Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020: Vĩnh Phúc nỗ lực đạt nhiều mục tiêu quan trọng
Xã hội - Ngày đăng : 14:50, 22/10/2019
(BKTO) - Tỉnh Vĩnh Phúc xác định, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010 -2020 là Chương trình kinh tế - xã hội lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo các địa phương trong cả nước triển khai thực hiện; có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự tham gia của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; tổ chức bộ máy chỉ đạo được thành lập từ T.Ư đến cơ sở.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan kiểm tra việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới
Trước khi có chủ trương về xây dựng nông thôn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020; Hội đồng nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Ủy ban nhân dân tỉnh cụ thể hóa việc thực hiện bằng các chương trình, kế hoạch, đề án, quyết định. Do đó, khi triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới đã được kế thừa kết quả sau hơn 4 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 03-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, như: cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư, nâng cấp, nhiều tiêu chí nông thôn mới của các xã đã đạt chuẩn hoặc cơ bản đạt chuẩn ở giai đoạn này.
Ngoài ra, trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới luôn có sự quan tâm, chỉ đạo thường xuyên, sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh; sự phối hợp của các cấp, các ngành, các địa phương và sự đồng thuận, hưởng ứng tích cực của nhân dân trong tỉnh.
Đ/c Nguyễn Văn Trì - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc - trao Cờ thi đua xuất sắc của UBND tỉnh cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”
Sau 10 năm tích cực triển khai thực hiện, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Với nguồn vốn huy động hơn 12.800 tỷ đồng, tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp hơn 528 km đường từ trung tâm xã đến đường huyện, 724 km đường trục thôn, ngõ xóm, 716 km đường trục chính nội đồng; 100% kênh loại I, II và 97% kênh loại III được kiên cố hóa, trên 300 công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập được đầu tư cải tạo, nâng; xây mới thêm 1.096 phòng học kiên cố. Đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh có 98,2% trung tâm văn hóa xã và 99,2% nhà văn hóa thôn đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,11%; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 80 triệu đồng/người/năm; 89,3% người dân tham gia bảo hiểm y tế. Đến nay, toàn tỉnh có 109/112 xã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến hết năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; 3 huyện, thành phố được công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Các đồng chí lãnh đạo trao Bằng khen của UBND tỉnh cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong Phong trào thi đua “Vĩnh Phúc chung sức xây dựng nông thôn mới”
Khẳng định sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên, theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Trì, đó mới chỉ là bước đầu, nhất là khi có một số nội dung mới chạm ngưỡng, rất dễ rơi chuẩn nếu không được tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung thực hiện quyết liệt. Để hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong giai đoạn tới, các cấp, ngành, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh cần chung sức, đồng lòng, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, chung tay góp sức, tiếp tục tham gia hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Phúc ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Các mục tiêu, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Nhân dân huyện Vĩnh Tường cùng góp sức xây dựng nông thôn mới Phấn đấu đến năm 2020, Vĩnh phúc có 9/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 26 thôn dân cư đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu. Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. |
Song song với huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn vốn thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất, đổi mới hình thức tổ chức sản xuất phù hợp với xu thế hội nhập khu vực và thế giới. Quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí; thực hiện tốt việc duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng; chú trọng nâng cao các nội dung về văn hóa, vệ sinh môi trường và an ninh trật tự khu vực nông thôn.
PV