Kế toán, kiểm toán Việt Nam - Đổi mới toàn diện, vững bước tương lai
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 15:54, 31/01/2020
(BKTO) - Trải qua 25 năm, kế toán và kiểm toán Việt Nam đã có nhiều cải cách và đổi mới, đáp ứng yêu cầu của kinh tế thị trường, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo thông tin kinh tế tài chính tin cậy phục vụ các quyết định quản lý và minh bạch hóa nền tài chính quốc gia.
Tuy nhiên, so với yêu cầu và đòi hỏi của thị trường, kế toán và kiểm toán Việt Nam vẫn còn nhiều hạn chế về chất lượng thông tin, sự tiếp cận với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, năng lực của đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên, phát triển thị trường dịch vụ… Vì vậy, trong thời gian tới, kế toán, kiểm toán Việt Nam cần tiếp tục đổi mới để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của cơ chế kinh tế thị trường, hội nhập ngày càng sâu, toàn diện với nền kinh tế khu vực và thế giới.
Đặc biệt, khi đứng giữa thời đại của cách mạng khoa học kỹ thuật và nền kinh tế số, kế toán, kiểm toán Việt Nam cần nhanh chóng nhận diện những tác động, yêu cầu mới, tranh thủ sự hỗ trợ, chia sẻ kinh nghiệm của các tổ chức nghề nghiệp quốc tế và khu vực để xác định nhiệm vụ, tìm ra cách làm tốt nhất, hiệu quả nhất.
Trước tiên, trong giai đoạn tới, xu hướng toàn cầu hóa về kinh tế - tài chính, kế toán, kiểm toán sẽ ngày càng mạnh mẽ hơn với yêu cầu cao hơn. Nhiều hiệp định, điều ước, cam kết quốc tế được triển khai sẽ cho phép không chỉ hàng hóa, dịch vụ mà cả dòng vốn đầu tư, nguồn nhân lực, trong đó có nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán di chuyển tự do hơn. Vì vậy, Liên đoàn Kế toán quốc tế (IFAC) đã xây dựng và công bố Hệ thống Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) nhằm đảm bảo các báo cáo tài chính và việc trình bày báo cáo được dựa trên cơ sở những nguyên tắc, chuẩn mực chung mang tính phổ biến. Tất nhiên, Việt Nam cũng phải lựa chọn phương án và xây dựng lộ trình để đưa Hệ thống IFRS, Hệ thống Chuẩn mực Kế toán công (IPAS) vào áp dụng.
Đây là một thách thức và cũng là thời cơ để Việt Nam đổi mới toàn bộ hệ thống kế toán, kiểm toán. Tuy nhiên, chúng ta cần phải xác định rằng sẽ có rất nhiều việc phải làm, từ đổi mới và hoàn thiện thể chế, hoàn chỉnh các quy định pháp lý về kinh tế, hoàn thiện các chính sách tài chính, kế toán cho đến đổi mới quy trình, phương pháp kế toán, kiểm toán, chuẩn bị nguồn nhân lực cho tương lai. Đặc biệt, hoạt động đào tạo, phát triển nguồn nhân lực kế toán và kiểm toán trong bối cảnh hội nhập phải có sự đổi mới rất căn bản từ chương trình, nội dung và phương pháp đào tạo.
Thứ hai, khoa học, kỹ thuật và công nghệ, trong đó có khoa học quản lý, khoa học kế toán, kiểm toán, công nghệ về quản trị đã và đang phát triển rất mạnh mẽ. Đây cũng là thời kỳ của trí tuệ nhân tạo, Internet kết nối vạn vật (IoT), kết nối mọi dịch vụ với sự xuất hiện của hàng loạt phương thức giao dịch mới, phương thức thanh toán mới, những đơn vị đo lường mới. Hơn nữa, sự xuất hiện của điện toán đám mây, dữ liệu lớn Big Data, Blockchain... đã và sẽ làm thay đổi căn bản quy trình kế toán, kiểm toán, nâng cao hiệu quả quy trình xử lý, tổng hợp và cung cấp thông tin. Tất cả những điều đó tác động mạnh mẽ và đòi hỏi phải có sự thay đổi rất căn bản quy trình và phương pháp kế toán, kiểm toán; đổi mới căn bản phương thức tạo lập, thu thập và xử lý thông tin; phương thức kiểm tra, đánh giá, truyền tải, tiếp nhận, khai thác và lưu trữ thông tin.
Thứ ba, nguồn nhân lực có chất lượng cao là yếu tố mang tính quyết định trong mô hình tăng trưởng kinh tế mới theo chiều sâu, năng suất và chất lượng. Do đó, chúng ta cần quan tâm xây dựng nguồn nhân lực kế toán, kiểm toán phục vụ tốt nhất cho mô hình kinh tế mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập và cách mạng khoa học kỹ thuật, công nghệ số. Hơn lúc nào hết, năng lực và đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, kiểm toán được quan tâm và là yêu cầu rất cao.
Năng lực đối với người làm kế toán, kiểm toán không chỉ dừng lại ở trình độ hiểu biết, chuyên môn nghiệp vụ mà còn là những kỹ năng mới như: kỹ năng tổ chức, quản trị thông tin, quản trị mạng, kỹ năng phân tích đánh giá, phân tích dự báo, năng lực tư vấn, kỹ năng khai thác, vận hành mạng, sử dụng thông tin và bảo mật thông tin. Các kỹ năng này sẽ chỉ có được khi chúng ta đổi mới toàn bộ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kế toán, kiểm toán từ nội dung, chương trình, phương thức và phương pháp đào tạo. Trong đó, các cơ sở đào tạo cần có chính sách, chương trình đào tạo đảm bảo cho những người làm kế toán, kiểm toán được bồi dưỡng thường xuyên về chuyên môn, nghiệp vụ, phát triển năng lực theo chuẩn giáo dục của IFAC, cập nhật kịp thời những kiến thức mới, những kỹ năng nghề nghiệp mới. Tổ chức nghề nghiệp kế toán, kiểm toán cần đảm nhiệm tốt vai trò và trách nhiệm đào tạo đội ngũ kế toán, kiểm toán có chứng chỉ nghề nghiệp, tổ chức các hoạt động giáo dục, bồi dưỡng nghề nghiệp, nâng cao và phát triển năng lực cho những người làm kế toán, kiểm toán theo thông lệ và chuẩn mực giáo dục nghề nghiệp.
Cuối cùng, phẩm chất đạo đức của người làm kế toán và kiểm toán là yếu tố cốt lõi đảm bảo sự tin cậy của thông tin kế toán, là yếu tố quyết định đảm bảo giá trị nghề nghiệp của kế toán, kiểm toán. Đạo đức nghề nghiệp của người làm kế toán, kiểm toán không chỉ là đức tính trung thực, khách quan, say mê nghề nghiệp mà lớn hơn là trách nhiệm với nghề nghiệp, xã hội, cộng đồng. Vì vậy, việc xây dựng và duy trì chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, các quy tắc ứng xử của người làm kế toán, kiểm toán là yếu tố cốt lõi hàng đầu.
Trong bối cảnh kinh tế phát triển đa dạng, kế toán và kiểm toán Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Hy vọng rằng, với tâm thế hồ hởi, tự hào, những người làm kế toán và kiểm toán Việt Nam sẽ sẵn sàng làm tất cả vì nghề, vì triển vọng tốt đẹp của kế toán, kiểm toán Việt Nam trong tương lai.
BẮC SƠN (ghi)
PGS,TS. ĐẶNG VĂN THANH - Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam