Hai nghề “ độc lạ” ở Cà Mau được công nhận Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia
Xã hội - Ngày đăng : 20:05, 24/12/2019
(BKTO) - Chiều 23/12, ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau công bố hai nghề truyền thống của địa phương là gác kèo ong ở huyện U Minh và huyện Trần Văn Thời cùng nghề muối ba khía ở huyện Ngọc Hiển vừa được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.
Hai nghề độc đáo chỉ có ở Cà Mau
Nghề gác kèo ong tại vùng rừng U Minh Hạ xuất hiện từ khá lâu. Ban đầu chỉ là các hoạt động riêng lẻ, sau được phát triển dần và hình thành thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm gắn hoạt động kinh tế với trách nhiệm bảo vệ và phát triển rừng, đảm bảo chất lượng và uy tín sản phẩm mang thương hiệu mật ong U Minh Hạ.
Thu hoạch ong ở rừng U Minh Hạ - Ảnh: Internet |
Mùa “ăn nên làm ra” của người làm nghề gác kéo ong chủ yếu vào mùa khô, vì chất lượng mật lúc này là nguyên chất nhất, không bị ảnh hưởng bởi nước mưa nên giá thành mật khá cao, khoảng từ 500-800 ngàn đồng/lít. Mật ong U Minh Hạ lâu nay có tiếng trên thị trường vì hàm lượng dinh dưỡng cao, được ưu tiên dùng làm thuốc hay bồi bổ sức khỏe cho người suy nhược…
Đối với nghề muối ba khía lại tập trung nhiều tại các huyện Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi và Phú Tân, đặc biệt là tại huyện Ngọc Hiển. Ba khía thuộc dòng cua, sinh sản và sống tự nhiên dưới chân rừng ngập mặn, thức ăn chủ yếu từ phù du đất bồi phù sa nên thịt rất chắc, ngọt.
Món ba khía muối hay còn gọi là mắm ba khía mang đầy đủ nét đặc trưng về văn hóa ẩm thực của vùng đất phương Nam. Ngày xưa, để có thực phẩm sử dụng lâu ngày, người dân tiến hành muối ba khía bằng muối hột cùng nhiều gia vị đặc biệt, tạo ra cách làm mang bản sắc riêng của địa phương.
Ba khía muối được chế biến thành món ăn - Ảnh: Internet |
Nghề gác kèo ong hay nghề muối ba khía không những khai thác lợi thế địa phương, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, mà còn lưu giữ nét văn hóa truyền thống của làng nghề mang tính đặc trưng vùng đất Nam Bộ và chỉ riêng biệt có ở xứ rừng Cà Mau.
Tạo đà để tỉnh tiếp tục phát huy các giá trị văn hóa
Ông Nguyễn Văn Tình (người dân huyện Ngọc Hiển) cho biết, ông và các hộ làm nghề muối ba khía ở địa phương rất phấn khởi khi biết tin nghề được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. "Tôi sẽ tiếp tục gắn bó và truyền nghề muối ba khía lại cho con cháu để cùng gìn giữ và phát triển làng nghề cho thế hệ mai sau"- ông Tình phấn khởi nói.
Ông Trần Hiếu Hùng- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau - đánh giá, tỉnh Cà Mau có lợi thế riêng biệt được đánh giá là giàu tiềm năng về phát triển du lịch. Trong thời gian tới, sở sẽ tổ chức lễ công nhận quyết định di sản đối với hai nghề truyền thống trên. Ngoài ra, sẽ tiếp tục bảo tồn, gìn giữ, trao truyền các kỹ năng của nghề kết hợp với phát triển du lịch để tạo sinh kế cho người dân.
Trước đó, UBND tỉnh Cà Mau đã có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Để thực hiện kế hoạch trên, Cà Mau dự chi khoảng 3,7 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách cấp tỉnh là 2,5 tỉ đồng, cấp huyện 550 triệu đồng và xã hội hóa 550 triệu đồng.
Đến nay ngành chức năng Cà Mau đã lập hồ sơ trình Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với các nghề di sản như: Lễ hội nghinh Ông-Sông Đốc (năm 2020), Lễ hội Đền thờ Vua Hùng (năm 2021), Nghề truyền thống làm tôm khô (năm 2022), Lễ vía Bà Thủy Long (năm 2023), Lễ vía Bà Thiên Hậu (năm 2024).
AN CHI (Tổng hợp)