Giải bài toán nguồn cung gỗ nguyên liệu

Xã hội - Ngày đăng : 11:10, 21/05/2015

(BKTO) - Năm 2014, kimngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ của Việt Nam đạt 6,23 tỷ USD, nằm trong 5 mặthàng đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất của năm. Đến nay, các sản phẩm gỗ củaViệt Nam đã có mặt tại 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, biến Việt Nam thành mộttrong những trung tâm chế biến gỗ của thế giới. Tuy nhiên, nguồn cung gỗ nguyênliệu của nước ta vẫn phụ thuộc rất lớn vào nước ngoài, điều này có thể gây ảnhhưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của ngành.



Phần lớn các DN gỗ phải nhập khẩu gỗ nguyên liệu để gia công làm hàng xuất khẩu. Ảnh: T.K
Phụ thuộc lớn vào nhập khẩu

Phát biểu tại buổi đối thoại "Vai trò của gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong ngành chế biến gỗ Việt Nam và hướng đi nào cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu” mới đây, ông Tô Xuân Phúc - chuyên gia của Tổ chức Forest Trends cho biết: Trong năm 2014, Việt Nam phải nhập khẩu 2 triệu m3 gỗ xẻ và 1,4 triệu m3 gỗ tròn từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng giá trị nhập khẩu đạt 1,72 tỷ USD, tương đương với khoảng 27,5% so với tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ và các mặt hàng gỗ của Việt Nam trong cùng năm (6,23 tỷ USD).

Cụ thể, với sản phẩm gỗ tròn, lượng nhập từ 10 quốc gia có nguồn cung lớn nhất cho Việt Nam là 1,15 triệu m3. Trong đó, nhập khẩu từ các quốc gia có tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu cao như Hoa Kỳ (khoảng 61.600 m3), Đức (khoảng 57.000 m3). Bên cạnh đó, Việt Nam vẫn nhập khẩu một lượng lớn gỗ tròn từ các quốc gia có tính hợp pháp của gỗ nguyên liệu thấp, bao gồm Lào 308.600 m3 (đứng đầu trong 10 quốc gia có lượng cung lớn nhất) và Myanma là 84.300 m3 (đứng thứ 5)…

Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đàm phán quy định về thành phần giá trị khu vực, khi đó một sản phẩm cần có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 55% tổng giá trị. Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất không được nhập khẩu nhiều hơn 45% nguyên vật liệu từ các quốc gia không phải là thành viên TPP để chế tạo, sản xuất, bao gồm cả chi phí chế biến. Đây là những quy định đáng lo ngại với lĩnh vực sản xuất gỗ Việt Nam do phục thuộc quá lớn vào nguồn gỗ nguyên liệu nhập khẩu sẽ khó đáp ứng được yêu cầu về tỷ lệ nội địa hóa.

Cùng với đó, phát biểu tại Hội nghị thường niên Đối tác Lâm nghiệp năm 2015 mới đây, Phó Chủ tịch Hội Chế biến gỗ và Mỹ nghệ TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Hạnh cũng cho rằng, các DN xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ Việt Nam đang phải đối mặt với việc gia tăng xu hướng bảo hộ của Chính phủ các nước đối tác. Cụ thể, theo các quy định của Hiệp định Đối tác song phương về quản trị rừng và thương mại lâm sản (FLEGT), sản phẩm gỗ xuất khẩu sang EU phải có chứng nhận chuỗi hành trình sản phẩm, không được trộn lẫn các sản phẩm gỗ hợp pháp và chưa được xác minh. Nhưng trên thực tế, phần lớn DN chế biến gỗ nước ta thường mua gỗ của dân, không lưu lại hồ sơ; giấy tờ mua bán nếu có thì chỉ là giấy viết tay, không đầy đủ căn cứ pháp lý.

Tập trung xây dựng vùng nguyên liệu

Trước những thách thức đó, các chuyên gia kinh tế khẳng định, để phát triển bền vững, ngay từ bây giờ, các DN ngành gỗ cần phải tập trung đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu; tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước; đặc biệt chú trọng đổi mới công nghệ sản xuất, nâng cấp chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm tinh…

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp Nguyễn Bá Ngãi cho rằng, DN cần bám sát Đề án tái cơ cấu ngành, quản lý bền vững và có hiệu quả tổng diện tích 8,4 triệu ha rừng sản xuất được quy hoạch; tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ trồng rừng, thu mua nguyên liệu, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; xây dựng các vùng nguyên liệu gỗ tập trung ở vùng Đông Bắc, Bắc Trung bộ và Duyên hải Nam Trung bộ để cung cấp nguyên liệu gỗ nhỏ cho các khu vực gần nhà máy và cung cấp nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến gỗ tại địa phương và khu vực lân cận. Đồng thời, các DN nên tập trung phát triển sản phẩm có ưu thế cạnh tranh cao như đồ gỗ nội thất, đồ gỗ ngoài trời, đồ mộc mỹ nghệ và sản phẩm mây tre; xây dựng hệ thống phân phối sản phẩm có hiệu quả đối với cả thị trường trong và ngoài nước.

Một số chuyên gia lại cho rằng, trong nền kinh tế hội nhập toàn cầu, mỗi quốc gia có thể chỉ đóng vai trò trong những khâu nhất định của chuỗi cung cấp. Do vậy, phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu không nhất thiết phản ánh tính không bền vững trong phát triển của ngành. Vấn đề quan trọng là làm thế nào để có cơ chế hiệu quả nhằm đảm bảo tính hợp pháp của nguồn gỗ nhập khẩu, từ đó giảm rủi ro cho các DN khi tham gia chuỗi cung toàn cầu. Như vậy, nếu nhìn ở khía cạnh này, việc phải tuân thủ những quy định của FLEGT sẽ giúp ngành gỗ Việt Nam duy trì và mở rộng thị trường cho sản phẩm gỗ tại EU, nâng cao hình ảnh quốc gia và thương hiệu cho ngành công nghiệp gỗ Việt Nam.

THANH TÙNG