Đại biểu Quốc hội Bùi Văn Phương - Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Ninh Bình: Cần đặt đúng vai trò của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán các dự án PPP

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:25, 31/01/2020

(BKTO) - Qua Báo cáo công tác của KTNN gửi đến Quốc hội và qua theo dõi thực tế, tôi thấy rằng, năm 2019, KTNN đã thực hiện tốt chức trách được giao.


Hoạt động kiểm toán đã đi đúng trọng tâm và đóng góp rất quan trọng cho quản lý tài chính, tài sản đất nước; đặc biệt là đã tập trung vào những vấn đề đất nước và người dân đang quan tâm, nhất là kiểm toán tình hình thu, chi, quản lý sử dụng tài chính công, tài sản công nhằm phát huy hiệu quả nguồn lực công, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Qua công tác kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị khắc phục, xử lý các sai phạm và quan trọng hơn giúp các tổ chức, cá nhân tuân thủ đúng pháp luật. Tôi cũng đồng tình với Kế hoạch kiểm toán năm 2020 của KTNN. Mong rằng KTNN sẽ phát huy tốt hơn nữa vai trò của mình, đóng góp vào sự công khai, minh bạch của nền tài chính quốc gia.

Đặc biệt, tôi rất quan tâm đến vấn đề kiểm toán các dự án hợp tác công - tư (PPP). Hiện nay, Quốc hội đang thảo luận và sắp tới sẽ xem xét, thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư, trong đó có đặt ra vấn đề về vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án này. Tôi cho rằng, trong điều kiện NSNN khó khăn thì việc hợp tác công - tư để huy động nguồn vốn ngoài nhà nước cho đầu tư kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội là vô cùng cần thiết. Trong thời gian vừa qua, mặc dù chưa có Luật nhưng đã có nhiều dự án được thực hiện theo hình thức hợp tác công - tư, thực hiện theo các quy định tại các văn bản dưới Luật. Trong quá trình thực hiện các dự án này có nhiều mặt tích cực song cũng có không ít hạn chế, làm giảm hiệu quả hợp tác công - tư. Bởi cách làm từ khâu quy định chính sách đến khâu tổ chức thực hiện còn khiến dư luận, người dân băn khoăn, nghi ngờ, thậm chí có chuyện lợi dụng, làm sai, có nhóm lợi ích.

Vì vậy, việc xây dựng Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư là rất phù hợp, nhằm tạo lập một khuôn khổ chuẩn mực để triển khai các dự án PPP. Vấn đề đặt ra khi xây dựng Luật mà người dân và cán bộ, đảng viên rất quan tâm là làm sao đảm bảo công khai, minh bạch; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Nếu công khai minh bạch; giải trình đầy đủ những vấn đề người dân quan tâm thì sẽ không xảy ra sai phạm, không khiến người dân nghi ngờ, băn khoăn. Mà muốn công khai, minh bạch, giải trình một cách đầy đủ, đảm bảo lợi ích hài hòa của tất cả các bên thì vấn đề kiểm toán là rất cần thiết. Bởi vì mục đích cuối cùng của kiểm toán là để phục vụ cho công tác công khai, minh bạch. Khi KTNN kiểm toán toàn bộ dự án (cả phần vốn công và tư) thì sẽ cho người dân thấy rõ anh đầu tư vào đó bao nhiêu tiền? anh thu hồi vốn theo cơ chế nào? trong thời gian bao nhiêu năm? Khi mọi thứ đã rõ ràng thì chắc chắn người dân sẽ đồng thuận, sẽ không có thắc mắc, băn khoăn.

Mặt khác, hợp tác công - tư là nhằm cung cấp các dịch vụ công cho xã hội. Có ý kiến hiểu chưa đúng, chưa đầy đủ bản chất nên thắc mắc tại sao KTNN lại kiểm toán phần vốn tư. Cần hiểu rằng, nếu là vốn của tư nhân hoàn toàn thì sản phẩm là theo thị trường nhưng khi tư nhân hợp tác với Nhà nước để đầu tư các công trình dự án liên quan đến lợi ích công thì đương nhiên phải được kiểm toán. Vì vậy, quan điểm của tôi là cần đặt đúng vai trò của KTNN trong kiểm toán các dự án PPP. Theo đó, KTNN phải kiểm toán toàn bộ dự án này để đảm bảo lợi ích của người dân. Khi dự án được thực hiện đúng quy định thì không có gì phải ngại KTNN vào kiểm toán mà ngược lại, khi dự án được kiểm toán sẽ khẳng định cho người dân thấy được dự án đó là minh bạch và sẽ được người dân đồng thuận, dự án sẽ được triển khai tốt, không dẫn đến những cản trở như vừa qua và cũng giúp ngăn ngừa sai phạm trong triển khai các dự án.

N.HỒNG (ghi)