PVN đoàn kết, trách nhiệm, dám nghĩ dám làm để vượt qua khó khăn
Đối nội - Ngày đăng : 19:15, 06/01/2020
(BKTO) - Chiều nay (6/1), Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ công tác năm 2020.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng gửi lẵng hoa chúc mừng Hội nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.
Vượt qua khó khăn, mở ra thời kỳ mới cho Tập đoànPhát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, năm 2019, trong kết quả chung của cả nước có sự đóng góp quan trọng của ngành dầu khí nói chung, Tập đoàn PVN nói riêng.
Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với khát vọng và nhiệt huyết; với truyền thống đoàn kết vượt mọi khó khăn, thách thức, tập thể lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành dầu khí Việt Nam, Tập đoàn PVN đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước.
PVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt ở các chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, chế biến dầu khí và các chỉ tiêu tài chính.
Khai thác dầu trong nước vượt 6,2% kế hoạch năm (tổng sản lượng khai thác dầu trong nước đạt 11,04 triệu tấn, vượt kế hoạch 619 nghìn tấn tương đương vượt 0,15 điểm GDP); khai thác khí, sản xuất điện đều vượt kế hoạch.
Tổng doanh thu toàn Tập đoàn đạt trên 736 nghìn tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch năm, tăng 17% so với năm 2018; nộp ngân sách Nhà nước đạt 108 nghìn tỷ đồng, vượt 23,5% kế hoạch (tương đương vượt 20,5 nghìn tỷ đồng).
"Đây là những con số rất quan trọng không chỉ về kinh tế, mà còn góp phần tăng thu ngân sách Nhà nước", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Cùng với đó, công tác bảo đảm an toàn được chú trọng, không có các sự cố, tai nạn. Các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí cũng như các hoạt động sản xuất kinh doanh khác được bảo đảm an toàn tuyệt đối; Đề án tái cấu trúc doanh nghiệp được triển khai thực hiện khẩn trương, nghiêm túc theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ được chú trọng. Nhiều công nghệ mới, tiên tiến nhất trong lĩnh vực dầu khí của thế giới được áp dụng, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, giảm chi phí cho các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí.
Công tác đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực được quan tâm chỉ đạo, tổ chức thực hiện. "Lực lượng nhân lực của dầu khí là tiên phong trong lực lượng lao động của đất nước", Phó Thủ tướng đánh giá.
Việc chăm lo đời sống cho người lao động ngành dầu khí; các hoạt động hỗ trợ phát triển an sinh xã hội tại vùng sâu, vùng xa, nơi đặt dự án… tiếp tục được quan tâm, duy trì thực hiện tốt. Đây là một nét đẹp văn hóa của ngành dầu khí.
"Những kết quả đó giúp ngành dầu khí vượt qua khó khăn, đang phục hồi không chỉ về kinh tế, mà còn về tinh thần, sự đoàn kết, gắn bó. Minh chứng là PVN đã thoát khỏi danh sách giám sát đặc biệt về tài chính. Những kết quả đó góp phần mở ra thời kỳ mới cho Tập đoàn", Phó Thủ tướng nhìn nhận.
Những kết quả khá toàn diện của ngành dầu khí, Tập đoàn PVN đã góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2019; bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng nêu rõ, ngành dầu khí, Tập đoàn PVN vẫn còn những khó khăn, thách thức, những mặt tồn tại, hạn chế thách thức rất lớn, đòi hỏi phải nỗ lực để khắc phục có hiệu quả.Các mỏ đã và đang khai thác đang suy giảm sản lượng, trong khi đó số giếng khoan mới rất ít và việc thăm dò, tìm kiếm, phát hiện các mỏ mới gặp rất nhiều khó khăn.
"Vừa phát triển kinh tế vừa bảo đảm chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định. Những yếu tố đó ảnh hưởng đến việc phát triển mỏ mới của chúng ta", Phó Thủ tướng lưu ý đây là nhân tố ảnh hưởng đến tình hình khai thác dầu.
Việc đầu tư các mỏ trong và ngoài nước trong những năm qua gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến tăng trưởng trực tiếp cũng như thứ cấp. Trong đó khó khăn nhất là vấn đề thiếu vốn, thiếu nguồn lực.
Một số dự án quan trọng bị chậm tiến độ, như Thái Bình 2, Dung Quất, Long Phú 1; các dự án đầu tư mới như Chuỗi điện khí Lô B; Cá voi xanh…
Các đơn vị dịch vụ dầu khí gặp rất nhiều khó khăn do khối lượng công việc và giá dịch vụ giảm sâu trong 3 năm vừa qua và thường xuyên ở trong tình trạng thiếu việc làm.
Việc tái cấu trúc Tập đoàn tuy đã được tập trung chỉ đạo theo tinh thần của Trung ương, triển khai thực hiện nhưng còn nhiều lúng túng, kết quả vẫn còn chậm chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
"Tái cấu trúc phải thường xuyên, không thể theo phong trào. Tái cấu trúc phải từ nội bộ, nâng cao trách nhiệm của chính ngành dầu khí", Phó Thủ tướng lưu ý.
Cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động ngành dầu khí chưa đủ để hỗ trợ ngành dầu khí vượt qua giai đoạn khó khăn, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến thăm dò, khai thác, chế biến dầu khí.
"Đối với những khó khăn, vướng mắc, Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành và chia sẻ với ngành để có những giải pháp tháo gỡ, tìm hướng đi để phát triển", Phó Thủ tướng nêu.
Lãnh đạo PVN giới thiệu với Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về kết quả hoạt động của ngành dầu khí - Ảnh: VGP/Nhật Bắc
Tập trung xây dựng chiến lược phát triển ngành dầu khí gắn với tái cơ cấu
Phó Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu phát triển đất nước trong thời gian tới đặt ra là phải phát triển nhanh và bền vững; cùng với đó phải tái cấu trúc lại nền kinh tế, trong đó có ngành dầu khí.
"Đối với ngành dầu khí, yêu cầu đặt ra là phải trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Đồng thời xây dựng Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam và các doanh nghiệp hoạt động trong ngành dầu khí có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.
Về phương hướng nhiệm vụ, Phó Thủ tướng đề nghị ngành dầu khí vận hành an toàn, ổn định và hiệu quả các dự án, công trình dầu khí, phấn đấu kế hoạch năm 2020 phải thực hiện cao hơn kết quả đạt được trong năm 2019.
Ngành tăng cường công tác tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí để duy trì sản lượng và gia tăng trữ lượng dầu khí, phát triển mạnh ngành công nghiệp khí.
Phó Thủ tướng yêu cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm ngành dầu khí; các dự án khí Lô B, Cá voi xanh, bảo đảm đủ nguồn cung xăng dầu, khí đốt và cùng với Tập đoàn Điện lực Việt Nam bảo đảm đáp ứng đủ điện cho nhu cầu của đất nước. Cơ bản hoàn thành giải quyết các dự án khó khăn ngành dầu khí, đưa vào vận hành các công trình Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Long Phú 1...
Để đạt được các mục tiêu trên, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, dám nghĩ, dám làm và thực hiện các giải pháp đồng bộ, căn cơ.
"Trong đó, tập trung hoàn hiện Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam trên cơ sở tái cấu trúc ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ lực; tái cấu trúc về đầu tư, quản trị doanh nghiệp hiện đại, xây dựng đội ngũ cán bộ có chất lượng,...", Phó Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời gợi mở ngành cần tận dụng nguồn lực nội tại cũng như tăng cường thu hút nguồn vốn, hợp tác quốc tế; lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư bảo đảm về tiến độ, hiệu quả và nhất là phải tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, bảo đảm hiệu quả vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
Tập đoàn đẩy mạnh chuyển giao khoa học công nghệ, cần có giải pháp ứng dụng cho phát triển bền vững ngành dầu khí, tạo sản phẩm mới có khả năng cạnh tranh, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
Ngành chủ động và tích cực phối hợp chặt chẽ với Bộ Quốc phòng, Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành liên quan khác trong các hoạt động sản xuất kinh doanh và đầu tư.
Phó Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, ngành dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo, phát huy truyền thống vẻ vang của mình, tạo ra nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong hoạt động của ngành, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.
Phát biểu tiếp thu ý kiến, ông Trần Sỹ Thanh - Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN nêu lại tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại hội nghị cách đây 2 năm đã được hiện thực hóa trong phương châm hành động của ngành là "Bản lĩnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động".
Theo ông Thanh, những kết quả thời gian qua cho thấy tập thể của ngành đã bản lĩnh trên thực địa; đoàn kết trên thực tế vì sự nghiệp chung; bám sát, quyết liệt và đổi mới trong triển khai các chủ trương, chính sách của Trung ương trong hoạt động của ngành.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn PVN cho biết ngành sẽ quán triệt và triển khai tốt những yêu cầu, nhiệm vụ Chính phủ giao trong thời gian tới. Đồng thời, ngành cũng mong muốn Chính phủ tiếp tục đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn về cơ chế, quy chế tài chính, đề án tái cấu trúc ngành để Tập đoàn thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ, kế hoạch đề ra.
Theo Nhật Bắc
baochinhphu.vn