Đổi mới, tăng chất lượng kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:05, 10/02/2020

(BKTO) - Nhằm phát huy hiệu quả của các cuộc kiểm toán hoạt động (KTHĐ) việc quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện, đại diện của các đơn vị trực thuộc KTNN đã chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực.



Cần đổi mới cách thức tổ chức các cuộc KTHĐ quản lý ngân sách cấp huyện. Ảnh: Lê Hòa

Khó khăn, vướng mắctrong triển khai thực hiện

Hiện nay, đa số các cuộc KTHĐ việc quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện thường được tổ chức lồng ghép trong cuộc kiểm toán ngân sách địa phương dẫn tới việc KTHĐ đối với một cấp ngân sách vẫn chủ yếu xoay quanh hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách hằng năm, chưa tập trung, chú trọng các chủ đề mang tính thời sự được xã hội quan tâm hoặc theo yêu cầu giám sát của chính quyền địa phương. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng của các kết luận, kiến nghị kiểm toán là không lớn. Hơn nữa, trong điều kiện lồng ghép với các cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, việc tổ chức đoàn kiểm toán về thời gian, nhân sự, phân công công việc chưa có sự khác biệt so với các cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ.

Trong khi đó, đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán nhấn mạnh, KTHĐ việc quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện là một nội dung lớn, trọng tâm khi kiểm toán ngân sách địa phương tại các tỉnh. Nội dung này luôn được lãnh đạo KTNN quan tâm và yêu cầu các KTNN khu vực xác định trong kế hoạch kiểm toán, thực hiện kiểm toán và trong thực tế.

Kết quả đáng ghi nhận là KTHĐ việc quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện trong những năm qua đã phát hiện nhiều sai phạm làm tăng thu, giảm chi NSNN, đưa ra nhiều kiến nghị sửa đổi chế độ chính sách góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Về phía các đơn vị được kiểm toán, khó khăn, vướng mắc chủ yếu là các đơn vị chưa hiểu rõ phạm vi, giới hạn cuộc KTHĐ ngân sách cấp huyện cũng như chưa hiểu rõ cơ sở pháp lý, phương thức tổ chức KTHĐ việc quản lý sử dụng ngân sách cấp huyện.

Về phía KTNN, theo Phó Trưởng phòng KTHĐ (Vụ Tổng hợp) Hán Thị Bích Hồng, kết quả và chất lượng kiểm toán việc quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện chưa đáp ứng được kỳ vọng đối với cuộc KTHĐ. Kết quả kiểm toán mới chỉ tập trung về phát hiện các sai sót và xử lý tài chính tăng thu, giảm chi NSNN mà chưa đi sâu để xem xét đến việc sử dụng nguồn lực của các đơn vị được kiểm toán có kinh tế, hiệu quả, đồng thời có những kiến nghị mang tính tư vấn nhằm cải tiến công tác quản lý, sử dụng nguồn lực được tiết kiệm và hiệu quả hơn.

Đề xuất, kiến nghịnhiều giải pháp thiết thực

Luật NSNN hiện hành có quy định về thời kỳ ổn định ngân sách (5 năm) - theo Đại diện KTNN khu vực III - trong khi đó KTHĐ ngân sách cấp huyện hiện nay chỉ được kiểm toán, đánh giá trong 1 niên độ ngân sách cụ thể, do đó, các đoàn kiểm toán thường khó khăn trong việc nhận xét, đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả cho cả giai đoạn ổn định ngân sách. Vì vậy, KTNN nên xem xét tổ chức cuộc KTHĐ ngân sách cấp huyện gắn với giai đoạn ổn định ngân sách cụ thể (trước khi địa phương xây dựng cơ chế, chính sách cho giai đoạn mới), mục đích giúp cho đơn vị, địa phương được kiểm toán nhìn nhận được những sai sót và các kiến nghị tư vấn hoàn thiện cơ chế, chính sách. Cũng qua đó, cuộc KTHĐ mang đến nhiều ý nghĩa hơn đối với cấp huyện và tỉnh, thành phố được kiểm toán trong giai đoạn ổn định ngân sách tiếp theo.

Theo đề xuất của Vụ Tổng hợp, cần đổi mới cách thức tổ chức cuộc KTHĐ quản lý ngân sách cấp huyện, trong đó chú trọng công tác lựa chọn chủ đề kiểm toán. Tránh dàn trải các mục tiêu, trọng tâm kiểm toán, tập trung vào các chủ đề được dư luận quan tâm trong việc quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện. Đồng quan điểm, đại diện KTNN khu vực IX nêu ví dụ, có thể lựa chọn một chủ đề cụ thể để kiểm toán cụ thể, như: công tác lập, phân bổ và giao dự toán của huyện; công tác lập, thẩm định nhu cầu cải cách tiền lương của các đơn vị; công tác tổng hợp, lập báo cáo quyết toán ngân sách huyện… để đảm bảo cuộc kiểm toán mang lại những đánh giá thiết thực, góp phần chấn chỉnh những sai sót, hạn chế, rút ngắn thời gian tổ chức thực hiện trong các hoạt động của ngân sách huyện.

Đại diện Vụ Tổng hợp và các KTNN khu vực đều cho rằng, cần chú trọng hơn nữa đến công tác khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán để xây dựng các mục tiêu, tiêu chí kiểm toán phù hợp và được sự thống nhất cao của đơn vị được kiểm toán. Các tiêu chí được xây dựng phải cụ thể, tránh các tiêu chí chung chung, chú trọng đánh giá tính tuân thủ. Tập trung xây dựng các tiêu chí gắn với đánh giá tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả. Đại diện KTNN khu vực V có ý kiến, KTNN cần ban hành công văn hướng dẫn những thông tin cần thu thập, cách thức đánh giá trọng tâm và rủi ro kiểm toán đối với ngân sách huyện. Tùy vào thực tế của đơn vị được khảo sát mà tổ khảo sát tự xác định những tiêu chí kiểm toán phù hợp; xây dựng và ban hành sổ tay KTHĐ để các kiểm toán viên tiếp cận nhanh công việc.

Đồng thời, nhiều ý kiến cũng đề xuất tăng thời gian cho việc khảo sát, ưu tiên bố trí các kiểm toán viên am hiểu ngân sách và có kỹ năng KTHĐ để nâng cao chất lượng kiểm toán cũng như báo cáo kiểm toán. Song song với việc tập trung gia tăng giá trị của báo cáo kiểm toán, nâng cao tính hiệu lực pháp lý của các kiến nghị kiểm toán, đảm bảo các kiến nghị kiểm toán là khả thi, cần nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ kiểm toán viên.

Một vấn đề cần quan tâm nữa là hiện nay, mới chỉ có KTNN khu vực I và KTNN khu vực IV có Phòng KTHĐ, còn 11/13 KTNN khu vực chưa có các Phòng chuyên trách về KTHĐ. Đây cũng là một trong những khó khăn, hạn chế trong việc triển khai các cuộc KTHĐ việc quản lý, sử dụng ngân sách cấp huyện tại các khu vực.

H.THOAN