Hệ thống kiểm soát chất lượng kiểm toán ngày càng hoàn thiện theo hướng tuân thủ chuẩn mực và thông lệ quốc tế

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:25, 30/01/2020

(BKTO) - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán


♦Thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN vừa được Quốc hội thông qua đã luật hóa vấn đề kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT). Điều đó cho thấy vai trò quan trọng của hoạt động này. Thời gian gần đây, công tác KSCLKT của KTNN đã có nhiều đổi mới, xin ông cho biết những điều tâm đắc về hoạt động này trong năm 2019?

         

   Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước
   Đoàn Xuân Tiên
- Nhận thức rõ vai trò đặc biệt quan trọng của chất lượng kiểm toán và thực hiện cam kết với Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), lãnh đạo KTNN luôn chú trọng đến hoạt động KSCLKT. Điều này thể hiện rõ tại mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 là “Minh bạch - Chất lượng - Hiệu quả và Không ngừng gia tăng giá trị” và việc quyết liệt thực hiện nhiều biện pháp để đạt mục tiêu.

Theo đó, những năm gần đây, KTNN đã thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng kiểm toán, đặc biệt, sau khi Hệ thống Chuẩn mực KTNN (CMKTNN) được ban hành theo Quyết định số 02/2016/QĐ-KTNN ngày 15/7/2016, Quy chế KSCLKT ban hành theo Quyết định số 558/QĐ-KTNN ngày 22/3/2016. Quy chế KSCLKT đã cụ thể hóa CMKTNN số 40 về “Kiểm soát chất lượng kiểm toán”. Cụ thể: Hệ thống KSCLKT của KTNN ngày càng hoàn thiện, được xây dựng theo 5 cấp độ kiểm soát, (Tổng Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán trưởng, trưởng đoàn, tổ trưởng và kiểm toán viên - KTV), thực hiện kiểm soát đồng bộ ở tất cả các khâu của quá trình kiểm toán, trong đó, Vụ Chế độ và KSCLKT được giao nhiệm vụ chuyên trách thực hiện giám sát và soát xét tất cả cuộc kiểm toán; thực hiện đồng bộ 5 hình thức kiểm soát, gồm: giám sát, kiểm toán trực tiếp, kiểm soát đột xuất, kiểm soát tổ chức kiểm soát của kiểm toán trưởng, kiểm tra hồ sơ sau khi phát hành báo cáo kiểm toán. Ba vụ tham mưu: Tổng hợp, Pháp chế, Chế độ và KSCLKT thực hiện thẩm định kế hoạch kiểm toán và các báo cáo kiểm toán trước khi phát hành. Ngoài ra, KTNN còn áp dụng công nghệ thông tin, xây dựng phần mềm ghi chép nhật ký kiểm toán để quản lý và kiểm soát các đoàn kiểm toán.

Nhờ các giải pháp đồng bộ được triển khai quyết liệt ở mọi cấp độ, công tác kiểm toán những năm gần đây đạt được nhiều kết quả tích cực. Năm 2016, xử lý tài chính là 38.776 tỷ đồng, năm 2017 là 90.907 tỷ đồng, năm 2018 là 92.499 tỷ đồng, năm 2019 là 72.837 tỷ đồng. Đồng thời, KTNN đã kiến nghị sửa đổi nhiều văn bản pháp luật để bịt lỗ hổng chính sách, năm 2016: 110 văn bản; năm 2017: 156 văn bản; năm 2018: trên 100 văn bản; năm 2019: 154 văn bản; đạo đức, tác phong của cán bộ, KTV được chấn chỉnh.

Những điều tâm đắc về hoạt động KSCLKT trong năm 2019 phải kể đến là:
Căn cứ pháp lý cho hoạt động KSCLKT đã được luật hóa. Việc bổ sung Điều 49a về KSCLKT tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 là cơ sở để xây dựng hệ thống KSCLKT. KTNN đã hoàn thành hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán để đưa CMKTNN vào đời sống kiểm toán.

Hệ thống kiểm soát của KTNN ngày một hoàn thiện, việc thực hiện đầy đủ 5 cấp độ kiểm soát và kiểm soát đồng bộ ở các khâu của quá trình kiểm toán đã giảm thiểu được rủi ro kiểm toán.

Cùng với đó, đạo đức, tác phong của cán bộ, KTV ngày càng chuẩn chỉ và chuyên nghiệp hơn. KTNN đã triển khai đầy đủ 5/5 hình thức KSCLKT có tác dụng bổ trợ cho nhau, trong đó chú trọng kiểm soát công tác tổ chức kiểm soát của kiểm toán trưởng và kiểm soát đột xuất (có yếu tố bất ngờ) cùng với việc đánh giá chất lượng các đoàn kiểm toán theo kết quả. Việc làm này đã giúp nâng cao tính tự giác và hạn chế các hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động kiểm toán.

Công tác KSCLKT đi vào thực chất và thiết thực hơn, tập trung vào những trọng tâm, đánh giá thực hiện đầy đủ các trọng tâm kiểm toán; tuân thủ quy trình, quy chế, hồ sơ, mẫu biểu kiểm toán; kiểm soát việc thu thập và tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán; phát hiện các trường hợp KTV bỏ sót kết quả kiểm toán; chú trọng kiểm soát các vấn đề nhạy cảm, tập trung vào các đơn vị, các đoàn, tổ kiểm toán yếu kém.

Nhờ đó, chất lượng kiểm toán đã được nâng lên rõ rệt, kết quả KSCLKT đã góp phần hạn chế sai sót, rủi ro kiểm toán, kiến nghị kiểm toán ngày càng khả thi, kết quả kiểm toán những năm gần đây đã tăng lên rõ rệt.

♦Theo ông, trong bối cảnh hiện nay, đâu là trở ngại lớn nhất đối với việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động kiểm toán?

- Do đặc thù hoạt động kiểm toán rất phân tán nên công tác KSCLKT của các tổ kiểm soát chủ yếu thông qua hình thức giám sát qua nhật ký điện tử, song vẫn còn một số ít KTV, tổ kiểm toán có tình trạng đối phó, tính tự giác và kỷ luật chưa cao như: ghi chép kết quả kiểm toán chưa kịp thời; chưa đính kèm bằng chứng vào nhật ký...

Khối lượng công việc nhiều, yêu cầu nhiệm vụ ngày một cao, tính chất công việc phức tạp hơn do phải kiểm toán nhiều lĩnh vực mới và khó, song số lượng cán bộ công chức làm công tác KSCLKT còn có khoảng cách so với yêu cầu.

Một số KTV chưa nâng cao tính chuyên nghiệp, ý thức chấp hành quy trình kiểm toán, chuẩn mực kiểm toán; còn ngại áp dụng những quy định mới theo thông lệ quốc tế.

♦Như vậy, yêu cầu đặt ra đối với công tác KSCLKT của KTNN trong năm 2020 và những năm tiếp theo là như thế nào, thưa ông?

- Trước hết, toàn Ngành cần tập trung triển khai thực hiện Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN có hiệu lực từ ngày 01/7/2020; tiếp tục hoàn thiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn trong năm 2020. Riêng các vấn đề liên quan đến công tác KSCLKT cần tập trung thực hiện:

Một là, chuẩn hóa hoạt động KSCLKT, tập trung sửa đổi Quy chế KSCLKT theo hướng phân cấp mạnh về kiểm soát chất lượng cho KTNN chuyên ngành, khu vực, quy định rõ trách nhiệm kiểm soát của các cấp kiểm soát; sửa đổi quy định đánh giá chất lượng đoàn, tổ kiểm toán và thành viên đoàn kiểm toán dựa trên kết quả đầu ra; phân cấp hoạt động để hạn chế sự chồng chéo, bảo đảm cải cách thủ tục hành chính.

Hai là, tăng cường xây dựng bộ máy KSCLKT theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả. Bổ sung các KTV có chuyên môn sâu, có kinh nghiệm thực tiễn và khả năng khái quát tổng hợp; bảo đảm cơ cấu hợp lý cán bộ có chuyên môn làm công tác KSCLKT cho các lĩnh vực kiểm toán; tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về nghiệp vụ kiểm toán và KSCLKT.

Ba là, xây dựng cơ chế bảo đảm minh bạch kết quả kiểm toán để kiểm soát chặt chẽ các hoạt động kiểm toán. Ban hành đầy đủ các hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu phù hợp với thông lệ và thực tế kiểm toán; sửa đổi hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, đơn giản, tiện ích, phù hợp thực tiễn; xử lý kết quả kiểm toán phải được hồ sơ hóa; tiếp tục thực hiện quy định KTV ghi chép kết quả kiểm toán trên phần mềm nhật ký điện tử, có đính kèm các bằng chứng để quản lý hoạt động kiểm toán của các KTV.

Bốn là, đa dạng hóa hình thức và phương pháp kiểm soát (áp dụng đồng bộ 5 hình thức kiểm soát), trong đó chú trọng kiểm soát công tác tổ chức kiểm soát của kiểm toán trưởng và kiểm soát đột xuất.

Năm là, đổi mới phương pháp KSCLKT có trọng tâm, trọng điểm dựa trên đánh giá trọng yếu, rủi ro. Tập trung vào kiểm soát tuân thủ các CMKTNN, quy trình, quy chế, hồ sơ mẫu biểu; phát hiện các trường hợp KTV bỏ sót kết quả kiểm toán; kiểm soát việc thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp; chú trọng kiểm soát các vấn đề nhạy cảm như: dự án đầu tư, đối chiếu thuế...

Sáu là, xây dựng cơ chế giám sát từ phía đơn vị được kiểm toán. Phối hợp với các Bộ, ngành, tỉnh ủy, ủy ban nhân dân, hội đồng nhân dân trong việc giám sát, quản lý hoạt động kiểm toán.

Bảy là, theo dõi và đánh giá chất lượng đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và thành viên đoàn kiểm toán theo kết quả đầu ra. Việc đánh giá để xử lý những KTV có kết quả kiểm toán thấp và tôn vinh những KTV có kết quả kiểm toán cao nhằm nâng cao ý thức tự giác, trách nhiệm của các KTV trong hoạt động kiểm toán; định kỳ đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch KSCLKT trong giao ban hằng tháng để chấn chỉnh và xử lý kịp thời các hạn chế, bất cập.

Tám là, tăng cường công tác tuyên truyền, công tác thi đua, khen thưởng, kỷ luật trong hoạt động kiểm soát chất lượng. Nâng cao hơn nữa nhận thức, tạo chuyển biến tích cực cho cán bộ, KTV về tầm quan trọng và trách nhiệm trong công tác KSCLKT, đồng thời xây dựng văn hóa nội bộ về KSCLKT.

♦Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước!

THUỲ ANH (thực hiện)