Các địa phương tích cực phòng chống nCoV trong cộng đồng

Xã hội - Ngày đăng : 18:30, 31/01/2020

(BKTO) - Trong những ngày qua, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, các cơ quan chức năng nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh.



Tất cả khách nhập cảnh tại cửa khẩu Móng Cái đều được đo thân nhiệt, phát tờ rơi truyền thông và khai tờ khai y tế -Ảnh: VOV
Ban Thường vụ Tỉnh ủyQuảng Ninhvừa ban hành Chỉ thị 32 về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để phòng, chống dịch bệnh do nCoV, yêu cầu các cấp ngành, địa phương triển khai các biện pháp cụ thể, cấp bách, như: Cấm người qua lại tại tất cả các đường mòn, lối mở biên giới; kiểm soát chặt chẽ toàn tuyến biên giới; tăng cường kiểm tra, kiểm soát và giám sát chặt chẽ người qua lại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Cửa khẩu Bắc Phong Sinh, Cửa khẩu Hoành Mô. Quảng Ninh cũng sẽ tạm dừng các hoạt động đón khách du lịch trong ngày vào Móng Cái, cũng như tạm dừng hoạt động xe du lịch tự lái vào Hạ Long để hạn chế nguy cơ lây nhiễm nCoV qua biên giới, đồng thời quản lý, theo dõi, khuyến nghị hạn chế di chuyển các đoàn khách Trung Quốc hiện đang ở Quảng Ninh.

Hiện, công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là các địa phương biên giới vẫn đang được siết chặt. 100% người nhập cảnh qua các cửa khẩu đường bộ, đường biển, đường hàng không đều phải khai báo y tế và đo thân nhiệt chủ động;

Ngành y tế và các lực lượng chức năng cũng chuẩn bị cơ sở vật chất, vật tư, thiết bị và sẵn sàng phương án ứng phó trong các tình huống; dự phòng, phát hiện sớm, cách ly triệt để các trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Tỉnh cũng đang tiếp tục hoàn thiện phương án xây dựng khu cách ly dã chiến tại cửa khẩu Móng Cái, Bắc Phong Sinh, Hoành Mô và các trung tâm y tế của các địa phương biên giới Móng Cái, Hải Hà, Bình Liêu để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết và chậm nhất đến ngày 3/2, tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái sẽ tổ chức diễn tập phòng, chống dịch bệnh.

Cùng với đó, Quảng Ninh theo dõi, giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục tình trạng sức khỏe của các chuyên gia, lao động nước ngoài (từ Trung Quốc) sau kỳ nghỉ Tết trở lại Quảng Ninh làm việc tại các khu công nghiệp, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và tại các doanh nghiệp; áp dụng quy trình kiểm dịch y tế nghiêm ngặt tại cửa khẩu và tại nơi làm việc...

Chủ tịch UBND tỉnhLào CaiĐặng Xuân Phong yêu cầu các địa phương, các ngành chức năng phải quyết liệt hơn nữa trong phòng chống dịch do nCoV gây ra.

Các địa phương phải kiểm soát, theo dõi và có báo cáo kịp thời nếu phát hiện có dấu hiệu dịch bệnh phát sinh. Các ngành chức năng có phương án phối hợp cụ thể ngay sau khi phát hiện trường hợp có thân nhiệt cao tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai; áp dụng tờ khai y tế cho tất cả các hành khách nhập cảnh từ Trung Quốc vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Lào Cai-Hà Khẩu từ ngày 25/1.

Các huyện, thành phố có đường biên giới với Trung Quốc phối hợp với bộ đội biên phòng kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu phụ, các lối mòn hạn chế người qua lại, thăm thân. Cơ quan kiểm dịch y tế quốc tế mua bổ sung 2 máy soi thân nhiệt kiểm soát người xuất nhập cảnh tại Cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Tỉnh tiếp tục chỉ đạo các lực lượng chức năng thường xuyên liên lạc, trao đổi với phía Trung Quốc trong công tác phối hợp nhằm tăng cường hiệu quả kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh; trang bị bổ sung hệ thống đo thân nhiệt từ xa, bổ sung máy phun khử trùng đáp ứng nhu cầu kiểm soát dịch bệnh; chỉ đạo ngành y tế thực hiện nghiêm quy trình cách ly, điều trị trường hợp nghi ngờ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh.

Đặc biệt, Lào Cai đã có chỉ đạo các địa phương giám sát chặt chẽ số lao động Việt Nam sang Trung Quốc làm thuê và đã về ăn Tết tại các địa phương; tăng cường vận động, tuyên truyền bà con tạm thời chưa trở lại Trung Quốc để làm thuê. Ngành LĐTB&XH cũng tạm thời ngừng việc làm thủ tục cho người lao động đăng ký đi làm thuê bên Trung Quốc cho đến khi dịch bệnh được kiểm soát.

Chủ tịch UBND tỉnhThái BìnhĐặng Trọng Thăng quán triệt: Do tính chất quá nguy hiểm của bệnh dịch này, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị, công điện, kế hoạch và đã triển khai. Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã ban hành chỉ thị về phòng chống dịch bệnh. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Thái Bình đã ban hành công điện, kế hoạch và Sở Y tế đã triển khai tới các ban, ngành...

Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình chỉ đạo các huyện, thành phố kiện toàn BCĐ công tác phòng, chống dịch bệnh và khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh trên địa bàn. Các cấp, các ngành phải nắm chắc tình hình lây lan của dịch bệnh trên thế giới, trong nước và trong tỉnh; phát hiện sớm, xử lý nhanh gọn, kịp thời khi có dịch xảy ra; có phương án khoanh vùng khi có dịch; có đội phản ứng nhanh ở cấp tỉnh, huyện và các bệnh viện; làm tốt công tác truyền thông.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cũng đã giao nhiệm vụ đối với từng ngành chức năng của tỉnh, trong đó ngành y tế ngay trong những ngày đầu tháng 2 phải đảm bảo khẩu trang, hóa chất và sớm rà soát, tham mưu bổ sung các trang thiết bị y tế còn thiếu phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Khi học sinh có biểu hiện sốt, nghi dịch bệnh, nhà trường đề nghị phụ huynh theo dõi và đưa đến bệnh viện thăm khám kịp thời, đồng thời cho học sinh nghỉ học để theo dõi tránh lây lan - Ảnh: TTXVN
Từ ngày 3/2, học sinh các trường công lập trên địa bàn TP. HCM bắt đầu nhập học trở lại sau kỳ nghỉ Tết. Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra, chiều 30/1, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM đã có văn bản chỉ đạo đến các trường về công tác triển khai một số biện pháp phòng bệnh.

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCMđề nghị lãnh đạo các trường học phối hợp chặt chẽ với cơ quan y tế tại địa phương xây dựng kế hoạch bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho học sinh; xây dựng phương án phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV gây ra tại tất cả các trường học.

Đồng thời, theo dõi và quản lý tốt sức khỏe học sinh, học viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường nhằm phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh; khi có hiện tượng bất thường hoặc dịch bệnh xảy ra cần thông báo ngay cho cơ quan y tế để được khám, điều trị, kiên quyết không để dịch lây lan trong trường học. Khi học sinh có biểu hiện sốt, nghi dịch bệnh, nhà trường đề nghị phụ huynh theo dõi và đưa đến bệnh viện thăm khám kịp thời, đồng thời cho học sinh nghỉ học để theo dõi, tránh lây lan. Nhà trường nhập sổ theo dõi sức khỏe của học sinh, nắm nguyên nhân nghỉ học do bệnh.

Các trường cũng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục cho học sinh, học viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường về nguyên nhân, hậu quả và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV và dịch bệnh mùa đông xuân. Giáo dục học sinh, học viên làm tốt nhiệm vụ là cầu nối tuyên truyền về phòng, chống dịch bệnh cho gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh đó, Sở Giáo dục và Đào tạoTP. HCM cũng lưu ý các trường hướng dẫn học sinh, học viên, giáo viên, giảng viên, cán bộ, nhân viên nhà trường hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc; giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi; cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.

Tại các trường có thực hiện công tác bán trú, nội trú cần tăng cường vệ sinh chiếu, mền và phòng ngủ; tăng cường nhắc nhở học sinh rửa tay đúng quy trình trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh…

Bệnh viện II Lâm Đồng -Ảnh: baolamdong.vn

Ngày 30/1, Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản hỏa tốc số 130/STY-NVY về việc công bố danh sách và địa chỉ các cơ sở có khả năng thu dung và điều trị bệnh nhân viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra.

Theo đó, các cơ sở khám chữa bệnh nằm trong danh sách này gồm 3 bệnh viện cấp tỉnh là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, Bệnh viện Nhi Lâm Đồng và Bệnh viện II Lâm Đồng; 10 bệnh viện tuyến huyện gồm Trung tâm Y tế của 10/12 huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Lâm Đồng. Cơ sở tư nhân duy nhất có đủ điều kiện được đưa vào danh sách trên là Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hoàn Mỹ, Đà Lạt.

Sở Y tế Lâm Đồng đã công bố đường dây nóng của các đơn vị quản lý và dự phòng gồm số điện thoại của lãnh đạo trực Sở Y tế: Bác sĩ Chuyên khoa II Nguyễn Đức Thuận -Trưởng Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch, số điện thoại 0918.220.677; bác sĩ chuyên khoa II, Phó Ban Chỉ đạo Trịnh Văn Quyết, số điện thoại 0918.016.355; Phòng Nghiệp vụ Y, Sở Y tế - Bác sĩ Võ Kim Hải, số máy bàn 02633.816.089.

Số điện thoại của các đơn vị tham gia quản lý và dự phòng gồm: Bác sĩ Nguyễn Quốc Minh - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 0338.490.103; Bác sĩ Nguyễn Xuân Song Hà -Khoa Phòng chống bệnh lây nhiễm - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 0918.564.072; Thạc sĩ Phạm Thị Thùy Trang -Khoa Kiểm dịch Quốc tế - Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh 0966.330.034; Bác sĩ Nguyễn Thị Hiếu Hòa -Trung tâm Y tế thành phố Đà Lạt 0834.305.567; Bác sĩ Phan Sĩ Long -Trung tâm Y tế thành phố Bảo Lộc 0913.141.127.

Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh trong toàn ngành và Bệnh viện Đa khoa Hoàn Mỹ, Đà Lạt thành lập Ban Chỉ đạo, Đội phản ứng nhanh phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra; công bố số điện thoại đường dây nóng của đơn vị để tiếp nhận và tư vấn kịp thời cho nhân dân về tình hình dịch bệnh. Đơn vị chức năng chủ động phương tiện đối phó với tình huống dịch bệnh hàng loạt; sẵn sàng đáp ứng, đảm bảo tốt công tác thu dung, cách ly người bệnh và cấp cứu tại chỗ; hạn chế chuyển tuyến không cần thiết, chỉ chuyển những người bệnh vượt quá khả năng điều trị…

Tính đến chiều 30/1, tỉnhBình Dươngchưa ghi nhận trường hợp nào mắc nCoV. Tuy nhiên, Bình Dương là tỉnh có nhiều người Trung Quốc đang sinh sống và làm việc tại các khu công nghiệp nên nguy cơ bệnh xâm nhập vào Bình Dương là rất lớn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Đặng Minh Hưng khẳng định: Công tác phòng chống bệnh do nCoV là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “chống dịch như chống giặc”. Ông Đặng Minh Hưng đề nghị các cấp, các ngành xác định rõ trách nhiệm của mình, cùng tham gia phòng chống bệnh do nCoV hiệu quả.

Sở Y tế tiếp thu các ý kiến góp ý để hoàn thiện, tham mưu UBND tỉnh sớm ban hành kế hoạch “Đáp ứng với bệnh viêm phổi cấp do nCoV gây ra trên địa bàn tỉnh”. Chia sẻ thông tin tình hình dịch bệnh phải bảo đảm kịp thời, thông tin phải chính thống, chính xác…

MTTQ và các đoàn thể cùng tham gia tích cực vào công tác phòng ngừa bệnh nCoV. Các lực lượng công an, quân đội và một số đơn vị chức năng khác có liên quan cần chia sẻ thông tin cho ngành y tế Bình Dương trong công tác phòng ngừa bệnh.

PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)