Minh bạch, rõ ràng hơn để hút FDI

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 08:55, 14/04/2016

(BKTO) - Môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam qua lăngkính của các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ngày càng được đánhgiá tích cực, tuy nhiên vẫn còn không ít “khoảng tối” cần được thắp sáng bằngnhững chính sách minh bạch, rõ ràng và mạnh mẽ hơn.



Dây chuyền công nghệ hiện đại của Công ty TNHH Honda Việt Nam. Ảnh: TL

Nhiều tín hiệu tích cực

Năm 2015 là năm thành công của Việt Nam trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài. Tổng vốn giải ngân FDI lên tới 14,5 tỷ USD, tăng 17,4% so với năm 2014 và là mức tăng so với cùng kỳ năm trước cao nhất kể từ khi Luật đầu tư trực tiếp nước ngoài được thông qua năm 1987 đến nay. Không những thế, dòng vốn FDI cam kết còn tăng cao hơn với tổng cộng 2.013 dự án và 15,5 tỷ USD, tăng 27% về số lượng dự án. Trong đó có nhiều dự án tăng vốn đầu tư xuất phát từ việc mở rộng sản xuất kinh doanh của các DN đang hoạt động. Đây là tín hiệu rất tích cực, cho thấy nhiều nhà đầu tư tiếp tục đặt niềm tin và nền kinh tế Việt Nam.

Theo điều tra PCI-FDI năm 2015 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ, có 11,3% DN FDI cho biết họ đã tăng đầu tư hoạt động sản xuất kinh doanh và 62,4% DN đã tuyển thêm lao động mới trong năm 2015. Con số này cho thấy những cải thiện lớn so với giai đoạn đầu tư ảm đạm năm 2012-2013. Nhưng mặt khác, kết quả khảo sát cho thấy doanh thu của DN FDI đã giảm đáng kể so với năm trước: số DN kinh doanh có lãi là 55%, giảm gần 3% so với năm 2014; số doanh nghiệp báo lỗ là 37,8%, tăng 3,5% so với năm 2014. Mặc dù vậy, gần một nửa số DN FDI tham gia khảo sát cho biết họ có ý định tăng quy mô hoạt động trong năm 2016 và những năm tiếp theo.

Đánh giá những yếu tố về môi trường kinh doanh của Việt Nam trong tương quan so sánh với các quốc gia mà nhà đầu tư nước ngoài từng cân nhắc để chọn địa điểm đầu tư, khoảng 50% DN FDI hiện đang đầu tư tại Việt Nam cho biết họ đã từng cân nhắc đầu tư vào nước khác. Thế nhưng trong số các nhà đầu tư từng cân nhắc địa điểm đầu tư, 83% đã chọn Việt Nam thay vì chọn các quốc gia khác, trong khi chỉ có 17% đầu tư vào Việt Nam như một phần của chiến lược đầu tư đa quốc gia.

Có 4 điểm mạnh của Việt Nam mà các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao hơn cả là mức thuế, rủi ro thu hồi tài sản, khả năng tác động chính sách và ổn định chính trị so với các nước cạnh tranh khác. Cụ thể, 55,5% DN FDI cho rằng mức thuế của Việt Nam tốt hơn; 73,6% DN cho rằng ít phải đối mặt với rủi ro bị thu hồi tài sản; 63,4% cho rằng họ có “tiếng nói” hơn trong quá trình xây dựng, thực thi pháp luật; trên 60% DN FDI đánh giá chính sách của Việt Nam ổn định và dễ đoán hơn. Kết quả này rất quan trọng, bởi doanh nghiệp FDI luôn coi trọng môi trường chính sách có thể tạo điều kiện cho họ xây dựng chiến lược kinh doanh dài hạn.

Cần thắp sáng những khoảng tối

Chấm điểm và xếp hạng môi trường kinh doanh ở Việt Nam, hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài đều cho rằng Việt Nam là một điểm đến rất an toàn: 65% các DN tin rằng môi trường kinh doanh của Việt Nam có ít rủi ro hơn các quốc gia cạnh tranh khác, chỉ có 5% DN cho rằng Việt Nam có nhiều rủi ro hơn.

Qua điều tra cũng xác định được hai loại rủi ro chính mà các DN FDI quan tâm. Thứ nhất, phần lớn DN FDI bày tỏ quan ngại về rủi ro kinh tế vĩ mô do những thay đổi về nền tài chính quốc tế hoặc trong nước. Như vậy, mặc dù các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã thực hiện nhiều biện pháp để giảm thiểu những rủi ro này, song đây vẫn là mối lo ngại lớn đối với cộng đồng các nhà đầu tư nước ngoài. Thứ hai, DN FDI lo ngại rủi ro về các quy định do những thay đổi về quy định hoặc thuế khiến lợi nhuận DN của họ bị giảm sút. Các phân tích sâu hơn của nhóm nghiên cứu cho thấy nguyên nhân chính của những quan ngại này không đến từ các yêu cầu khi gia nhập thị trường, mà từ chính các gánh nặng quy định khi vận hành DN và các cuộc thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý. Khoảng 70% số DN FDI cho biết họ phải bỏ ra trên 5% quỹ thời gian trong năm để giải quyết các thủ tục hành chính. Hơn nữa, trong khi số lần thanh tra theo tiêu chuẩn quốc tế khoảng 2 lần/DN/năm thì có một số lượng nhỏ DN FDI bị sách nhiễu bởi trên 10 lần thanh tra/năm.

Qua điều tra, các DN FDI đều chia sẻ cảm nhận chung là môi trường kinh doanh của Việt Nam kém hấp dẫn hơn xét về các yếu tố: tham nhũng, gánh nặng quy định pháp luật, chất lượng dịch vụ công, chất lượng cơ sở hạ tầng. Kết quả đáng buồn là nhà đầu tư xếp hạng cơ sở hạ tầng của Việt Nam chỉ ngang bằng với các nước láng giềng Campuchia và Lào; đối với lĩnh vực tham nhũng và gánh nặng quy định pháp luật, Việt Nam còn bị đánh giá thấp hơn nhiều so với các nước cạnh tranh khác. Trong đó, theo chia sẻ của các DN FDI, khoảng 29% DN thừa nhận rằng họ đã trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư và 25% DN trả hoa hồng khi cạnh tranh giành các hợp đồng của cơ quan nhà nước.

Thực tế thì chi phí thực sự của tham nhũng không chỉ bao gồm các khoản bôi trơn trực tiếp, mà còn bao gồm hiệu quả mất đi khi nhà thầu được chọn lựa không dựa trên năng lực thực chất. Con số 89% DN trả lời họ ít nhiều gặp phải những bất lợi trong quá trình đấu thầu nếu họ từ chối chi tiền hoa hồng quả là một vấn đề lớn mà các nhà quản lý, hoạch định chính sách phải quan tâm giải quyết, mới mong kỳ vọng có được một môi trường đầu tư hấp dẫn trong con mắt các nhà đầu tư “ngoại”.

HỒNG THOAN