“Sống chung” với hạn, mặn

Xã hội - Ngày đăng : 04:25, 07/04/2016

(BKTO) - Chưa bao giờ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)lại đối mặt với hạn, mặn khốc liệt như hiện nay. Bài toán đẩy lùi hạn, mặn, giữđủ nguồn nước ngọt đang đặt ra vô cùng bức thiết trong bối cảnh những tác độngtiêu cực từ biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng.



ĐBSCL đang đối mặt với hạn, mặn nghiêm trọng nhất trong lịch sử nhiều năm qua.Ảnh: TS

Hậu quả nặng nề

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát: Việt Nam đang trải qua đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử. Lượng mưa tại ĐBSCL giảm 20 - 30% so với trung bình nhiều năm. Lượng nước trên sông Mê Kông chảy về Việt Nam giảm khoảng 50%. Trong 2 tháng đầu năm, thủy triều dâng cao hơn bình thường nên xảy ra xâm nhập mặn sâu vào đất liền, nhiều nơi vào sâu tới 70 - 90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 20 km. Theo thống kê, đến nay có 160.000 ha lúa ở ĐBSCL bị thiệt hại, diện tích không thể làm được vụ hè thu hoặc phải thay đổi thời vụ, lùi lại chờ mưa khoảng 500.000 ha, tương đương 1/3 diện tích lúa của ĐBSCL. Trước tình hình phức tạp của hạn, mặn, Chính phủ cũng đã cung cấp khoảng 700 tỷ đồng để hỗ trợ các tỉnh xây dựng trạm bơm nước ngọt, hệ thống dẫn nước, chở nước đến cho nhân dân, hỗ trợ thiệt hại 2 triệu đồng/ha để nhân dân mua giống cho vụ sau. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công nhiều công trình thủy lợi ngăn mặn và trữ nước ngọt… Tuy nhiên, các giải pháp hiện nay cũng chỉ mang tính chất tình thế.

Theo nhiều chuyên gia, hạn mặn ở ĐBSCL ngày càng phức tạp, là hệ quả của nhiều nguyên nhân nhưng lớn nhất vẫn do hiện tượng biến đổi khí hậu, thời tiết bất thường, nước biển dâng, lún sụt địa chất. Đặc biệt, các chuyên gia cảnh báo, xâm nhập mặn do nước biển dâng là một điều tất yếu và ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh các đập thủy điện ở thượng nguồn sẽ làm sụt giảm lượng phù sa bồi đắp. Chính vì vậy, một trong những giải pháp căn cơ là chúng ta phải học cách thích ứng với việc này. Người dân ĐBSCL đã từng “sống chung với lũ” thì nay đến lượt phải “sống chung với hạn, mặn”. Lũ có lúc cũng gây hại nhưng nguồn lợi từ lũ rất lớn nên dễ sống chung, còn hạn, mặn lại là cả một thách thức.

Không thể đảo ngược thì phải thích ứng

Hạn, mặn không còn là câu chuyện nhất thời, biến đổi khí hậu cũng ngày càng tác động xấu đến vùng sản xuất lương thực lớn nhất cả nước. Do vậy, ứng phó với hạn, mặn không phải là câu chuyện ngày một ngày hai, mà phải tính toán dài hạn. Trước hết là điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi thích ứng với hạn, mặn; trong đó cần chú ý các giải pháp trước mắt như: vùng thiếu nước cần có phương án chuyển từ cơ cấu sản xuất 3 vụ sang 2 vụ, bố trí dịch chuyển khung thời vụ cho phù hợp để tránh hạn; đẩy mạnh chuyển đổi những vùng thiếu nước sang cây trồng cạn ngắn ngày để tăng hiệu quả sản xuất và tiết kiệm nước tưới… Song, để làm được những phương án trên, một yêu cầu mang tính tất yếu đối với chúng ta hiện nay là phải thực hiện tốt liên kết vùng. Đây là nhiệm vụ phức tạp, khó khăn và lâu dài, cần có tầm nhìn dài hạn, nhưng cũng cần những hoạt động cấp bách trong ngắn hạn. Nhiều chuyên gia cho rằng, công tác này cần được chỉ đạo tập trung, thường xuyên tổng kết, rút kinh nghiệm để điều chỉnh phù hợp với thực tế trên cơ sở xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá và tham vấn thông tin phản hồi từ các bên liên quan. Những chủ trương, định hướng phát triển vùng cần được cụ thể hóa bằng các mô hình tổ chức sản xuất, tăng cường liên kết vùng trong ứng phó biến đổi khí hậu, quản trị và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và nước.

Ông Nguyễn Hữu Thiện - chuyên gia độc lập về ĐBSCL và thủy điện Mê Kông nhận định: Cần phải định ra chiến lược, có mục tiêu rõ ràng, có tính toán lời lỗ, chi phí và lợi ích. Thích ứng cũng nên dựa trên tình hình diễn biến chung, chứ không nên chỉ lấy tình hình của năm cực đoan để hình thành chiến lược cho nhiều năm. Khi tiến hành biện pháp công trình, cần phải hiểu rõ và tính toán đầy đủ chi phí của các tác động về môi trường và xã hội. Thích ứng còn có nghĩa là chuyển đổi theo cho phù hợp nếu biết tình hình là không thể đảo ngược. Việc cố gắng bám cây lúa hoặc bảo vệ hệ thống canh tác nước ngọt ở vùng ven biển, đặc biệt là vào mùa khô, bằng mọi giá là không phù hợp và không hợp lý về mặt kinh tế. Xâm nhập mặn do nước biển dâng, dù không tốt cho người trồng lúa, nhưng lại là cơ hội cho người nuôi thủy sản nước mặn… - ông Thiện nhấn mạnh.

HOÀNG LONG