Thu ngân sách năm 2019 - bức tranh nhiều điểm sáng

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 15:26, 09/01/2020

(BKTO) - Thu ngân sách tăng cao so với dự toán, trong đó, thu ngân sách T.Ư và thu ngân sách địa phương đều vượt dự toán; hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa… Đây là những điểm sáng trong bức tranh NSNN năm 2019.



Năm 2019, thu NSNN vượt xa so với dự toán- Ảnh: HUY THÀNH
Thu ngân sách vượt hơn 128.000 tỷ đồng, nợ công và bội chi đều giảm

Bộ Tài chính cho biết, đến ngày 31/12/2019, tổng thu NSNN đạt 1,53 triệu tỷ đồng, vượt 9,1%, tương đương với 128.100 tỷ đồng so với dự toán, tăng 82.100 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội. Trong đó: thu nội địa đạt 1,26 triệu tỷ đồng, vượt 7,4% (87.000 tỷ đồng); thu từ dầu thô 55.900 tỷ đồng, vượt 25,3% (11.300 tỷ đồng); thu từ hoạt động xuất nhập khẩu sau khi trừ số hoàn thuế giá trị gia tăng đã tăng thêm 18.800 tỷ đồng so với dự toán; số thu cân đối ngân sách đạt xấp xỉ 217.900 tỷ đồng, vượt 15,2% (28.800 tỷ đồng) so với dự toán; tỷ lệ động viên thu NSNN đạt 25% GDP, riêng động viên thuế và phí đạt 21% GDP.

Điều đặc biệt của năm 2019 là cả thu ngân sách T.Ư và thu ngân sách địa phương đều vượt dự toán. Trong đó: thu ngân sách T.Ư vượt xấp xỉ 4%, tương đương với 32.200 tỷ đồng, thu ngân sách địa phương vượt 16% với 96.000 tỷ đồng so với dự toán. Hầu hết các địa phương hoàn thành vượt dự toán thu nội địa, với 30 địa phương vượt trên 20% dự toán, 14 địa phương vượt từ 10 - 20% và 17 địa phương vượt dưới 10% dự toán; một số địa phương có kết quả thu đạt cao là: Ninh Bình, Bắc Giang, Bình Định, Phú Yên...

Năm 2019, Bộ Tài chính đã tập trung thanh tra, kiểm tra các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách, quản lý, sử dụng vốn đầu tư… qua đó, kiến nghị xử lý tài chính 71.700 tỷ đồng, trong đó, kiến nghị thu nộp NSNN 25.100 tỷ đồng (đã thu nộp 17.200 tỷ đồng). Cơ quan thuế đã thực hiện thu hồi 35.200 tỷ đồng thuế nợ đọng từ năm trước chuyển sang. Cơ quan hải quan đã thu hồi và xử lý 992 tỷ đồng nợ đọng thuế.
Trong năm qua, Bộ đã cắt giảm được 2.901 đầu mối (riêng năm 2019 giảm 2.172 đầu mối) các đơn vị từ T.Ư đến địa phương, do đó, lũy kế năm 2019 và dự toán năm 2020 đã tiết kiệm được khoảng 3.000 tỷ đồng.

Chi NSNN năm 2019 được quản lý chặt chẽ theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện, đồng thời tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, cơ cấu lại chi trong từng lĩnh vực, gắn với đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.

Năm 2019, Bộ Tài chính đã tiếp tục cơ cấu lại nợ công, kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ với kỳ hạn bình quân là 13,47 năm, tăng 0,78 năm so với cuối năm 2018; giảm chi phí nợ công (lãi suất phát hành bình quân 11 tháng năm 2019 là 4,68%/năm, giảm từ 1,2 - 1,6%/năm so với thời điểm đầu năm); tăng tỷ trọng vay trong nước, tổng dư nợ Chính phủ đạt 62,3% so với mức 60,1% năm 2016; nợ công còn 56,1% so với mức 63,7% vào cuối năm 2016.

Với kết quả thu, chi NSNN như trên, bội chi NSNN năm 2019 giảm từ mức 3,7% dự toán xuống dưới 3,4% GDP thực hiện.

Tạo dư địa tốtđể hoàn thành vượt mứccác nhiệm vụ năm 2020

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về công tác khóa sổ thu - chi NSNN năm 2019 của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho rằng, thu NSNN tăng cao hơn nhiều so với mục tiêu phấn đấu, vượt dự toán 3% là tin vui nối tiếp các tin vui khác về kinh tế - xã hội. Điều đáng mừng nữa là 63/63 tỉnh, thành thu đạt dự toán, trong đó, Hà Nội và TP. HCM đảm bảo dự toán, tạo điều kiện cho cả nước hoàn thành chỉ tiêu.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Chỉ tiêu ngân sách là tiền tươi thóc thật, là cân đối quan trọng nhất trong các cân đối kinh tế vĩ mô, không có thu - chi thì lấy gì điều hành trong khi cả nước mới chỉ có 16 tỉnh, thành tự đảm bảo được thu - chi và có điều tiết, các tỉnh, thành còn lại T.Ư vẫn phải hỗ trợ.

Đánh giá cao việc năm thứ 2 liên tiếp ngân sách T.Ư vượt thu, Phó Thủ tướng cho biết, số vượt thu ròng khoảng 32.000 tỷ đồng của ngân sách T.Ư năm nay sẽ tạo dư địa tốt để thực hiện phương án cải cách tiền lương vào năm 2021. Đồng thời, năm 2019, thuế xuất nhập khẩu có mức thu kỷ lục với hơn 318.000 tỷ đồng đã giúp nước ta có dư địa để thực hiện chính sách hoàn thuế, không để tồn sang năm sau.

Ghi nhận những thành tựu toàn diện mà ngành tài chính đã đạt được trong năm 2019 nhưng Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành cần hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về thuế như: thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt; đồng thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ DN phát triển để nuôi dưỡng nguồn thu, tạo nguồn thu tốt hơn cho tương lai, tiếp tục mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế; tăng cường áp dụng hóa đơn thuế điện tử, giảm bớt thuế khoán. Đặc biệt, năm 2020, ngành tài chính cần tập trung triển khai thực thi Luật Quản lý thuế, Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp của người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách…

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, những kết quả tích cực về nhiệm vụ NSNN của năm 2019 đã tạo dư địa rất tốt để ngành tài chính phấn đấu hoàn thành vượt mức nhiệm vụ NSNN năm 2020 (với điều kiện nền kinh tế bình thường) cũng như hoàn thành toàn diện các mục tiêu tài chính, ngân sách giai đoạn 5 năm 2016-2020, góp phần tích cực ổn định kinh tế vĩ mô và thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhiệm kỳ 2016-2020.

THÙY ANH