Doanh nghiệp Việt trụ vững trong khó khăn, tự tin vào triển vọng kinh doanh

Đầu tư - Ngày đăng : 10:25, 31/01/2020

(BKTO) - Cùng với dự báo của các chuyên gia về triển vọng lạc quan của kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới, nhiều DN tin tưởng tình hình kinh doanh quý I/2020 sẽ tốt hơn so với năm 2019. Cụ thể, có 50% DN dự báo kết quả sản xuất kinh doanh đầu năm 2020 sẽ ở mức cơ bản ổn định, 44,1% cho rằng tình hình hoạt động sẽ tăng lên và chỉ có 5,9% dự đoán lợi nhuận sẽ giảm.


Những “gam màu” tươi sáng

Năm 2019, bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường khi tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại và thương mại toàn cầu sụt giảm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn duy trì được kinh tế vĩ mô ổn định, nhiều DN vẫn cố gắng trụ vững, duy trì sản xuất và đạt lợi nhuận tốt. Kết quả khảo sát về tình hình hoạt động của DN trong năm 2019 cho thấy, có 49,2% DN đánh giá hoạt động của DN tốt hơn năm trước; 39,5% DN cho rằng cơ bản ổn định và chỉ có 11,3% DN cho biết có giảm đi.

Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá, các DN đã tận dụng khá tốt các cơ hội và môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể. Đó cũng chính là yếu tố thúc đẩy số lượng DN Việt Nam tăng lên nhanh chóng, với gần 800.000 DN đang hoạt động. Như vậy, bình quân mỗi năm cả nước có thêm 17% DN thành lập mới.

Đánh giá tổng quan về vai trò của các DN, nhiều chuyên gia khẳng định, các DN đã tạo việc làm, giúp nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần quan trọng trong xóa đói, giảm nghèo và ổn định xã hội; là lực lượng quan trọng thu hút đầu tư để thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội, phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. Bên cạnh đó, các DN chính là trọng tâm trong đổi mới sáng tạo thông qua chuyển đổi mô hình sản xuất tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, dịch vụ, góp phần quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, các DN cũng chính là yếu tố then chốt thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm, dịch vụ và đóng góp lớn cho xuất khẩu, NSNN; tạo dựng thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng nhận định, thành tựu nổi bật của cộng đồng DN Việt Nam trong năm vừa qua là tinh thần khởi nghiệp ngày càng mạnh mẽ; cơ cấu quy mô và ngành nghề chuyển dịch tích cực theo hướng tăng số DN quy mô vừa, giảm số DN quy mô siêu nhỏ; mức độ linh hoạt và đổi mới sáng tạo của các DN có những bước tiến lớn. Trong đó, Chỉ số mức độ năng động trong kinh doanh (Chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu GCI 2019 - WEF) tăng 12 bậc, Chỉ số đổi mới sáng tạo tăng 3 bậc, đưa Việt Nam xếp thứ nhất trong nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 trong ASEAN, sau Singapore và Malaysia.

Cần đẩy lùi những điểm tối

Một “gam màu” kém tươi là mục tiêu đạt 1 triệu DN hoạt động vào năm 2020 đang gặp nhiều thách thức bởi số lượng DN thành lập mới liên tục tăng nhưng tỷ lệ DN gặp khó khăn phải tạm ngừng kinh doanh vẫn ở mức cao, tỷ lệ trung bình giai đoạn 2017-2019 khoảng 58,1%, trong đó năm 2019 khoảng 50%. So với nhiều nước phát triển, tỷ lệ DN trên quy mô dân số của Việt Nam vẫn còn thấp (120 người dân mới có 1 DN trong khi trung bình các nước ASEAN cứ 90 người dân có 1 DN; ở các nước phát triển thì cứ 10 người dân có 1 DN). Việt Nam mới có 7 DN lọt Top 200 DN tốt nhất châu Á có doanh thu dưới 1 tỷ USD nhưng chưa có DN nào vào Top 500 DN lớn nhất thế giới.

Cùng với đó, cơ cấu quy mô DN còn chưa bền vững. Tuy đã chuyển biến tích cực trong 2 - 3 năm gần đây nhưng số DN lớn vẫn còn tương đối ít, khoảng 17.000 DN được xếp hạng là quy mô lớn tính đến cuối năm 2018. Điều đáng lưu ý hơn là Việt Nam chỉ có khoảng 21.000 DN cỡ vừa, chiếm tỷ trọng 3,47% trên tổng số DN. Con số này khá khiêm tốn so với cấu trúc tại các nền kinh tế khác với tỷ trọng các DN cỡ vừa thường chiếm từ 5 - 10%. Thiếu DN lớn và vừa cũng là một trong những yếu tố hạn chế khả năng kết nối của DN Việt Nam với các chuỗi giá trị toàn cầu.

Gam màu tối đáng lưu ý nữa là năng lực khoa học công nghệ của các DN còn hạn chế. Đầu tư của DN Việt Nam vào đổi mới công nghệ trung bình chỉ chiếm 0,2 - 0,3% doanh thu, trong khi đó ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 10%. Trong kết quả điều tra về năng lực cạnh tranh và công nghệ cấp độ DN, chỉ có 10,2% DN cho biết có đầu tư vào nghiên cứu và phát triển.

Bên cạnh những khó khăn cố hữu như: năng lực tài chính hạn chế, trình độ quản trị DN còn thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề thì việc nâng cao năng suất và khả năng liên kết, tham gia vào các chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu vẫn còn là những bài toán đầy thách thức. Hiện tại, chỉ 21% DN Việt Nam là một phần trong chuỗi giá trị toàn cầu và chỉ 14% DN đã thành công trong việc thu hút khách hàng hoặc đối tác nước ngoài, mặc dù số lượng DN FDI đầu tư trong nước rất lớn.

Tiếp tục cải cách hành chính và môi trường pháp lý là khuyến nghị được nhiều chuyên gia kinh tế đưa ra. Kết quả khảo sát DN cũng cho thấy, có 87,1% DN mong muốn điều này. Bởi thủ tục hành chính phức tạp, chính sách hỗ trợ cạnh tranh yếu… là một trong những rào cản lớn nhất ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.
         
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đang đặt niềm tin và kỳ vọng Việt Nam có được một cộng đồng DN lớn mạnh, bền vững, có khả năng cạnh tranh toàn cầu, với những doanh nhân có khát vọng, có lòng tự tôn dân tộc mãnh liệt. Đó chính là tiền đề quan trọng để Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập tự cường và thịnh vượng…

PHÚC KHANG