Giải cứu quả thanh long: Chú ý thị trường trong nước

Đầu tư - Ngày đăng : 17:05, 05/02/2020

(BKTO)- Phát biểu tại Hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh Corona, ngày 3/2, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “gót chân Asin” của xuất khẩu nông sản lúc này chính là rau quả, mà mặt hàng cốt lõi là thanh long. Các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực; khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước.


         
                              
                                                                            
         

Xe thanh long chờ xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành - Ảnh:haiquanonline.com.vn

         
      
   

Thanh long dồn ứ tại cửa khẩu

Để ngăn chặn đại dịch corona ngay từ biên giới, những ngày qua lực lượng chức năng cả hai phía Việt Nam và Trung Quốc đều siết chặt thông quan. Điều này khiến cho việc xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là quả thanh long trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.

Sáng 4/2, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai (Cục Hải quan Lào Cai) Trần Anh Tú cho biết: Hiện, tại bãi kiểm hóa ở cửa khẩu quốc tế đường bộ số II Kim Thành hiện có khoảng 200 xe container chở thanh long chờ xuất khẩu sang Trung Quốc, với tổng trọng lượng ước tính khoảng 3.000 tấn.

Theo ông Trần Anh Tú, số thanh long của chủ buôn phía Trung Quốc mua tại các tỉnh Bình Thuận, Long An, Vĩnh Long… sau đó thuê các đơn vị vận tải phía Việt Nam chở hàng và làm thủ tục thông quan tại cửa khẩu, giao hàng tại chợ đầu mối nông sản trong nội địa phía Trung Quốc.

Do ảnh hưởng của dịch do virus corona, cơ quan chức năng ở Hà Khẩu (Trung Quốc) đã tạm dừng hoạt động chợ biên mậu Bắc Sơn kể từ ngày 30/1/2020, do vậy thanh long mua từ bên Việt Nam về Trung Quốc tạm thời bị ứ đọng, chưa thông quan xuất khẩu được.

Theo kế hoạch của phía Trung Quốc, thời gian đóng cửa chợ biên mậu Bắc Sơn diễn ra đến hết ngày 8/2/2020, nhưng với tình hình dịch phức tạp như hiện nay, lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Lào Cai cho biết chưa thể biết thời điểm chính xác chợ biên mậu này hoạt động trở lại.
                
   

Hiện có 206 container hàng thanh long đang tồn đọng tại cửa khẩu Tân Thanh - Ảnh: haiquanonline.com.vn

   

Cũng xảy ra tình trạng tương tự, đại diện lãnh đạo Chi cục Hải quan cửa khẩu Tân Thanh (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, kể từ khi xuất hiện dịch corona, lượng nông sản, hoa quả xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Tân Thanh giảm mạnh khi các cơ quan chức năng hai nước cùng thực hiện nhiều biện pháp siết chặt thông quan để kiểm soát dịch bệnh.

Theo đó, kể từ ngày 30/1, sau khi phía Trung Quốc thông báo dừng thông quan hàng hóa tại một số cửa khẩu, đơn vị đã yêu cầu các đơn vị thuộc chi cục thông báo cho các DN biết về tình hình tạm dừng làm thủ tục thông quan hàng hoá để chủ động đưa hàng về cửa khẩu. Tuy nhiên, do không nắm bắt hoặc đang trên đường di chuyển về cửa khẩu nên tính đến sáng 4/2, tại cửa khẩu Tân Thanh còn tồn đến 206 container chứa thanh long.

Điều đáng nói, mặt hàng thanh long vẫn đang tiếp tục được đưa lên cửa khẩu, bình quân mỗi ngày 15-20 xe container.

Lý giải vì sao tiểu thương, DN vẫn đưa hàng về cửa khẩu, đại diện Chi cục Hải quan Tân Thanh nhận định, có thể do sức tiêu thụ tại nội địa thấp, các tiểu thương, DN không bán được hàng nên vẫn đưa hàng về cửa khẩu chờ phía Trung Quốc thông quan hàng hóa trở lại.

Theo đại diện Chi cục Hải quan Cốc Nam, kể từ ngày mùng 4 tết Nguyên đán (tức ngày 28/1) đến nay, tại cửa khẩu không có xe hàng nào được đưa lên cửa khẩu và cũng không có hoạt động thông quan hàng hóa, người và phương tiện xuất nhập cảnh được diễn ra tại đây. Mọi hoạt động giao thương với phía Trung Quốc trong tình trạng “án binh bất động”.

Còn tại cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, theo thông báo từ phía Trung Quốc kể từ ngày 3/2 (từ ngày 10 tết Nguyên đán) hoạt động thông quan hàng hoá tại cửa khẩu này sẽ trở lại bình thường. Tuy nhiên, theo đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị, thông tin phía Trung Quốc thông báo như vậy nhưng từ sáng 3/2 đến sáng nay 4/2 vẫn không có DN nào đăng ký làm thủ tục xuất khẩu hàng hoá. Chỉ có 1 DN làm thủ tục nhập khẩu 2 xe hàng từ Trung Quốc nhưng phía Trung Quốc vẫn chưa cho thông quan hàng sang Việt Nam.

Đại diện Chi cục Hải quan cửa khẩu Hữu Nghị cũng cho biết, hiện tại cửa khẩu có 60 xe container hàng thanh long vẫn đang tồn đọng kể từ khi Trung Quốc thông báo tạm dừng làm thủ tục thông quan. Đơn vị vẫn đang tuyên truyền tới các DN đồng thời tích cực trao đổi với các cơ quan chức năng phía Trung Quốc về tình hình dịch bệnh virus corona cũng như lộ trình của hoạt động thông quan hàng hoá để thông tin kịp thời tới người khai hải quan và DN.

Theo ghi nhận của phóng viên, tính đến thời điểm ngày 4/2, các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn rất hiu hắt, không còn cảnh xe cộ chất đầy hàng hóa tấp nập qua lại.
                
   

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

   

Cần sự đồng hành của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân

Trước tình hình dịch bệnh corona làm ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu nông sản Việt Nam, ngày 3/2, Bộ NN&PTNT đã tổ chức Hội nghị về thúc đẩy thương mại và phát triển sản xuất nông sản trước tác động của dịch bệnh Corona.

Phát biểu tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng cho biết, tuy đa số các ngành hàng đã cập nhật tình hình từ cửa khẩu nhưng hiện vẫn có các xe hàng nông sản đổ về các cửa khẩu của Lạng Sơn dù tình hình thông quan chưa khả thi thời điểm này.
                
   

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Nguyễn Công Trưởng phát biểu tại Hội nghị - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

   

Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Lạng Sơn và các tỉnh Trung Quốc đạt khoảng 4,75 tỷ USD, trong đó xuất siêu trên 2 tỷ USD. Tổng số có 186.272 xe xuất khẩu qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, một con số rất lớn.

“Riêng tháng 12, lượng xe thông quan qua các cửa khẩu của tỉnh là 12.600 xe, giảm so với cùng kỳ, do nguyên nhân dịch bệnh, kiểm soát xe cộ và truy xuất nguồn gốc. Trước Tết, hoạt động xuất nhập khẩu vẫn bình thường, đến 28 Tết Canh Tý tại các cửa khẩu của Lạng Sơn đã xuất toàn bộ hàng, không còn xe nào tồn đọng. Tuy nhiên, từ mùng 1 Tết, dịch bệnh bùng phát, Trung Quốc đóng 9 cặp chợ biên giới từ 31/1 đến 8/2, nếu dịch còn tiếp diễn phức tạp sẽ đóng kéo dài nên xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc gặp khó, hiện vẫn còn 333 xe chở nông sản đang chờ thông quan, trong đó có 190 xe thanh long, trọng lượng trên 5.300 tấn”, ông Trưởng cho biết.

Qua rà soát của Bộ NN&PTNT, từ nay đến hết Rằm tháng Giêng âm lịch, tại tỉnh Long An lượng thu hoạch thanh long khoảng 21.600 tấn. Đợt tiếp theo từ ngày 8/2-28/2 thu hoạch khoảng 54.000 tấn. Đầu tháng 3, tại Tiền Giang thu hoạch khoảng 10.000 tấn, Bình Thuận khoảng 100.000 tấn... Hầu hết các sản phẩm trái cây nêu trên là xuất khẩu tươi, chưa qua chế biến.

Tuy các địa phương đã hướng dẫn, chủ động trong điều chỉnh kế hoạch sản xuất nhưng tình trạng ùn tắc, dư cung cục bộ sẽ diễn ra do việc hạn chế giao dịch tại các cặp chợ biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Tây, Vân Nam, lịch nghỉ Tết Nguyên Đán của Trung Quốc kéo dài và các biện pháp đảm bảo công tác phòng chống dịch viêm phổi cấp được triển khai từ cả hai phía.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhìn nhận tình hình xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc sẽ có nhiều khó khăn tới do các đoàn đàm phán hai bên sẽ khó tiếp tục lịch trình để mở cửa chính thức cho nhiều loại nông sản. Đối với trước mắt, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định: “Hiện nay “gót chân Asin” của xuất khẩu nông sản chính là rau quả, mà cốt lõi là thanh long, có thế tới đây là dưa hấu. Để ứng phó được cần sự đồng hành, quyết tâm của khu vực nhà nước, Chính phủ, doanh nghiệp, người dân. Các tỉnh, hiệp hội rà soát các ngành hàng. Như ở Long An, nông dân không kích thích ra hoa trái vụ thanh long. Với 150 cơ sở trên địa bàn với hơn 100 cơ sở có kho đông lạnh phải cân đối, tập trung dự trữ trong các kho lạnh, tăng chế biến và đưa ra các giải pháp để tiêu thụ ổn định chừng 30.000 tấn/tháng”.

Cùng với đó, các doanh nghiệp bán lẻ như Hapro, Big C… cần vào cuộc tích cực; khi mặt hàng thanh long dễ tổn thương, chưa đi qua biên giới được thì hết sức chú ý thị trường trong nước. Riêng nhóm dưa hấu, Bộ trưởng chỉ đạo bà con nông dân và các địa phương hạn chế xuống giống, chuyển qua các cây trồng khác như: đậu tương, ngô, rau…
PHÙNG NGUYÊN (tổng hợp)