Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - Kỳ I: Sử dụng tiền, tài sản thiếu linh hoạt, không hiệu quả trong năm 2012
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 08:55, 14/04/2016
(BKTO) - Theo đánh giá của KTNN qua thực hiện kiểm toán Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam năm 2012, mặc dù Tập đoàn tuân thủ, chấp hành tốt các quy định về quản lý tài chính, chế độ kế toán và các văn bản pháp luật có liên quan song cũng bộc lộ nhiều bất cập khi sử dụng tiền thiếu linh hoạt, vật tư hàng hóa không sử dụng, gây lãng phí.
Qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra nhiều bất cập về việc sử dụng tiền thiếu linh hoạt và không hiệu quả tại Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam trong năm 2012.Ảnh: TS
Đi vay lãi trong khi… dư tiền
Báo cáo kiểm toán Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam được thực hiện trên cơ sở kiểm toán Báo cáo tài chính Công ty mẹ (gồm văn phòng và 18 đơn vị trực thuộc Công ty mẹ) và 1 công ty hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên (MTV) do Công ty mẹ đầu tư 100% vốn điều lệ. Theo đó, trong bối cảnh Tập đoàn phải đi vay và trả lãi vay thì tại một số đơn vị như: Viễn thông Nghệ An, Thanh Hóa và Ban Tài chính kế toán Tập đoàn ở một số thời điểm còn duy trì số dư tài khoản lớn tại các ngân hàng với mức hưởng lãi suất không kỳ hạn.
Ban Tài chính kế toán Tập đoàn cũng chưa xây dựng và ban hành định mức số tiền gửi ngân hàng. Mặc dù có dự kiến nguồn thu, nhu cầu chi tiêu để cân đối tiền nhưng số dư trên tài khoản thanh toán tại các ngân hàng vẫn thường xuyên ở mức cao. Số dư tài khoản ngoại tệ tại các ngân hàng luôn duy trì ở mức khoảng 30 triệu USD. Đối với tài khoản tiền VNĐ cũng để số dư lớn khoảng 500 tỷ đồng trong một thời gian dài từ tháng 01 đến tháng 3/2012; các thời điểm khác thường ở mức trên 200 tỷ đồng. KTNN cho rằng, việc sử dụng tiền như vậy là thiếu linh hoạt và không hiệu quả.
Quản lý nợ phải thu cũng là vấn đề đáng chú ý trong Báo cáo kiểm toán, với nhiều khoản nợ quá hạn, khó đòi lâu năm. Năm 2012, Tập đoàn trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ngắn hạn theo quy định là trên 1,7 nghìn tỷ đồng, chiếm đến 14,3% nợ phải thu ngắn hạn, trong đó riêng tại Công ty mẹ nợ phải thu ngắn hạn đến 31/12/2012 là hơn 2,3 nghìn tỷ đồng, Công ty mẹ phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi ngắn hạn theo quy định là 1,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 14% nợ phải thu ngắn hạn.
Tỷ lệ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi cao chủ yếu là do cước dịch vụ viễn thông, với số lượng khách hàng lớn, khó đối chiếu, xác nhận công nợ nên không đủ điều kiện xử lý theo quy định. Trước thực trạng này, Tập đoàn đã báo cáo, đề xuất và được Bộ Tài chính cho phép Tập đoàn xử lý xóa nợ đối với các khoản phải thu khó đòi không đủ điều kiện giai đoạn 2001-2004 và giai đoạn 2005-2008 với số tiền 275,4 tỷ đồng, tuy nhiên việc tồn tại một lượng lớn nợ phải thu khó đòi đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng tiền, tài sản nhà nước tại Tập đoàn.
Hàng chục tỷ đồng vật tư “đắp chiếu”
Đánh giá về công tác quản lý vật tư hàng hóa, kết quả kiểm toán cho thấy tồn tại tình trạng: một số đơn vị còn dự trữ vật tư dự phòng chưa sát với thực tế sử dụng, giá trị vật tư. Vật tư, thiết bị mua sử dụng cho các dự án cuối năm còn tồn lớn do mua chưa sát với thực tế, chưa cân đối với lượng vật tư thiết bị tồn kho cùng với quá trình triển khai thực hiện dự án chậm, thực hiện thấp hơn so với quyết định đầu tư làm đọng vốn trong sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, tại Công ty Dịch vụ Viễn thông: thiết bị, vật tư mua nhưng chưa xuất vào sử dụng của các dự án trị giá 124,9 tỷ đồng; giá trị vật tư, thiết bị mạng dự phòng từ những năm 1998, 2005 đến nay không sử dụng được do mạng nhắn tin không còn tồn tại và các thiết bị cho tổng đài đã cũ, lỗi thời không phù hợp với hệ thống hiện đại là hơn 55 tỷ đồng; giá trị số vật tư này tại Viễn thông Hải Phòng là 4,7 tỷ đồng. Tại Viễn thông Khánh Hòa đến thời điểm kiểm toán còn tồn đọng 916 triệu đồng vật tư mua từ giai đoạn 2007-2008 chưa được sử dụng. Tại Viễn thông Lâm Đồng, đến thời điểm kiểm toán còn tồn đọng vật tư thiết bị trị giá gần 2,5 tỷ đồng. Tại Viễn thông Đà Nẵng, giá trị vật tư, công cụ dụng cụ, hàng hóa không sử dụng được gần 1,4 tỷ đồng. Tương tự, tại Viễn thông Hà Nội, vật tư thu hồi nhập lại kho từ những năm trước hơn 10 tỷ đồng, trong năm không sử dụng được; ngoài ra vật tư giao cho bên nhận thầu còn tồn gần 96 tỷ đồng thuộc các dự án chưa hoàn thành từ các năm trước. Tại Viễn thông Bình Dương, lượng nguyên vật liệu tồn kho lớn có trị giá trên 20,8 tỷ đồng.
Để khắc phục những bất cập trên, KTNN đã kiến nghị Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam cân đối dòng tiền, duy trì mức tồn dư tiền gửi ngân hàng hợp lý, sử dụng tiền linh hoạt, mang lại hiệu quả cao nhất cho Tập đoàn. Bên cạnh đó, Tập đoàn cần hoàn thiện việc xây dựng ban hành định mức tồn kho đối với vật tư sử dụng trong năm, đảm bảo vật tư tồn kho hợp lý phục vụ sản xuất kinh doanh. Đôn đốc kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị về tổ chức thanh lý vật tư, thiết bị tồn kho không sử dụng được do đã cũ, lỗi thời để thu hồi vốn, đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh; đồng thời, tăng cường công tác quản lý, đôn đốc thanh toán công nợ, đặc biệt là các khoản nợ phải thu đã quá hạn...
Kỳ sau đăng tiếp)
ĐĂNG KHOA