Để thị trường chứng khoán thực sự trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn

Đầu tư - Ngày đăng : 10:30, 21/05/2015

(BKTO) - Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) và Côngty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) vừa tổ chức Hội thảo “Vai trò của thị trường chứngkhoán trong nền kinh tế”. Hội thảo nhằm tái khẳng định vai trò của thị trườngchứng khoán (TTCK) trong nền kinh tế đồng thời đề xuất các giải pháp phát triểnthị trường để TTCK nói riêng và thị trường vốn nói chung thực sự đóng vai tròlà kênh huy động vốn trung, dài hạn chính và chủ yếu cho phát triển kinh tế.



TTCK Việt Nam hiện chưa đáp ứng được vai trò là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. Ảnh: T.S
Ông Trần Đắc Sinh - Chủ tịch Hội đồng quản trị HOSE cho biết, TTCK được thành lập nhằm xây dựng một kênh huy động vốn trung và dài hạn để phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay trên HOSE có 300 công ty niêm yết với giá trị vốn hóa trên dưới 1 triệu tỷ đồng, tương đương khoảng 25% GDP; gần 90 công ty chứng khoán, hơn 1,6 triệu tài khoản nhà đầu tư và giá trị giao dịch bình quân gần 2.100 tỷ đồng/ngày (trong năm 2014). Bình quân các công ty niêm yết đã tăng gấp đôi quy mô về vốn điều lệ sau khi niêm yết, một số công ty có mức tăng vốn điều lệ trên 15 lần; TTCK phát triển đã góp phần thúc đẩy tiến trình cổ phần hóa DNNN. Tính từ cuộc đấu giá DNNN đầu tiên năm 2005 được tổ chức tại HOSE đến nay đã có hơn 350 DN bán đấu giá qua Sở, thu về hơn 70 nghìn tỷ đồng cho NSNN, trong đó có các Tổng công ty và Tập đoàn lớn như: Bảo Việt, Đạm Phú Mỹ, Vinamilk, Vietnam Airline, Vinatext, Vietcombank…

Ông Nguyễn Thành Long - Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết thêm: 15 năm qua, TTCK đã giúp hệ thống ngân hàng tăng vốn từ 20,6 ngàn tỷ đồng lên 270 ngàn tỷ đồng (tăng hơn 10 lần). Ngoài ra còn hỗ trợ thị trường tiền tệ cung ứng vốn cho DN.

Tại Hội thảo, ông Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết: Vốn ngắn hạn từ ngân hàng hiện chiếm tới 80% dòng tiền vào chứng khoán, gây mất cân đối trong huy động và sử dụng vốn. Theo tính toán của Ủy ban, riêng năm 2011, vốn ngân hàng chảy sang chứng khoán ở cả kênh chính thức và không chính thức đều rất cao. Riêng con đường không chính thức theo dạng liên doanh đầu tư giữa ngân hàng và công ty chứng khoán lên đến hơn 50.000 tỷ đồng. Điều này gây rủi ro rất lớn cho hệ thống tài chính ngân hàng. Một TTCK dựa chủ yếu vào dòng vốn ngân hàng là yếu kém, rủi ro. Vì vậy quá trình tái cấu trúc TTCK là nhiệm vụ quan trọng, ảnh hưởng đến phát triển của cả nền kinh tế. Ông Ngoạn cho rằng, Việt Nam nên đẩy nhanh quá trình mở rộng room, nới tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, vấn đề này cũng cần lộ trình và thời gian, trước mắt nên mở rộng room ở một số ngành lên dần từ 49% lên 60%.

Từ góc nhìn của người trong cuộc, ông Trần Đắc Sinh cũng đồng tình với những nhận định của ông Vũ Viết Ngoạn về việc thị trường tiền tệ Việt Nam vẫn đóng vai trò chủ đạo và quan trọng trong việc huy động vốn cho nền kinh tế. Bên cạnh những nguyên nhân mang tính lịch sử như thói quen gửi tiết kiệm của nhà đầu tư, sự phát triển lâu đời của hệ thống ngân hàng…, ông Sinh cho rằng cần nhìn nhận những hạn chế của TTCK khi các công cụ đầu tư, giao dịch và phòng ngừa rủi ro trên thị trường vẫn còn hạn chế, quy mô thị trường tuy có sự tăng trưởng đáng kể nhưng vẫn chưa đủ lớn trong mối tương quan với các thị trường trong khu vực, thanh khoản thị trường chưa đủ sâu, các quy định về sở hữu nhà đầu tư nước ngoài đã hạn chế sự tham gia của các đối tượng này vào thị trường. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại là TTCK nói riêng và thị trường vốn nói chung chưa được đánh giá đúng vai trò là kênh huy động vốn trung, dài hạn chính và chủ yếu cho phát triển kinh tế; là nơi kết nối giữa nhu cầu huy động vốn dài hạn với nhu cầu đầu tư dài hạn, là nơi cung cấp các cơ hội đầu tư khác nhau, cũng là nơi hội nhập quốc tế và thực thi các chính sách phát triển của Nhà nước.

TS Trần Du Lịch cho rằng, quy mô của TTCK Việt Nam mới chỉ khoảng 60 tỷ USD là một con số khiêm tốn, chưa đáp ứng được vai trò là kênh huy động vốn cho nền kinh tế. Theo ông Lịch, Việt Nam có thể phát triển TTCK ngang tầm, thậm chí có quy mô lớn hơn TTCK Singapore (hiện gấp khoảng 6 lần Việt Nam) hay Philippines (hiện gấp 2 lần Việt Nam). Để thúc đẩy TTCK Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa, cần nhanh chóng lập danh mục 3-4 ngành thiết yếu mà Nhà nước phải nắm giữ cổ phần chi phối, còn lại để tư nhân nắm giữ nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và tăng năng lực cạnh tranh. Ông Lịch khuyến cáo: “Kể cả nắm cổ phần chi phối, Nhà nước cũng chỉ nên nắm tối đa 65% thay vì 80-90% hoặc thậm chí hơn như hiện nay. Đồng thời phải khuyến khích lên sàn chứng khoán bằng cách giảm thuế cho DN nào tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán”.

PHƯƠNG LÊ