Siết cho vay ngoại tệ: DN lo gánh thêm nhiều sức ép
Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 08:55, 14/04/2016
(BKTO) - Chính sách cho vay ngoại tệ đối với cácDN đã chính thức được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) siết lại từ đầu tháng 4/2016. Điềunày góp phần giúp nhà điều hành tiến thêm một bước trong lộ trình chống đô lahóa. Tuy nhiên, không ít DN đã tỏ lo lắng bởi quyết định của NHNN sẽ khiến chiphí vay vốn tăng lên, gây áp lực đối với hoạt động kinh doanh của DN trong thờigian tới.
Từ 31/3, NHNN siết chặt chính sách cho vay ngoại tệ đối với các DN thuộc nhóm C. Ảnh: TK
Siết cho vay ngoại tệ để góp phần chống đô la hóa
Thông tư 24/2015/TT-NHNN (Thông tư 24) của NHNN quy định từ ngày 31/3/2016, các ngân hàng thương mại sẽ chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với nhóm DN có nhu cầu vốn ngắn hạn ở trong nước nhằm thực hiện phương án sản xuất, kinh doanh hàng hóa xuất khẩu qua biên giới Việt Nam (DN thuộc nhóm C).
Theo lý giải của ông Bùi Quốc Dũng - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN), nhóm DN này chỉ muốn vay ngoại tệ sau đó bán đi lấy tiền đồng để hưởng mức chênh lệch lãi suất cao, thực chất họ cần tiền Việt Nam chứ không cần ngoại tệ. Mặt khác, giai đoạn trước, trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng và cầu về thị trường đều thấp, để hỗ trợ cho DN, NHNN đã mở rộng nhóm đối tượng cho vay ngoại tệ. Tuy nhiên, hiện tại, nền kinh tế phục hồi, cầu tín dụng tăng trưởng trở lại, cầu về ngoại tệ cũng tăng cao nên đối với nhóm đối tượng này cần phải xét lại. Bên cạnh đó, việc lựa chọn thời điểm kết thúc quý I/2016 để chấm dứt cho vay đối với nhóm DN này cũng đã được tính toán kỹ về yếu tố mùa vụ nhằm giảm thiểu những tác động đến thị trường ngoại hối.
Quyết định trên của NHNN nhận được sự đồng tình của nhiều chuyên gia kinh tế. “NHNN đã đưa ra quyết định đúng bởi những DN không có nhu cầu thực sự thì không nhất thiết phải vay ngoại tệ, họ có thể vay nội tệ. Quy định này sẽ làm giảm mức cầu ngoại tệ trong quan hệ kinh tế, từ đó góp phần ổn định thị trường ngoại hối, tạo niềm tin vào tiền Đồng Việt Nam” - chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu nhận định. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Minh - Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM cũng cho rằng, việc siết vay ngoại tệ đối với DN sẽ giúp cho tỷ giá thể hiện đúng mối quan hệ cung cầu trên thị trường, tăng dự trữ ngoại hối, ổn định kinh tế vĩ mô.
Cùng với việc đưa lãi suất tiền gửi USD về mức 0%, thay đổi cơ chế điều hành tỷ giá, việc dừng cho vay ngoại tệ đối với DN thuộc nhóm C nhằm từng bước chuyển dần từ quan hệ vay mượn sang mua bán ngoại tệ giúp hỗ trợ ổn định tỷ giá, góp phần thực hiện chủ trương chống đô la hóa trong nền kinh tế của Chính phủ. Minh chứng là tín dụng ngoại tệ trong tổng dư nợ cho vay nền kinh tế có xu hướng giảm dần qua các năm từ mức 14% năm 2013 xuống còn 13,1% năm 2014 và 9,6% trong năm 2015. Tính đến ngày 23/3, huy động ngoại tệ giảm 2,3% so với đầu năm 2016 (thống kê của NHNN).
DN lo chi phí vay vốn tăng cao
Nhìn lại giai đoạn 2011-2015, có thể thấy, NHNN đã rất kiên định với chủ trương ổn định thị trường ngoại hối, nâng cao vị thế Việt Nam Đồng, chống đô la hóa trong nền kinh tế. Chủ trương này tiếp tục được đại diện NHNN khẳng định ngay từ đầu năm 2016. Bởi vậy, quyết định ngừng cấp tín dụng đối với DN thuộc nhóm C theo Thông tư 24 được các chuyên gia nhận định là bước đi phù hợp trong lộ trình chống đô la hóa. Tuy nhiên, quyết định này đã khiến không ít DN tỏ ra lo lắng.
Lý do được các DN đưa ra là thực hiện Thông tư 24, DN thuộc nhóm nêu trên sẽ không còn được vay USD mà phải vay bằng tiền Đồng Việt Nam với lãi suất cao. Cụ thể, hiện tại, trong khi lãi suất cho vay ngắn hạn bằng USD ở mức 2,8-5,2%/năm thì lãi suất cho vay bằng Đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên là 6-7%/năm, còn với các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở vào khoảng 6,8-9%/năm. Như vậy, sự chênh lệch gần gấp đôi giữa mức lãi suất cho vay bằng USD và bằng Đồng Việt Nam sẽ khiến chi phí vốn vay của DN bị đội lên cao. Điều này làm ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh của DN, nhất là đối với những hợp đồng đã được ký kết từ trước dựa trên những tính toán vay bằng USD.
Chia sẻ khó khăn với DN, không ít chuyên gia cũng nhìn nhận, khi chi phí, lãi suất cao lên, DN có thể phải tính chi phí ấy vào giá bán hàng xuất khẩu. Khi đó, sức cạnh tranh hàng hóa xuất khẩu của DN Việt Nam sẽ càng phải chịu thêm nhiều sức ép. Bởi vậy, thời gian tới, bài toán mà NHNN và các ngân hàng thương mại cần tính đến là làm sao đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu chống đô la hóa với chủ trương hỗ trợ DN xuất khẩu theo định hướng ưu tiên của Chính phủ.
THÀNH ĐỨC