Tập trung đạt mục tiêu tăng trưởng giữa tâm dịch corona
Kinh tế - Ngày đăng : 16:50, 10/02/2020
(BKTO)- Giữa tâm dịch corona, hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế đang là vấn đề được nhiều người quan tâm khi mà xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều chuyên gia cho rằng dịch virus corona gây ra tác động tiêu cực đến kinh tế, nhưng đi kèm là nhiều cơ hội và Việt Nam cần hành động ngay để tận dụng.
Xuất khẩu nông sản đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch corona - Nguồn: internet. |
Dù vậy, các chuyên gia cho rằng kinh tế giảm tốc lúc này nhưng hoàn toàn có thể lấy lại đà tăng trưởng nhanh hơn sau khi dập dịch. Vấn đề là Chính phủ ngay từ bây giờ phải có kịch bản kinh tế phù hợp để tận dụng các cơ hội sắp tới.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân- thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP. HCM, lúc này thì việc kiểm soát dịch là ưu tiên số 1. Tuy nhiên, Chính phủ cũng phải quan tâm đến việc tháo gỡ các khó khăn để phát triển kinh tế.
Ông Trần Hoàng Ngân thừa nhận dịch đang gây ra những tác động tiêu cực đến kinh tế. Tuy nhiên, ông cũng lạc quan cho rằng những tác động đó chắc chắn chỉ là ngắn hạn. Vấn đề là sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ có những kịch bản phát triển như thế nào để lấy lại đà tăng trưởng.
Dịch virus corona đang đem đến cơ hội để hàng Việt Nam có thể xuất khẩu mạnh hơn ra thế giới do có cơ cấu hàng hóa tương đồng với Trung Quốc. Khi Trung Quốc phải đóng cửa nhiều nhà máy, thì Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên giành lấy các đơn đặt hàng này. Khi lấy được các đơn đặt hàng thì đó cũng là lúc chứng tỏ hàng hóa Việt Nam hoàn toàn đủ sức cạnh tranh, có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu - ông Ngân cho biết.
Chiều 7/2 vừa qua, Bộ Công thương cũng đã "họp khẩn" nhằm tìm giải pháp quyết tâm giữ ổn định sản xuất và thị trường hàng hóa, giữ vững mục tiêu tăng trưởng đã đề ra. Theo đó,Bộ Công thương sẽ thành lập Ban chỉ đạo ứng phó với dịch Corona với nhiệm vụ cập nhật, cung cấp và hướng dẫn cụ thể, đầy đủ và kịp thời các chỉ đạo chung của Chính phủ cũng như lãnh đạo Bộ Công thương trong công tác phòng chống dịch bệnh và các biện pháp để tiếp tục ổn định tình hình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cũng khẳng định: Để cân đối phòng dịch và mục tiêu tăng trưởng vĩ mô cần tiếp tục rà soát, đánh giá các tác động của dịch bệnh đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt là đến các kịch bản tăng trưởng mà Bộ Công thương đã xây dựng, từ đó đề xuất những giải pháp, chính sách cần thiết đối phó với những hệ lụy sẽ có, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh vẫn chưa có dự báo cụ thể về thời gian và quy mô.
Cụ thể, người đứng đầu ngành Công thương yêu cầu Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục đảm bảo cung ứng hàng hóa, đấu tranh chống đầu cơ, găm hàng, tăng giá trục lợi; có văn bản đề nghị Bộ Y tế, Bộ Tài chính phối hợp để yêu cầu niêm yết giá, đối chiếu với giá cung ứng của 38 cơ sở sản xuất khẩu trang y tế để xử lý vi phạm theo đúng quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, giao Cục Công nghiệp là đầu mối làm việc với các DN nhằm tăng cường sản xuất vải kháng khuẩn, đảm bảo nguồn cung cho sản xuất; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện tác động của dịch bệnh đến sản xuất công nghiệp và các ngành kinh tế liên quan, đặc biệt đặt trong hệ quy chiếu là chuỗi cung ứng có sự tham gia của Việt Nam và các quốc gia khác.
Đối với Vụ Thị trường trong nước, Bộ trưởng yêu cầu tiếp tục làm việc với các siêu thị, trung tâm thương mại để vận động thúc đẩy tiêu thụ, xem xét cơ chế tạo thuận lợi từ cơ quan quản lý nhà nước để doanh nghiệp phân phối hưởng ưu đãi trong tiêu thụ nông sản, không chỉ tiêu thụ tại thị trường Việt Nam mà còn đưa sản phẩm hàng hóa ra các hệ thống tại nước ngoài.
Đặc biệt, đối với Cục Xúc tiến thương mại, Cục Xuất nhập khẩu và các Vụ Thị trường ngoài nước, Bộ trưởng yêu cầu tục tháo gỡ khó khăn, giải quyết lượng nông sản đang tồn ứ do ách tắc trong thông quan với thị trường Trung Quốc, đồng thời đánh giá lại quy mô khối lượng đã và sẽ ách tắc thời gian tới, trên cơ sở đó đánh giá lại các địa bàn tiềm năng để xúc tiến thương mại, tìm kiếm đầu mối thúc đẩy tiêu thụ.
NAM SƠN (Tổng hợp)