Giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều năm liền không đạt kế hoạch, thậm chí có xu hướng giảm

Đối nội - Ngày đăng : 10:05, 01/01/2020

(BKTO) - Thực trạng trên đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thẳng thắn chỉ ra khi báo cáo Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương vào chiều 30/12.


                
   

Ảnh minh họa - Nguồn:internet

   
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, mặc dù kết quả đạt được về kinh tế-xã hội và NSNN trong năm 2019 là khá toàn diện và tích cực song vẫn còn những hạn chế mà nếu khắc phục, chúng ta sẽ còn đạt được kết quả cao hơn.

Cụ thể, việc đẩy mạnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công nhiều năm liền không đạt kế hoạch, thậm chí có xu hướng giảm. Tỷ lệ giải ngân năm 2017 là 81,8%, năm 2018 là 75,82% và ước năm 2019 đạt 75% dự toán Quốc hội giao.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc giải ngân chậm là một nguyên nhân dẫn tới hiệu quả đầu tư công thấp, tình trạng đội vốn công trình, dự án, ảnh hưởng uy tín của Việt Nam với các chủ nợ, nhà tài trợ… Đồng thời, giải ngân chậm còn làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế và thu NSNN ở một số địa phương.

Bên cạnh đó, vấn đề cơ cấu lại, đổi mới khu vực DNNN còn chậm. Việc phân định trách nhiệm xử lý tài chính của một số DNNN làm ăn thua lỗ đã ảnh hưởng đến tiến độ trả nợ một số chủ nợ, từ đó ảnh hưởng đến hệ số tín nhiệm quốc gia. Tiến độ cổ phần hóa các DNNN cũng rất chậm. Trong năm 2019, có 9 DN được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Số tiền thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2019 thu về quỹ đạt khoảng 14.000/50.000 tỷ đồng dự toán.

Bộ trưởng Tài chính cho hay, số nộp NSNN năm nay chủ yếu nhờ số thu phát sinh các năm trước chuyển sang. “Còn năm 2020, chúng tôi đang rất lo” - ông Đinh Tiến Dũng chia sẻ.

Ngoài ra, cải cách thủ tục hành chính, kỷ luật kỷ cương tài chính NSNN còn hạn chế. Năm 2019, dù Ngân hàng Thế giới đánh giá cao những cải cách về thuế, tạo bước cải thiện vượt bậc về điểm số, tuy nhiên, chỉ số xếp hạng còn thấp (xếp 109/190 nước), cần phải cải thiện. Cùng với đó, sai phạm trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, đấu thầu mua sắm ở nhiều ngành, nhiều cấp khiến cho việc xử lý tài chính còn lớn…

Bước sang năm 2020, người đứng đầu Bộ Tài chính góp ý một số vấn đề như sau:

Đến nay, cơ bản dự toán NSNN năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương phân giao đến từng đơn vị sử dụng NSNN, theo đúng thứ tự ưu tiên, đảm bảo các nhiệm vụ chính trị quan trọng; tuân thủ các quy định về quản lý NSNN; tổ chức chỉ đạo thực hiện nghiêm ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm.

Đối với công tác thu NSNN, Bộ Tài chính đề nghị cấp uỷ, chính quyền địa phương quan tâm chỉ đạo các đơn vị chức năng trên địa bàn phối hợp với các cơ quan thuế, hải quan tăng cường quản lý thu ngân sách. Quản lý chặt chẽ giá tính thuế, chống chuyển giá, trốn lậu thuế, gian lận thương mại, hàng chuyển khẩu, gian lận xuất xứ..., phấn đấu tăng thu ngân sách trên 3% so với dự toán giao.

Đối với chi đầu tư NSNN, cần triển khai thực hiện tốt Luật Đầu tư công mới được sửa đổi năm 2019, khắc phục triệt để tình trạng chậm trễ trong việc giao và triển khai dự án dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm; quyết liệt chỉ đạo ngay từ đầu năm để đảm bảo năm 2020 giải ngân hết vốn đầu tư NSNN không chỉ dự toán năm 2020 mà còn cả vốn đầu tư của những năm trước chưa giải ngân hết chuyển sang.

Đối với chi thường xuyên, cần triệt để tiết kiệm, đặc biệt là trong mua sắm trang thiết bị, ôtô, tổ chức hội nghị, hội thảo, đi nước ngoài; tiếp tục cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách.

XUÂN HỒNG