Thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu lao động để tăng năng suất lao động

Xã hội - Ngày đăng : 15:31, 09/01/2020

(BKTO) - Số lao động đã qua đào tạo tăng, cơ cấu lao động tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực... là những dấu ấn nổi bật của tình hình lao động, việc làm trong năm qua. Đây cũng là những tín hiệu đáng mừng để năm 2020, lĩnh vực lao động, việc làm sẽ tạo nên những đột phá, đặc biệt là trong việc thúc đẩy tăng năng suất lao động (NSLĐ).


Nhiều tín hiệu tích cực

Năm 2019 đã chính thức khép lại với nhiều tín hiệu tích cực trong lĩnh vực lao động, việc làm. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), năm 2019, cả nước có 55,8 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên, tăng 417.100 người so với năm trước. Đáng chú ý, trong số lao động có việc làm (54,7 triệu người), số lao động đang làm việc ở khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản (19 triệu người) đã giảm 3% so với năm trước; khu vực công nghiệp và xây dựng (16,1 triệu người) tăng 2,7% và khu vực dịch vụ (19,6 triệu người) tăng 0,3%. Tính chung năm qua, số lao động được tạo việc làm mới ước trên 1,65 triệu người, đạt 103,5% kế hoạch (1,5 triệu người làm việc trong nước, đạt 101,9% kế hoạch và 147.000 người lao động (NLĐ) đi làm việc ở nước ngoài, đạt 122,8% kế hoạch). Tỷ lệ thất nghiệp chung cả nước là 1,98%; con số này năm 2018 là 2,19%.

Những kết quả trên đạt được là nhờ trong năm qua, ngành LĐ-TB&XH đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để thúc đẩy thị trường lao động ngày càng phát triển. Trong đó, một số giải pháp được tập trung thực hiện như: tăng cường hỗ trợ giải quyết việc làm cho NLĐ thông qua Quỹ quốc gia về việc làm, tăng cường tính dự báo về thị trường lao động, việc làm, nghiên cứu phương án triển khai thực hiện giao dịch điện tử trong khai trình lao động đối với DN...

Đáng chú ý, năm qua cũng là năm để lại nhiều dấu ấn của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 62%. Ngành giáo dục nghề nghiệp đã tích cực triển khai các chương trình đào tạo nghề quốc tế như: Chương trình đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao từ Australia, Chương trình đào tạo nghề theo chương trình chuyển giao từ Đức... Các chương trình được kỳ vọng sẽ mở ra triển vọng đào tạo lao động nghề trình độ quốc tế ngay tại Việt Nam.

Chuyển dịch cơ cấu lao động sẽ thúc đẩytăng năng suất lao động

Năm 2019 cũng chứng kiến tốc độ tăng NSLĐ của Việt Nam tiếp tục cải thiện. Tuy nhiên, NSLĐ của nước ta vẫn ở mức thấp, kém xa nhiều nước trong khu vực. Một trong những yếu tố có tác động trực tiếp đến NSLĐ được các chuyên gia chỉ ra là chuyển dịch cơ cấu lao động còn chậm, ở cả liên ngành lẫn nội ngành.

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Năng suất Việt Nam, đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, yếu tố chuyển dịch cơ cấu lao động đóng vai trò quan trọng vào tăng NSLĐ của toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, tốc độ chuyển dịch cơ cấu lao động thời gian qua còn chậm. Lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản vẫn còn lớn.
Thời gian qua, một lượng lớn lao động khu vực nông nghiệp di chuyển sang khu vực công nghiệp, nhưng chủ yếu là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có năng suất thấp hay các ngành dịch vụ có thu nhập thấp. Nguyên nhân là do NLĐ không qua đào tạo nên chỉ phù hợp với những công việc giản đơn.

Theo TS. Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), tăng NSLĐ thông qua chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ rất phổ biến ở các quốc gia có mức độ phát triển thấp. Tuy nhiên, xu hướng này không thể kéo dài khi Việt Nam phát triển lên mức cao hơn. Hơn nữa, khu vực công nghiệp có đóng góp rất quan trọng vào tăng trưởng của cả nền kinh tế, nhưng khu vực này vẫn nặng về phát triển các ngành sử dụng nhiều lao động, làm cho mục tiêu tăng nhanh giá trị gia tăng của sản phẩm chưa đạt được. Tương tự, ngành công nghiệp công nghệ cao cũng chủ yếu tận dụng chi phí lao động giá rẻ... Như vậy, tác động ngược từ các khu vực kinh tế khác, từ DN đến việc dịch chuyển cơ cấu lao động cũng chưa đảm bảo.

Do đó, việc chuyển dịch cơ cấu lao động, theo các chuyên gia, cần phải đặt ra ở cả nội tại mỗi ngành, theo hướng lao động giản đơn dần được thay thế bởi lao động có trình độ, kỹ thuật. Muốn làm được điều này, bên cạnh vai trò định hướng, hỗ trợ từ Nhà nước, bản thân NLĐ cần phải ý thức tự trang bị kiến thức, hành trang cần thiết để thích ứng với môi trường làm việc mới. Việc này mang lại lợi ích cho chính NLĐ, nhưng đồng thời thúc đẩy hình thành một thị trường lao động cạnh tranh, từ đó mới có thể tính đến chuyện tăng NSLĐ.

NGUYỄN LỘC