Tham nhũng, lãng phí và sự hưng thịnh của quốc gia
Đối nội - Ngày đăng : 13:55, 07/04/2016
(BKTO) - Mặc dù ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực cố gắng của Chính phủ trong việc điều hành, đưa đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, kinh tế vĩ mô cơ bản được đảm bảo ổn định, tuy nhiên, nhìn lại nhiệm kỳ 2011-2015, tại diễn đàn nghị trường, không ít đại biểu Quốc hội vẫn bày tỏ nỗi lo lắng, trăn trở trước tình trạng tham nhũng, lãng phí còn nghiêm trọng sẽ làm ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của quốc gia.
Cảng Cái Mép - Thị Vải được đầu tư 40 nghìn tỷ đồng nhưng mới chỉ khai thác được 20% công năng. Ảnh: TK
Đánh giá của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí còn chung chung, kết quả chậm chuyển biến là nhận xét của nhiều đại biểu Quốc hội khi để cập đến vấn đề này. Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) cho rằng, báo cáo của Chính phủ về chống tham nhũng, lãng phí chỉ mới nói công tác này được “chú trọng” và “đẩy mạnh”, là chưa tích cực, không đủ mạnh và chưa đúng tầm. Bởi vì, trong nhiệm kỳ 2011-2016, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, song việc triển khai và thực hiện chưa quyết liệt, nên tình hình tham nhũng ngày càng tinh vi, phức tạp hơn, quy mô, phạm vi mở rộng. Tham nhũng không dừng lại ở lĩnh vực kinh tế mà lan rộng sang các lĩnh vực nhạy cảm khác như chính sách, cán bộ... Tham nhũng không còn đơn lẻ mà có những mối liên kết khá vững chắc, không chỉ ở một cấp, một ngành mà ngày càng đông hơn. Theo đại biểu: “Tham nhũng ở một khía cạnh nào đó đã trở thành việc bình thường, trở thành một thông lệ ở một số ngành, thật nguy hiểm cho quốc gia. Việc chống tham nhũng chưa đủ mạnh và còn nể nang, né tránh. Chống tham nhũng đã có một số kết quả, nhưng chống lãng phí thì kết quả và giải pháp hầu như rất yếu. Tôi chưa thấy ai bị kỷ luật, bị sa thải vì lãng phí”.
Cùng một nỗi lo, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đánh giá, hạn chế thiếu sót lớn nhất trong nhiệm kỳ vừa qua đó chính là sự thất thoát, lãng phí. Đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây Ninh) thì cho rằng, tư tưởng “ngân sách là chùm khế ngọt” vẫn còn ăn sâu trong công tác quản lý, việc cơ cấu chi ngân sách là bài toán chưa có đáp số, tình trạng không phù hợp dẫn tới lãng phí là vấn đề nan giải; hiện tượng mỗi khi đến cuối năm đơn vị được giao chi ngân sách tìm mọi cách để chi hết nguồn đã xảy ra ở nhiều nơi, nhiều năm nay. “Quan điểm chi hết ngân sách để khỏi bị thu lại hoặc nếu chi không hết năm tới sẽ bị cấp dự toán ít hơn làm giảm đi tính hiệu quả của công tác quản lý và xảy ra tình trạng lãng phí là điều tất yếu” - đại biểu Phương nhấn mạnh.
Cần coi tham nhũng, lãng phí là “giặc nội xâm”
Chính phủ đặt ra mục tiêu, trong thời gian tới sẽ tạo chuyển biến căn bản về phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Để làm được điều đó, nhiều đại biểu Quốc hội đề xuất hiến kế bằng nhiều giải pháp quyết liệt.
Đại biểu Bùi Mạnh Hùng đề nghị, Chính phủ cần đánh giá thẳng thắn về công tác phòng chống tham nhũng 5 năm qua và trong phương hướng cho 5 năm tới cần đặt vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí lên vị trí hàng đầu và là một nhiệm vụ đặc biệt, cần phải có những giải pháp đồng bộ, toàn diện, thực hiện một cách quyết tâm hơn. Cần phải nhận thức rõ hơn tham nhũng, lãng phí là mối nguy hiểm ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của quốc gia. “Hãy coi việc phòng, chống tham nhũng, lãng phí là giặc nội xâm và quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí như quyết tâm bảo vệ Tổ quốc của cả dân tộc” - đại biểu đề xuất.
Đại biểu Phạm Công Hồng (Đồng Nai) thì cho rằng, cần thực hiện phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo phương châm “từ trên xuống dưới và từ trong ra ngoài” và đưa vào nội dung Nghị quyết của Quốc hội để làm kim chỉ nam cho đổi mới công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, chống lãng phí trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Bên cạnh đó, theo các đại biểu, để Quốc hội và cử tri có thể đánh giá được thực chất hiệu quả phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì cần bổ sung những tiêu chí làm cơ sở đánh giá bằng những kết quả cụ thể, tránh chung chung. “Có thể đưa ra giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng đã phát hiện để không còn tình trạng các dự án đầu tư lớn nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng kém hiệu quả; chấm dứt tình trạng cán bộ sử dụng phương tiện công vào việc riêng, việc cá nhân. Đưa những cái cụ thể như thế để đến cuối kỳ chúng ta có thể kiểm điểm lại, đánh giá lại thực sự ta có thực hiện hay không” - đại biểu Nguyễn Công Hồng nêu ví dụ.
Đề xuất quy trách nhiệm cho người đứng đầu, khoán chi tất cả vào lương, thực hiện kỷ cương thu, chi ở tất cả các lĩnh vực để chống lãng phí, đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) bày tỏ kỳ vọng, nếu đảm bảo chống lãng phí được từ địa phương, Trung ương và các Bộ, các ngành thì chắc chắn Quốc hội sẽ không phải bấm nút thông qua các con số bội chi, từ đó đất nước ta sẽ giàu lên và chắc chắn sẽ phát triển bền vững.
Hàng loạt ví dụ về đầu tư xây dựng cơ bản do thiếu đồng bộ, dàn trải gây thất thoát, lãng phí lớn đã được đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) nêu ra như: cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đầu tư 40.000 tỷ đồng chỉ khai thác được 20%, đồng nghĩa với 80% chưa sử dụng được, tương đương với 32.000 tỷ đồng lãng phí; đầu tư vào Làng sinh viên ở Lâm Đồng hàng nghìn tỷ đồng nhưng chỉ có 01 sinh viên ở; đầu tư vào đường sắt du lịch Quảng Ninh 1.000 tỷ đồng, một ngày chỉ bán được 01 vé; các công trình nhà thi đấu ở các địa phương, mỗi công trình ít thì cũng vài ba trăm tỷ, nhiều thì ngót nghét nghìn tỷ đồng, nhưng mỗi năm chỉ sử dụng được vài ngày; đầu tư cho vùng sâu, vùng xa là chủ trương đúng nhưng cũng không phát huy được hiệu quả, bởi có những nơi đầu tư 3 - 4 tỷ đồng để xây chợ nhưng chợ không có người kinh doanh, đầu tư vài tỷ để xây trường học nhưng trường học không có giáo viên, không có học sinh; đầu tư vào trạm xá nhưng trạm xá cũng không có bác sỹ, không có bệnh nhân. Vì chúng ta đầu tư kém hiệu quả nên không còn nguồn lực để đầu tư cho các chương trình an sinh xã hội khác.
ĐĂNG KHOA