Hoàn thành toàn diện Kế hoạch kiểm toán năm 2019: Siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:15, 06/01/2020

(BKTO) - Năm 2019, bằng việc triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, KTNN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần tích cực vào việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, phát huy hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.



KTNN hoàn thành toàn diện KHKT năm 2019. Ảnh: Phố Hiến

Kiến nghị xử lý tài chínhhàng chục nghìn tỷ đồng

Với nhiệm vụ trọng tâm của toàn Ngành là xây dựng, thực hiện thắng lợi Kế hoạch kiểm toán (KHKT) năm 2019, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, KTNN đã bám sát định hướng của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), xây dựng KHKT tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí và các vấn đề dư luận xã hội quan tâm. Nhờ sự chủ động và tích cực phối hợp, tiếp thu ý kiến của các cơ quan liên quan, KHKT năm 2019 với tổng số 212 cuộc đã được ban hành đảm bảo tuân thủ pháp luật, khoa học, chặt chẽ, minh bạch và công khai. KTNN tiếp tục tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng công tác lập KHKT của từng cuộc kiểm toán thông qua việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, mở rộng phạm vi khảo sát, thu thập thông tin nhưng không làm tăng thời gian, nhân lực trong khâu khảo sát, lập KHKT, đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu kiểm toán...

Năm 2019, KTNN đã tổ chức thực hiện 212 cuộc kiểm toán; đến nay đã hoàn thành 248/290 báo cáo kiểm toán (BCKT) theo kế hoạch. Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước, 100% các cuộc kiểm toán đều phát hành BCKT theo đúng quy định.

Tổng hợp kết quả xử lý tài chính đến nay là 72.837 tỷ đồng, trong đó tăng thu NSNN 10.276 tỷ đồng, giảm chi NSNN 16.829 tỷ đồng, kiến nghị khác là 45.732 tỷ đồng. Ngoài ra, KTNN đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ, thay thế 154 văn bản (09 nghị định; 24 thông tư; 09 nghị quyết, 40 quyết định và 72 văn bản khác), nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách tránh thất thoát, lãng phí; kiến nghị xử lý trách nhiệm theo quy định của pháp luật đối với nhiều tập thể và cá nhân.

Qua kiểm toán, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị chấn chỉnh kịp thời nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán. Đáng chú ý như những kiến nghị nhằm chấn chỉnh hạn chế, bất cập trong thực hiện cơ chế tự chủ đối với các trường đại học, bệnh viện công lập; thực hiện hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); công tác quản lý thuế, đất đai, tài nguyên khoáng sản; cơ chế quản lý, hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty, ngân hàng, tổ chức tín dụng...

Tích cực góp phần phát huy hiệu quả nguồn lực quốc gia

Ngay từ đầu năm 2019, để thực hiện hiệu quả KHKT năm, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành và quyết liệt chỉ đạo triển khai đồng bộ nhiều giải pháp dựa trên quan điểm xuyên suốt là bám sát các nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước; xây dựng phương án tổ chức kiểm toán chi tiết, khoa học và không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng kiểm toán.

Trong quá trình kiểm toán, nhiều văn bản chỉ đạo nhằm nâng cao ý thức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm của cá nhân, tập thể trong thực hiện nhiệm vụ đã được ban hành. Vì vậy, các cuộc kiểm toán đạt nhiều kết quả tích cực, đảm bảo đúng trọng tâm, mục tiêu, nội dung kiểm toán đã được duyệt; Quy chế hoạt động đoàn kiểm toán được thực hiện nghiêm túc. Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), thanh tra thường xuyên được chú trọng. 100% các cuộc kiểm toán, sau khi kết thúc đều được đánh giá, chấm điểm, bình xét và xếp loại đối với từng kiểm toán viên, tổ trưởng tổ kiểm toán và trưởng đoàn kiểm toán. Đây là cơ sở đánh giá năng lực và bình xét thi đua.

Bên cạnh kết quả hoàn thành toàn diện KHKT 2019 một cách chất lượng, hiệu quả, trong năm 2019, KTNN đã có những đóng góp lớn vào việc tăng cường quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, phát huy hiệu quả nguồn lực quốc gia, tích cực phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Đáng chú ý, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trình bày Báo cáo kết quả kiểm toán quyết toán NSNN năm 2017 trước Quốc hội với nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật, được Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm, đánh giá cao. KTNN đã gửi nhiều báo cáo chuyên đề cung cấp thông tin phục vụ kịp thời các phiên họp của UBTVQH, Chính phủ, các đoàn giám sát của UBTVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội tại một số địa phương; chủ động gửi UBTVQH, các đại biểu Quốc hội ý kiến đánh giá tình hình thực hiện NSNN năm 2019, dự toán NSNN năm 2020 và phân bổ ngân sách T.Ư năm 2020 để Quốc hội xem xét, quyết định.

Cũng trong năm 2019, KTNN đã cung cấp 82 BCKT và các tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Ban Nội chính T.Ư, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát và thực hiện tố tụng; chuyển 5 vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự sang cơ quan Cảnh sát điều tra, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra làm rõ sai phạm qua kết quả kiểm toán tại Dự án Nhà máy Sản xuất phân đạm từ than cám để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Song song với đó, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán. Tính đến ngày 20/12/2019, các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 62.799/92.499 tỷ đồng, đạt 70,1% tổng số kiến nghị xử lý tài chính; sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 19 văn bản theo kiến nghị của KTNN nhằm bịt lỗ hổng về cơ chế, tổ chức thực hiện quy định của Nhà nước tránh thất thoát, lãng phí; xử lý trách nhiệm 34 tập thể và cá nhân theo quy định.
         
Đồng chí Trần Quốc Vượng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư: “Kết quả hoạt động của ngành KTNN trong thời gian qua khẳng định, KTNN đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tổ chức của Nhà nước; giúp Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất thực hiện giám sát tối cao, quyết định chính sách tài chính quốc gia; giám sát thực hiện quyền lực Nhà nước trong việc sử dụng ngân sách, tài sản công, phân bổ nguồn lực, quản lý, điều hành kinh tế vĩ mô... đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu phát triển đất nước”.
H.THOAN