ký 819 triệuUSD. Bình quân một dự án là 5,5 triệu USD, thấp hơn so với bình quân một dự án nước ngoài đầu tư tại Việt Nam là 14,2 triệu USD. Bên cạnh đó, số liệu thống kê của NHNN cũng cho thấy trong 3 năm gần đây dù tăng trưởng huy động của khu vực lên đến 16%/năm nhưng nguồn vốn huy động tại chỗ chỉ mới đáp ứng được khoảng 57% nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế trên địa bàn.

Một trong những nguyên nhân của hạn chế trên đã được chỉ ra trong báo cáo của Bộ KH&ĐT là do Tây Nguyên chưa có một quy hoạch tổng thể làm căn cứ cho việc chủ động thu hút và sử dụng nguồn vốn ODA. Việc bố trí vốn đối ứng còn thiếu hoặc chưa kịp thời và tâm lý dựa vào vốn đối ứng từ hỗ trợ của ngân sách T.Ư vẫn còn nặng. Hoạt động xúc tiến đầu tư còn dàn trải, phân tán nguồn lực, chưa tập trung vào các đối tác, lĩnh vực trọng điểm, chưa có sự thống nhất điều phối để đảm bảo sự thực hiện đúng mục tiêu thu hút ODA và FDI trên từng địa bàn, từng đối tác.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên lần thứ 3, ông Trần Việt Hùng - Phó Trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên, cũng cho rằng: Trong nhiều năm qua, thu hút đầu tư của Tây Nguyên chưa tương xứng bởi lẽ các nhà đầu tư vừa làm vừa thăm dò. Nhiều yếu tố khiến các nhà đầu tư băn khoăn như: hệ thống đường giao thông của Tây Nguyên chưa hoàn thiện khiến việc đi lại rất khó khăn; khi phát triển dự án, nguồn nhân lực tại chỗ cơ bản chưa đáp ứng được mong muốn của nhà đầu tư.

Để DN, ngân hàng đồng hành cùng Tây Nguyên

Tây Nguyên được biết đến là thủ phủ của nhiều sản phẩm nông nghiệp như cà phê, cao su, hạt điều và nhiều thế mạnh khác. Song để khắc phục những hạn chế trên và khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng vốn có, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, Tây Nguyên cần được chia sẻ thêm những bài học kinh nghiệm về thu hút đầu tư của các DN trong và ngoài nước.

Đại diện tỉnh Lâm Đồng cho rằng, thực tiễn cho thấy để thu hút đầu tư có hiệu quả, chính quyền địa phương phải cam kết đồng hành cùng nhà đầu tư và DN bằng cách kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi tối đa về đất đai, tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo các chính sách ưu đãi đầu tư theo quy định của Chính phủ và minh bạch hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, gia nhập thị trường. Chỉ như vậy, DN mới có thể đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm đưa dự án đi vào hoạt động.

Một điểm yếu của Tây Nguyên cũng được các đại biểu chỉ ra đó là khâu liên kết. Lâu nay, chúng ta vẫn nói đến liên kết 4 nhà: nhà nông, nhà DN, nhà bank (ngân hàng), nhà khoa học nhưng theo ông Trương Việt Hùng, hình thức liên kết tốt nhất đối với Tây Nguyên hiện nay vẫn là DN phải liên hệ ngay với hợp tác xã và chính hợp tác xã sẽ liên kết với các hộ để tạo điều kiện cho nông nghiệp phát triển. Sẽ khó tìm được mô hình nào tốt như vậy trong điều kiện của Tây Nguyên với đặc điểm phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số canh tác. Còn theo ông Okura Fumihiko - Phó đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Việt Nam, đầu tư Tây Nguyên phải có cách tiếp cận theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, phân phối, marketing, bán hàng với sự tham gia mạnh mẽ của DN và ngân hàng cùng nông dân thông qua các mô hình hiện đại.

Cũng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên vừa qua, nhiều lời hứa với Tây Nguyên thêm một lần nữa được đại diện các Bộ, ngành, các DN nhấn mạnh. Trong đó đáng lưu ý là việc Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cam kết chỉ đạo ngành Ngân hàng tiếp tục chủ động triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp về tiền tệ, tín dụng nhằm thúc đẩy các hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của các DN, phát huy có hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh của các địa phương trong khu vực.

Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư Tây Nguyên năm 2015, các ngân hàng cam kết cho vay trung và dài hạn với số tiền khoảng 15.000 tỷ đồng để hỗ trợ đầu tư tập trung vào các lĩnh vực thế mạnh của khu vực. Hội nghị còn chứng kiến lễ trao Quyết định đầu tư của 5 tỉnh Tây Nguyên cho 13 DN thực hiện 13 dự án tiêu biểu tại các tỉnh với tổng mức đầu tư trên 16.600 tỷ đồng; lễ ký kết hợp đồng đầu tư vốn và thỏa thuận hợp tác của 8 ngân hàng thương mại với 17 DN thực hiện 16 dự án.

MAI NGỌC