Dấu ấn đương đại trong trang phục truyền thống
Xã hội - Ngày đăng : 15:31, 09/01/2020
(BKTO) - Giữ cách làm thủ công trong trang phục của người Mông, các nhà thiết kế nhận ra sự đa dạng và khác biệt trong chế tác sản phẩm đương đại. Chính họ đang tạo động lực cho giới trẻ người Mông, cũng như các dân tộc khác, có cách nhìn nhận mới về văn hóa của dân tộc mình.
Trang phục đương đại sử dụng kết cườm, thêu đá |
Bảo tồn văn hóa vùng miền
Tại tọa đàm “Thúc đẩy thảo luận về phát huy trang phục truyền thống của người Mông hiện đại” trong sự kiện “Tết Mông xuống phố 2020” cuối tuần qua, chị Lý Thị Ninh, Trưởng nhóm dệt thổ cẩm Hợp tác xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải, Yên Bái, cho biết, trang phục truyền thống của người Mông lâu nay vẫn được biết đến với sự cầu kỳ về đường nét và hoa văn độc đáo; mang ý nghĩa đối với cuộc sống và tâm linh. Họa tiết trên trang phục của người Mông không chỉ để trang trí, mà còn có ý nghĩa kết nối quá khứ với hiện tại và những ước vọng, cảm xúc nhắc nhớ về lịch sử, văn hóa truyền thống dân tộc. Hiểu được ý nghĩa đó, chị Lý Thị Ninh đã tham gia tổ phụ nữ dệt thổ cẩm với mong muốn góp phần lưu giữ cho thế hệ sau những bộ trang phục truyền thống. “Trước đây, những người bà, người mẹ trong cộng đồng dân tộc Mông chỉ biết dệt vải may váy áo cho gia đình và chưa nghĩ đến việc mang đi buôn bán, trao đổi. Được tham gia các dự án, tôi nhận thấy nếu chị em có thu nhập tăng thêm từ làm gối, khăn trải bàn, túi, ví... cũng là cách để giữ gìn bản sắc dân tộc”, chị Lý Thị Ninh nói.
Theo nhà thiết kế Vũ Thảo, chủ thương hiệu thời trang bền vững Km109, rõ ràng tính tác động xã hội có vai trò quan trọng cho việc sử dụng chất liệu truyền thống để bảo tồn văn hóa vùng miền. Đó cũng là cơ sở để Km109 lựa chọn nguyên liệu cho các sản phẩm của mình bằng một quy trình thời trang “hữu cơ”. Theo đó, chị tự nuôi dâu tằm, trồng các loại thảo mộc tạo màu, tự dệt và nhuộm, tự thiết kế để tạo thành một sản phẩm thời trang hoàn chỉnh. Vũ Thảo đã giúp cộng đồng dân tộc Mông bảo tồn và phát triển các nghề dệt, nhuộm truyền thống. “Giữa thời kỳ hội nhập, bản sắc giúp chúng ta khác biệt và không bị lẫn. Phương pháp truyền thống theo quy trình thân thiện với môi sinh, chi phí thấp, tạo thu nhập cho chị em phụ nữ sẽ giúp những bạn trẻ có cái nhìn nhận mới về chính văn hóa của dân tộc mình, và thay vì cố gắng để giống thế giới, chúng ta cần khác với thế giới”, Vũ Thảo cho hay.
Thật may mắn là cách làm thủ công trong trang phục của người Mông vẫn được lưu giữ, giúp các nhà thiết kế nhận ra sự đa dạng trong chế tác. Theo phân tích của Vũ Thảo, một chiếc áo người Mông đen trải qua 5 - 6 kỹ thuật, dệt lanh, nhuộm chàm, vẽ sáp ong, mài đá tạo cho vải vừa bền, bóng đẹp như da thuộc, nhưng ít người biết hay để ý, trong khi các nước phương Tây đổ xô săn tìm phương pháp, kỹ thuật truyền thống để gây dựng lại. “Nhìn vào quy trình ấy, tôi nhận ra dấu ấn đương đại trong truyền thống không hề lạc hậu, dùng kỹ thuật thủ công tạo hiệu ứng đương đại. Chúng độc đáo quá nên trong thiết kế tôi tìm cách phối hợp, có khi chỉ làm điểm nhấn, không phung phí cả tấm vải. Một nghịch lý đang diễn ra là sản phẩm thủ công truyền thống không được đánh giá đúng ngay nơi nó sinh ra. Đó là điều tôi bức xúc và muốn tạo nên thay đổi”.
Tự hào về nguồn gốc sản phẩm
Bức xúc được Vũ Thảo đưa dẫn qua nội dung một bài báo nói về cô gái Đan Mạch mặc chiếc váy mang họa tiết thổ cẩm không ghi nguồn gốc. “Đây có lẽ là vấn đề trầm kha trong ngành thiết kế về việc ăn cắp ý tưởng, ăn cắp các nghiên cứu mà không đề nguồn trích dẫn. Chúng ta cần điều chỉnh, thay đổi, bởi đã có nhiều người Mông phản ứng gay gắt trước việc này. Với họ không phải là việc người ta đã mặc đồ của người Mông mà là trang phục ấy bị xem thường”, Khang A Tủa, dân tộc Mông, đến từ Yên Bái khẳng định.
Theo các nhà thiết kế, 10 năm trở lại đây, thời trang đang dần chuyển theo phong cách của người thiểu số, không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nơi trên thế giới như vùng Bắc Phi, Bắc Á, Tây Á… Ở đó, khi câu chuyện văn hóa được khai thác sẽ dẫn đến nhiều vấn đề về trích dẫn nguồn gốc và hầu hết thương hiệu lớn đều xóa nhòa nguồn gốc ý tưởng của họ. Đó là lý do xảy ra tranh chấp quyền sở hữu văn hóa. Tại Việt Nam, việc trích dẫn nguồn gốc nguyên liệu cho sản phẩm truyền thống bằng câu chuyện văn hóa là cách các nhà thiết kế định giá cho sản phẩm của mình.
Xuất phát từ mong muốn đó, anh Sùng Sa Bình (huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên), đại diện Công ty TNHH Hmong Tagkis cũng chọn cho mình con đường đến với trang phục người Mông. Anh cho biết, quá trình làm nghề, anh gặp nhiều thương hiệu làm thời trang thổ cẩm giấu đi nguồn gốc sản phẩm, chỉ giới thiệu chung chung là thổ cẩm Tây Bắc. “Là một người Mông, tôi tự hào để nói với người khác về nguồn gốc và sản phẩm của mình. Tôi muốn kể cho nhiều người biết cách dệt và thêu hoa văn truyền thống, cách mẹ tôi dành 3 ngày để vẽ xong họa tiết hoa văn khi hình xoắn ốc, trái tim, lúc là hình vuông, chữ nhật, zíc zắc, rồi 10 ngày để nhuộm màu, 1 ngày bóc sáp, sau đấy là công đoạn thêu nổi, với tổng cộng 20 ngày cho một chiếc khăn quàng cổ”. Theo Sa Bình, thời trang luôn thay đổi, nếu không bắt kịp xu hướng thì mình sẽ lạc hậu, nhưng nếu không có cái độc đáo, khác lạ bằng các câu chuyện văn hóa sau đó, thì mình không thể tồn tại.
Cả Km109 và Hmong Tagkis đều hướng đến những sản phẩm thời trang thổ cẩm bằng chất liệu vải lanh, vải lanh nhuộm chàm, vải lanh vẽ sáp ong, vải lanh nhuộm màu tự nhiên và vải lanh thêu hoa văn thổ cẩm thủ công. Các sản phẩm còn kết hợp cả hội họa, sử dụng kết cườm, thêu đá… để tạo ra các sản phẩm sang trọng.
Theo daibieunhandan.vn