Xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công: Tạo dựng lòng tin giữa doanh nghiệp lớn và startup là điều quan trọng

Đầu tư - Ngày đăng : 09:20, 06/01/2020

(BKTO) - Dù phát triển mạnh những năm gần đây nhưng so với các nước trong khu vực, hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam vẫn còn tương đối non trẻ và chưa kết nối chặt chẽ với nhau. Nhiều startup (DN khởi nghiệp) vẫn thiếu kinh nghiệm quản lý, đặc biệt là nguồn vốn. Trong bối cảnh đó, dòng vốn từ các quỹ đầu tư mạo hiểm (ĐTMH) cũng như sự hỗ trợ của các DN lớn sẽ giúp các startup Việt tháo gỡ khó khăn để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh hơn.



Các DN lớn đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp. Ảnh: Thái Anh

Quỹ đầu tư mạo hiểm - mắt xích quan trọng của hệ sinh thái khởi nghiệp

Theo Báo cáo đầu tư công nghệ Việt Nam do 2 Quỹ ĐTMH Cento Ventures và ESP Capital công bố gần đây, chỉ trong vòng 2 năm, Việt Nam đã phát triển từ một hệ sinh thái khởi nghiệp ít hoạt động, đứng áp chót trong số 6 quốc gia lớn nhất ASEAN lên vị trí thứ 3, chỉ sau Indonesia và Singapore. Lượng vốn đầu tư và số lượng giao dịch công nghệ được thực hiện đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn nửa đầu năm 2017 đến nửa đầu năm 2019. Cụ thể: các công ty khởi nghiệp đã huy động được tổng cộng 246 triệu USD trong nửa đầu năm 2019, tăng mạnh so với mức 166 triệu USD của cùng kỳ năm 2018. Trong đó, 3 khoản đầu tư lớn nhất vào Tiki, VNPay và VNG đã chiếm tới 63% tổng số vốn tài trợ.
Sức hấp dẫn của hệ sinh thái khởi nghiệp còn được minh chứng rõ hơn khi ngay tại Diễn đàn Quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam 2019 vừa qua, đã có 425 triệu USD - tương đương hơn 10.000 tỷ đồng - đầu tư cho startup Việt trong 3 năm tới. Dòng vốn cam kết dồi dào từ 18 quỹ đầu tư phản ánh sự hối hả bắt nhịp của các quỹ trong bối cảnh Việt Nam đang chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào đổi mới sáng tạo.

Để có được môi trường năng động như vậy, các quỹ ĐTMH đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện, Việt Nam đang có hơn 40 quỹ ĐTMH, tăng gấp đôi so với năm 2015, điển hình như: IDG Ventures, CyberAgent Ventures, Captii Ventures, Gobi Partners, 500 Startups... Trong đó, một số quỹ ĐTMH quốc tế đang hoạt động khá hiệu quả là: Mekong Capital với 3 quỹ tổng trị giá 181 triệu USD; IDG Ventures hiện có 3 quỹ trị giá 500 triệu USD; BankInvest có 1 quỹ tập trung vào thị trường mới nổi trị giá 100 triệu USD... Đến nay, các quỹ này đã đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD vào những công ty tư nhân.

Trong nước, một số tập đoàn lớn như: VinGroup, Viettel, CMC, FPT… cũng đã thành lập Quỹ Đầu tư cho các DN khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Hiện tại, các quỹ được hình thành từ năm 2015 như: 2015 FPT Ventrues, 2016 FPT VII SA, 2017 VPBank startup, Vietel, CMC innovation fund, Vietel, VinGroup… đã công bố chương trình hỗ trợ startup với trọng tâm là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính. Các hình thức chủ yếu là thành lập quỹ đầu tư tài chính và đóng vai trò kết nối với chuyên gia tài chính để hỗ trợ startup xây dựng và phát triển sản phẩm.

Nâng cao vai tròcủa các doanh nghiệp lớn

Cùng với dòng vốn từ những quỹ ĐTMH, các DN lớn cũng đóng vai trò quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Ngoài việc đầu tư vốn, cố vấn, chia sẻ kinh nghiệm thương trường và cách quản lý nguồn vốn... các DN lớn còn trở thành nhà đầu tư bền vững, là khách hàng đưa sản phẩm khởi nghiệp vào trong chuỗi giải pháp cung cấp ra thị trường cho các startup.

Theo ông Vũ Khắc Hùng - Công ty Công nghệ thông tin VNPT, để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công và đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế, DN lớn phải “ngồi cùng một con thuyền”, đưa ra các gói hỗ trợ về tài chính và là đối tác hoặc trở thành khách hàng của các startup chứ không phải là đối thủ cạnh tranh. Mặt khác, DN lớn cần ưu tiên sử dụng các sản phẩm từ cộng đồng khởi nghiệp, tạo cơ hội cho sản phẩm ra thị trường; tìm kiếm, lựa chọn đầu tư vào startup tiềm năng, phù hợp với định hướng phát triển của công ty.

Một vấn đề quan trọng nữa là tạo dựng lòng tin giữa DN lớn và startup. Thực tế cho thấy, khởi nghiệp không thể tách khỏi hệ sinh thái, đó là tổng hòa của các yếu tố như: chính sách, sự hỗ trợ, thị trường... Bất kỳ startup nào cũng cần có vai trò của nhà đầu tư, nhà cố vấn, nhà khoa học. Tuy nhiên, các yếu tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp được đánh giá là chưa kết nối chặt chẽ, chưa phát triển lành mạnh. Nguyên nhân đến từ việc các startup còn nghi ngại sợ DN lớn “nuốt” và ngược lại, các nhà đầu tư cũng thiếu tin tưởng vào startup.

Các startup thường có nhược điểm chung là khi gọi vốn, họ không cho DN lớn thấy được sự đo lường thị trường, năng lực cạnh tranh và lợi thế của mình. Họ không đưa cho nhà đầu tư một cơ hội thoái vốn. Trong khi đó, các nhà đầu tư rót vốn cho các dự án khởi nghiệp lại phải đối mặt với rủi ro thanh khoản, mua 5 - 7 năm có khi chẳng phát triển được, không bán được. Chưa kể, nhà đầu tư còn phải chịu rủi ro về thay đổi công nghệ, về tính liêm chính, khả năng xung đột sở hữu trí tuệ, định giá, khả năng mất kiểm soát và che giấu thông tin...

Mặt khác, việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp hiện nay đang có sự thiếu liên kết giữa các tỉnh thành, vùng miền với nhau. Hệ sinh thái khởi nghiệp trên cả nước đang rất sôi động, nhiều nguồn lực hỗ trợ... nhưng các chương trình lại thiếu thông tin kết nối, chưa đi vào chiều sâu. Lý do là bởi lòng tin giữa DN lớn với startup và ngược lại chưa được củng cố, xác lập. Chính vì vậy, muốn xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp vững mạnh, Việt Nam còn rất nhiều việc phải làm để cải thiện mối quan hệ này.
THÙY LÊ